Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người đưa tiếng Việt vào Harvard

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ nhiều năm qua, nhà trí thức người Việt – Giáo sư Ngô Như Bình này đã không ngừng đem kiến thức chuyên môn để duy trì và truyền lại tiếng nói và văn hoá của quê hương cho các thế hệ người Việt đang sinh sống tại nước Mỹ.


Giáo sư Ngô Như Bình
Chuyên gia ngôn ngữ Nga – Việt tài năng

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau khi học xong phổ thông năm1968, chàng trai Ngô Như Bình theo học tại Khoa tiếng Nga, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Là sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Như Bình được trường giữ lại làm giảng viên giảng dạy tại Khoa tiếng Nga. Năm 1979, ông sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đồng thời, ông còn giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Học viện các nước Á-Phi, thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên M.V.Lomonosov.

Sau 3 năm vừa học vừa giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Mátxcơva, năm 1982, chàng nghiên cứu sinh người Việt Ngô Như Bình đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài "Trường ngữ nghĩa trong tiếng Nga". Sau đó, Ngô Như Bình tiếp tục giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Lomonosov đến năm 1991, rồi chuyển từ Nga sang Mỹ để làm việc tại Đại học Harvard.

Trong thời gian dạy tiếng Việt tại Liên Xô (cũ) và Nga, Giáo sư Ngô Như Bình đã biên soạn một số giáo trình dạy tiếng Việt được đánh giá cao phục vụ cho việc giảng dạy sinh viên quốc tế. Có những sinh viên được học tiếng Việt với thầy Bình, rồi sau này trở thành những nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga, đến bây giờ vẫn giữ quan hệ với thầy, ngày Tết Nguyên Đán vẫn gửi thư chúc Tết thầy. Cuốn sách sau cùng ông xuất bản trước khi rời Matxcơva sang Mỹ là "Giáo trình tiếng Việt cho năm thứ nhất" biên soạn cùng hai đồng nghiệp người Nga, xuất bản tại Matxcơva năm 1989, hiện vẫn được sử dụng tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva, Đại học Khoa học Nhân văn Nga, Đại học Quân sự Bộ Quốc phòng Nga ở Matxcơva.

Tạo "cú huých" văn hóa và tiếng Việt ở Đại học Harvard

Sau hơn mười năm giảng dạy và nghiên cứu ở Matxcơva, năm 1992, Giáo sư Ngô Như Bình chuyển từ Nga sang làm việc cho Đại học Harvard. Ở trường Đại học hàng đầu nước Mỹ này, Giáo sư Bình giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á (Department of East Asian Languages and Civilizations). Trước khi Giáo sư Ngô Như Bình đến Mỹ, tiếng Việt đã được dạy ở Đại học Harvard hơn 20 năm. Nhưng khi ấy, nhà trường chưa có chương trình tiếng Việt bài bản.= 
Những khi có nhu cầu, một giáo sư người Mỹ mới đứng tên chủ trì, rồi thuê người đến dạy. Vì vậy, sự có mặt của một chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa Việt có uy tín tại Đại học Harvard đã tạo ra một "cú huých" quan trọng.
 Sau khi Giáo sư Ngô Như Bình giảng dạy được hai năm, Đại học Harvard đã quyết định xin kinh phí để có biên chế dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, do Giáo sư Bình là chủ nhiệm chương trình. Ngoài ra, Giáo sư Ngô Như Bình còn được ban lãnh đạo Đại học Harvard tín nhiệm bầu vào tiểu ban cố vấn về ngoại ngữ của toàn trường Đại học Harvard. Thành viên trong tiểu ban đều là những "cây đa cây đề" trong lĩnh vực ngôn ngữ học.

Trong nhiều năm tháng đứng trên giảng đường Đại họcHarvard, Giáo sư Ngô Như Bình đã ra sức giới thiệu về Việt Nam – đất nước của một dân tộc có bề dày lịch sử, có nền văn hóa lâu đời – đến các sinh viên Mỹ. Đối với những sinh viên người Mỹ gốc Việt, qua ngôn ngữ, ông luôn cố gắng giúp họ tìm về cội nguồn. "Ngay năm thứ hai đại học, tôi đã đưa một số tác phẩm văn học Việt Nam vào để khai thác tiếng Việt, ví dụ truyện của Nguyễn Huy Thiệp, thơ của Nguyễn Bính… Đến năm thứ ba thì chương trình tiếng Việt được dạy toàn bộ tác phẩm văn học Việt Nam", Giáo sư Ngô Như Bình cho biết.

Nhu cầu học tiếng Việt của người Việt ở Mỹ là rất cấp bách

Theo Giáo sư Ngô Như Bình, các mối quan tâm của người Mỹ đến Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Tuy Mỹ là nước đi sau nhiều quốc gia khác như Pháp, Nga…về dạy tiếng Việt cũng như Việt Nam học, nhưng hiện đây là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam. "Hầu như tất cả sinh viên tôi từng giảng dạy đều đã có dịp đi Việt Nam, có những người vẫn đang làm việc tại Việt Nam", thầy Bình tự hào.

Ngoài đối tượng là người Mỹ và người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt, số người Việt Nam sinh sống ở Mỹ muốn học tiếng nói của quê hương để giữ gìn bản sắc dân tộc cũng không ngừng tăng lên. Họ thuộc nhiều thế hệ, nhiều nguồn gốc, một số là những người trước đây làm việc cho chính quyền Sài Gòn, sang Mỹ di tản. Đối tượng khác là những người sang Mỹ sau năm 1975. Các thế hệ lớn tuổi vẫn còn hiểu biết ít nhiều về văn hoá Việt Nam, còn biết tiếng Việt, luôn hướng về cội nguồn. Họ cố gắng duy trì tình cảm đó cho các thế hệ người Việt sinh ra hoặc lớn lên trên nước Mỹ.

Giáo sư Bình (phải) cùng một đồng nghiệp Mỹ trong chuyến về Việt Nam
 Giáo sư Ngô Như Bình cho biết, dù sinh ra ở Việt Nam hay ở Mỹ, thì có một điều không thể phủ nhận là người Việt xa xứ dù vì hoàn cảnh nào cũng đều rất nhớ và yêu mến đất nước Việt Nam. Nếu thời kỳ sau năm 1975, mọi người đều muốn nhanh chóng hoà nhập vào đời sống văn hoá của nước Mỹ thì ngày nay, nhu cầu đã đổi khác. Các thế hệ đi trước đều có chung mong muốn để con, cháu mình biết tiếng Việt, biết nhiều về quê hương, cội nguồn.
 Tuy nhiên, nhịp sống, công việc, hoàn cảnh khách quan đã làm nhiều thanh niên người Mỹ gốc Việt các thế hệ sau này sinh ra, lớn lên ở Mỹ không biết tiếng mẹ đẻ, và có nguy cơ ngày càng ít hiểu biết về quê hương, xứ sở. Vì vậy, nhu cầu học tiếng Việt trong các gia đình người Việt ở Mỹ là rất cấp bách. Ở những nơi có đông cộng đồng, người Việt thường tổ chức các lớp học tiếng Việt thông qua hoạt động tình nguyện của những người có trình độ tiếng Việt cao trong cộng đồng hoặc qua các tổ chức tôn giáo (nhà thờ, chùa…). Trong chương trình giảng dạy Việt Nam học ở một số trường Đại học (California, Seatles, Arizona…) có các chương trình dạy tiếng Việt thu hút khá đông sinh viên gốc Việt theo học.

Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học rất được coi trọng ở Mỹ

Các trường đại học ở Mỹ cũng đầu tư khá nhiều tiền cho các chương trình nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt. Một số trường đại học có chương trình Việt Nam học nằm trong các chương trình Đông Nam Á học, như Đại học Hawaii, Cornell, Michigan, Washinton… Một số trường lại có chương trình Việt Nam học độc lập mà không có Đông Nam Á học, như Đại học Harvard. Thời gian gần đây còn xuất hiện một loại hình nữa là nhóm nghiên cứu Việt Nam học (Vietnames Studies Group), đây là một diễn đàn không có trụ sở mà chỉ có một web site riêng, nhưng tập hợp được rất nhiều các nhà Việt Nam học các nước trên tất cả các lĩnh vực.

Nhìn chung, giới nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam tại Mỹ khá khách quan, họ nghiên cứu khá sâu về nhiều lĩnh vực và có tiếng nói trên nhiều diễn đàn quốc tế và trong nước. Các nhà Việt Nam học chủ yếu là người Mỹ và là lực lượng phát triển nhanh nhất, mạnh nhất so với nhiều ngành nghiên cúư về các nước khác. Chính phủ Mỹ hiện nay rất quan tâm và tôn trọng ý kiến của các nhà Việt Nam học ở Mỹ.

Học giả không ngừng truyền bá ngôn ngữ Việt ra thế giới

Sau 17 năm giảng dạy ngôn ngữ học và văn hóa Việt tại Mỹ, bằng uy tín và  nỗ lực của mình, Giáo sư Ngô Như Bình đã đưa tiếng Việt trở thành môn học đứng ngang hàng với những ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn tại khoa ngôn ngữ học của Đại học Harvard cũng như tại các trường đại học ở Mỹ. Đến nay, chương trình tiếng Việt của Đại học Harvard liên tục thu hút được số sinh viên ổn định. Ngoài ra, Giáo sư Ngô Như Bình còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội các trường đại học ở Mỹ giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài (GUAVA); Phó Chủ tịch Hội giảng viên các ngôn ngữ Đông Nam Á (COSTEAL).

Bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy, Giáo sư Ngô Như Bình còn biên soạn một số cuốn sách giáo khoa được sử dụng phổ biến trong nhiều trường đại học tại Mỹ. Một trong những cuốn sách giáo khoa như vậy là Tiếng Việt sơ cấp (Elementary Vietnamese) kèm theo 8 CD ghi âm do nhà xuất bản Charles E. Tuttle Publishing Inc xuất bản lần đầu tiên năm 1999 và bốn năm sau, được sửa đổi, chỉnh lý và xuất bản lần hai. Cuốn sách còn được sử dụng  tại các trường đai học ở Canada, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ông cũng đã biên soạn một số chương trình dạy ngôn ngữ cho người Việt Nam ở Mỹ như  "Conversational Vietnamese" (Tiếng Việt hội thoại), chương trình dạy tiếng Anh cho người Việt "English for Vietnamese Speakers". Các chương trình này đều dựa theo phương pháp Pimsleur do nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành. Ngoài ra, Giáo sư Bình còn cùng hai đồng nghiệp tại hai đại học khác ở Mỹ biên soạn Chuẩn đánh giá trình độ kỹ năng (Proficiency Guidelines) dành cho người học tiếng Việt và Hướng dẫn giảng dạy và học tiếng Việt (Teaching and Learning Framework for Vietnamese). Cả hai cuốn đang được sử dụng rộng rãi tại các trường đại học ở Mỹ và nước ngoài.
Vũ Anh Tuấn Dantri
(Theo dcearc.harvard.edu và báo chí trong nước)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)