Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người đưa đò tận tụy

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Lê Thị Mỹ Phước bên những con heo đất giúp học sinh nghèo
Với cô, cái nghiệp theo con trẻ như vận vào cuộc đời. Gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” từ thuở chiến tranh, bom đạn dội trên đất, cô trò ê a học chữ dưới hầm. Đến tuổi nghỉ hưu, cô lại tất bật chăm lo, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em đến lớp tiếp thu tri thức.
Trọn cuộc đời “Mẹ vẫn lặng thầm với bao đời trẻ/ Bao thăng trầm vẫn đáng quý đáng yêu”… Người mẹ ấy là cô giáo Lê Thị Mỹ Phước (60 tuổi) ở tổ 32, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng).
Thuở dạy chữ trong hầm
Mùa hè năm 1966, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Hóa, như bao bạn bè đồng trang lứa, cô Phước hăm hở cầm quyết định về nhận công tác ở vùng quê thuộc xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình). Những ngày cô Phước về nhận nhiệm vụ dạy học ở Bảo Ninh hẳn khó mà quên trong tâm trí. Giai đoạn 1966-1967, chiến tranh leo thang ở miền Bắc diễn ra vô cùng ác liệt. Là mảnh đất cận kề địa đầu giới tuyến, Bảo Ninh – quê hương cô vừa là nơi cung cấp lực lượng, lương thực cho tiền tuyến vừa là hậu cứ vững chắc cho con em K8, K10 ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh… tỉnh Quảng Trị trên hành trình di dân để bảo tồn nòi giống.
Bảo Ninh dạo ấy là một vùng cát trắng bời bời, qua bao bận bom cày đạn xới đến không còn một bụi cây, ngọn cỏ nào mọc được. Những hàng cây phi lao – loại cây có sức bám trụ trên vùng cát gió này cũng bị bom làm cháy sém, trơ trọi giữa trời nắng chang chang. Cô Phước về hôm trước, hôm sau nhận nhiệm vụ. Nhìn tứ bề chẳng thấy trường, chẳng thấy lớp, chẳng thấy học trò… Trường lớp và học trò đều ở trong… lòng đất. Hệ thống trường lớp lúc bấy giờ là những căn hầm chữ A nằm kề nhau được đào sâu trong lòng đất cát và một giao thông hào để phòng khi máy bay địch bất ngờ ập đến, thầy và trò có thể thoát ra ngoài. “Ngày nào cũng thế, ngoài giờ học, cô trò cùng dắt díu nhau ra bãi biển chặt cây rười (một loại cây giống lau sậy) về đan lại với nhau để chắn cát bên trong hầm. Vất vả lắm nhưng ai cũng hiểu rõ nghĩa vụ mình đang làm là vì quê hương nên mọi người rất hăng hái, nhiệt tình”, cô Phước kể lại.
Hơn 40 năm rồi mà cái kỷ niệm thuở còn dạy học trên quê hương mẹ Suốt vẫn hằn nguyên trong kí ức của cô Phước như mới hôm qua. “Lần đó vào khoảng đầu năm 1968, 6 em học trò đang trên đường đến trường thì bất ngờ bị máy bay địch ập xuống dội bom. Vì quá bất ngờ nên các em không kịp lẩn tránh. Thi thể các em trộn lẫn không còn nguyên vẹn, máu nhuộm đỏ cát trắng. Ngớt tiếng bom, cô thầy trong trường cùng bà con đành lòng gom từng mảnh thi thể các em làm nấm mồ chung”, lau giọt nước mắt lăn dài, giọng cô Phước nghẹn thắt lại. Trong số 6 em học sinh ấy có 2 học sinh do cô làm chủ nhiệm!
Một đời vì học trò nghèo
Chiến tranh kết thúc, năm 1980, cô Phước theo chồng về Đà Nẵng, dạy học ở Trường PTCS Lương Thế Vinh. Ở đây, cô tiếp tục dạy học, làm tổ trưởng tổ văn của trường… cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc sống với đồng lương giáo viên eo hẹp lắm lúc khó khăn, chật vật nhưng cô luôn trích một phần để giúp đỡ học sinh nghèo. “Càng gần ngày về hưu, cái ý nghĩ phải làm được điều gì đó giúp các học trò nghèo hiếu học cứ thôi thúc tôi. Thuở bom đạn ly lạc, các em chịu thiệt đã đành, giờ đây quê hương hòa bình no ấm, các em cần có điều kiện để học hành, tìm tương lai tươi sáng để góp phần xây dựng quê hương”, cô Phước bộc bạch. Từ ý nghĩ đó, hơn 10 năm nay, hình ảnh người giáo viên già hàng ngày tất tả trên chiếc xe đạp đi thăm hỏi, động viên các em học sinh nghèo ở khu phố đã trở thành quen thuộc với những người dân ở tổ 32, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Những ngày chuẩn bị vào năm học mới này, cô Phước lại tất bật với công việc thống kê số học sinh nghèo cần được trợ giúp, tính toán các khoản chi tiêu trong gia đình làm sao để dư ra một khoản giúp các em bộ sách hoặc bộ đồng phục. Cô Phước chia sẻ: “Cứ mỗi buổi chợ về, mình tiết kiệm một ít bỏ vào heo đất để có chút đỉnh động viên các em. Kể ra chẳng đáng bao nhiêu nhưng giúp được học trò nghèo, tôi thấy vui lắm. Cuộc đời người giáo viên không có gì hạnh phúc bằng thấy học sinh mình được đến trường”.
Nghĩ là làm, hơn 10 năm qua, mỗi năm học mới cô Phước đều tặng hàng chục suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Lương Thế Vinh – nơi cô có thời gian công tác trong những năm dạy học ở Đà Nẵng. Ngoài ra, cô còn mở lớp dạy thêm môn văn tại nhà cho những học sinh đam mê môn học này. Cô Phước tâm sự: “Cuộc sống thực sự đủ đầy và hạnh phúc khi chúng ta thoải mái về cả tâm hồn và vật chất. Những môn học xã hội giúp cho tâm hồn con người trở nên nhân văn hơn. Vì thế, học sinh nào muốn học môn này tôi đều cố gắng giúp các em”.
Không những thế, khi năm học kết thúc, cô còn dành phần thưởng cho các em học sinh giỏi khối 9 của trường đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Ba năm nay, cô nhận bảo trợ dài hạn mọi chi phí học tập cho hai em: em Lê Thị Ngọc Hà, đang học lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh và em Lê Thị Hồng Thương đang học Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. “Ba mẹ cháu bị bệnh hiểm nghèo lần lượt qua đời, cháu trở nên trầm cảm, học hành bê trễ. Nhờ có cô Phước mà cháu lấy lại được tự tin, ham học”, bà nội em Ngọc Hà cho biết.
Bài, ảnh: Vương Hàn

Ở vào cái tuổi 60, hàng ngày cô giáo Phước vẫn lặng lẽ góp sức mình vào việc giúp bao thế hệ học trò tìm đến với con chữ để xóa nghèo, chắp cánh cho bao mảnh đời không may có được cơ hội tìm đến tương lai tươi sáng. Giờ đây, nhiều người đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… đang công tác ở những miền quê xa xôi để giúp ích cho đời. Nhưng hẳn họ không quên hình ảnh người giáo viên một đời tận tụy lặng thầm giúp họ vươn tới những chân trời mới.

 

Bình luận (0)