Là lao động nữ duy nhất được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019, chị Nguyễn Thị Thúy Hà (Tổ trưởng Xưởng làm hàng mẫu Mây tre lá Ba Nhất (phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi tính cần cù và niềm đam mê sáng tạo. Trong 18 năm lao động, chị tạo ra nhiều mẫu mã độc đáo, không chỉ giúp “giữ lửa” cho nghề truyền thống mà còn đưa nó vươn đến tận trời Tây.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà (bìa phải) cùng chị em trong xưởng
Hồi sinh nghề truyền thống
Xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là một trong những cái nôi của nghề dệt chiếu, đan giỏ bằng thủ công. Có bề dày hàng trăm năm, kinh nghiệm về nghề này đã lắng tụ và bồi dưỡng nên nhiều thế hệ tài hoa với “đôi tay vàng”. Để rồi dù đi đến đâu, con người của vùng đất ấy cũng rạng danh, thậm chí còn hồi sinh cái nghề vốn dĩ đã đi vào dĩ vãng. Và chị Hà là một người như thế.
Như những gia đình khác, từ đời ông bà, cha mẹ của chị đã sống bằng công việc dệt chiếu, đan giỏ thủ công. Khi lên 7-8 tuổi, chị đã biết phụ gia đình làm một số công đoạn đơn giản. Lớn hơn một chút, thấy mẹ nhận thêm hàng về gia công, chị quan sát, học hỏi rồi tự tạo ra sản phẩm. Từ chỗ làm để mưu sinh, riết rồi đam mê luôn tự bao giờ chị cũng không nhớ rõ.
Khi bước sang tuổi 19, thay vì như bao cô gái khác lấy chồng, sinh con, sống an phận tại làng quê, chị Hà lại có suy nghĩ tiến bộ. Chị thấy rằng mình còn quá trẻ với lại cái nghề này ở địa phương hầu như nhà nào cũng có thể sản xuất trong khi đó tại thành phố lớn như TP.HCM lại hiếm hoi người đam mê công việc này. Nhận thấy được điều đó, chị quyết định một thân một mình khăn gói đến vùng đất mới đưa cái nghề của quê hương vươn xa hơn nữa.
Quyết định của chị Hà đã đẩy người con gái vừa “chân ướt chân ráo” đến nơi xa lạ, không người thân, bạn bè biết đến Xưởng làm hàng mẫu Mây tre lá Ba Nhất. Không cần suy nghĩ nhiều, chị liền nộp hồ sơ xin việc. “Vốn có tay nghề nên vừa vào xưởng là lãnh đạo cho hưởng lương chính thức luôn, không phải thử việc. Thấy tôi một thân một mình, ông, bà giám đốc còn cưu mang, giúp đỡ, cho ăn ở tại xưởng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi làm việc. Nhờ vậy mà tôi đã gắn bó với công việc mãi cho tới bây giờ. Tôi cũng không có ý định mở xưởng riêng. Khi nào nơi này còn, tôi vẫn còn làm” – chị Hà vừa kể vừa thoăn thoắt đan những sợi lục bình khô thành một chiếc giỏ nhỏ xinh.
Kể từ ngày có “bàn tay vàng” của cô gái Ninh Bình, Xưởng làm hàng mẫu Mây tre lá Ba Nhất bán hàng đắt như tôm tươi. Hàng ra bao nhiêu, khách đều lấy hết bấy nhiêu. Để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, xưởng phải tuyển thêm nhiều lao động, tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ có công ăn việc làm ổn định. Tất cả đều do một tay chị Hà kèm cặp, huấn luyện, đào tạo. Tính đến nay chị đã dẫn dắt cho 180 công nhân lao động tại xưởng. Trong đó có 75 người đã trở thành thợ giỏi. 17 năm làm việc cùng nữ công nhân gốc Ninh Bình, cô Nguyễn Thị Kiều nhận xét: “Hà là một tổ trưởng rất chịu khó học hỏi, hòa đồng. Sản phẩm nào cầu kỳ, phức tạp chị em ở đây không làm được Hà đều tận tình chỉ dẫn. Nhờ vậy mà chúng tôi có được môi trường làm việc tốt, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình”.
Với sự nhiệt tình của chị Hà, sản phẩm tạo ra không chỉ đẹp, bắt mắt, chắc, bền mà còn có nhiều kiểu dáng khác nhau mặc dù chất liệu cũng chỉ là mây, tre, lá, cói.
Suốt những năm gắn bó với nghề, chị mày mò, tạo ra không biết bao nhiêu là mẫu mã độc đáo, chinh phục hàng trăm khách hàng khó tính. Theo chị Hà, làm công việc này phải biết sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới cho khách hàng lựa chọn. Vì bây giờ chất lượng sống của mọi người đã thay đổi, máy móc tân tiến, hiện đại, hàng nhập khẩu lại nhiều mà chất lượng lại bền, đẹp, nhìn sang trọng hơn sản phẩm truyền thống nên mình phải biết làm mới để tạo nên sự cuốn hút. “Sản phẩm sau khi sáng tạo xong, trình lên ban giám đốc rồi đưa ra chào hàng. Tùy vào mẫu lớn, nhỏ mà thời gian hoàn thiện sẽ nhanh hay chậm, có mẫu nhỏ làm chỉ vài tiếng, mẫu lớn làm đến 20 tiếng. Lúc nào sản phẩm hút khách, không có nhiều thời gian thì mình làm kiểu đơn giản, còn rảnh rỗi thì suy nghĩ sáng tạo thêm, tạo sự khác biệt” – chị Hà bật mí về công việc.
Với chị, công việc này thấy dễ nhưng mà không dễ vì ngoài tính cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết trong lúc đan giỏ thì người thợ còn phải biết chọn vật liệu. “Vào mùa mưa, mấy loại mây, tre, lá, cói rất khó bảo quản nên chất lượng không được như mùa nắng. Vì vậy, trong lúc làm mình phải khéo léo chọn những sợi đẹp đan ở phía bên ngoài, còn sợ hơi bị xấu nhưng còn sử dụng được thì đan phía bên trong. Như vậy mình mới vừa tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu mà người nông dân vất vả tạo ra vừa giữ được chất lượng sản phẩm” – chị Hà nói thêm về cái nghề mình đã chọn.
Sản phẩm handmade, vươn ra trời Tây
Trong không gian làm việc chỉ vỏn vẹn chừng 30m2, chị Hà cùng hơn 15 người phụ nữ khác âm thầm, cần mẫn đan từng chiếc giỏ bằng thủ công giữa lòng một thành phố hiện đại. Tiếng đan giỏ loạt soạt của các chị đôi lúc lấn át cả tiếng máy móc, tiếng của các thiết bị công nghệ như để khẳng định với mọi người rằng, cái nghề truyền thống xa xưa ngày nào tưởng chừng như bị lãng quên, không còn mấy ai thiết tha nhưng đến giờ nó vẫn sống tốt, sống khỏe, thậm chí vươn xa đến tận trời Tây. Chị Hà thổ lộ: “Sản phẩm ở đây không chỉ phục vụ cho khách hàng trong nước mà còn được nhiều quốc gia trên thế giới đặt hàng, trong đó nhiều nhất là các nước ở châu Âu, Mỹ, Nhật… Bây giờ các quốc gia ấy có xu hướng quay về sử dụng những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên để hạn chế ô nhiễm môi trường nên mặt hàng này là phù hợp nhất”.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà đang hoàn thành chiếc sọt đựng quần áo để kịp giao cho khách Hơn 18 năm “thủy chung” gắn bó với nghề, cần cù trong công việc, chị Hà trở thành người phụ nữ duy nhất được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019. Giải thưởng không chỉ tiếp sức cho chị tiếp tục với công việc mà còn chứng minh cho mọi người thấy rằng, chị đã lập nên “kỳ tích” bằng chính đôi tay và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mình. Ông Kiều Ngọc Vũ (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) khẳng định tại lễ trao giải: “Những kỹ sư, công nhân tiêu biểu hôm nay không chỉ được nể phục với khả năng sáng tạo, tinh thần làm việc không ngại khó mà chúng ta còn quý mến, tin yêu bởi sự chất phác; hết lòng vì mọi người, sống có trách nhiệm với lớp thợ đàn em. Bản lĩnh, năng động, tự tin đã nâng các anh chị thành những cánh chim không mỏi, luôn sải cánh trên bầu trời lao động sáng tạo”. |
Những ngày giáp Tết nhu cầu của khách tăng cao, có lúc chị Hà và một số chị em đồng nghiệp phải tăng ca cả đêm để kịp giao hàng đúng hẹn. Dù cực nhưng ai cũng nở nụ cười vì công sức của mình được nhiều người đón nhận.
Mới đây nhất, sáng kiến về mẫu bồ đựng trái cây đan dây lục bình và bồ đựng trái cây đan dây cói của chị tiếp tục được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Toàn lô hàng 150.000 cái đều bán hết, mang về lợi nhuận 420 triệu đồng cho xưởng. Chị Hà chia sẻ: “Sản phẩm này vừa mang đến sự thích thú, hài lòng của khách nước ngoài vừa giải quyết được nguyên liệu trong nước, tạo thêm nguồn thu nhập cho những người thợ thủ công đan đát ở vùng sông nước”…
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)