Hội nhậpThế giới 24h

Người dùng châu Âu chia rẽ về trí tuệ nhân tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Một nghiên cứu mới đây cho thấy người dùng ở châu Âu đang chia rẽ mạnh mẽ về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).

Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) vừa công bố kết quả khảo sát nghiên cứu được thực hiện tại một số nước châu Âu để đánh giá nhận thức của người dùng đối với sự phát triển của AI. Tiến hành tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1.000 người tham gia trả lời được chọn lựa dựa trên tính toán nhân khẩu học.

Giới thiệu công nghệ về AI trong một triển lãm tại Tây Ban Nha. Hoàng Đình

Nguy hiểm hay không?

Trong đó, trả lời câu hỏi "AI là mối nguy hiểm cho xã hội", thì số người "rất đồng ý" chiếm 13%, "đồng ý" chiếm 25%. Ở chiều ngược lại của câu hỏi này thì có 7% "rất không đồng ý" và 16% "không đồng ý". Còn lại khoảng 39% chọn "cửa giữa". Với câu hỏi: "AI là cơ hội cho xã hội", có tổng cộng 54% người trả lời "đồng ý" và "rất đồng ý", tổng số bác bỏ chỉ 12% và có 34% không đồng ý mà cũng không bác bỏ.

Qua cuộc khảo sát, ING cũng muốn đánh giá về nhận thức của người dùng sau khi việc tiếp cận của các công cụ AI tổng hợp với công chúng rộng rãi hơn – đặc biệt là ChatGPT vốn đã hoạt động được hơn một năm nay. Khi được hỏi về mức độ quen thuộc người dùng với những công cụ này, 45% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng công cụ AI trong cuộc sống riêng tư ít nhất một lần trong 6 tháng qua và có 47% (trong số những người đang đi làm) cũng cho biết ít nhất 1 lần sử dụng AI trong 6 tháng qua cho công việc.

Những người đã sử dụng các công cụ AI tổng quát trong công việc ít nhất 1 lần trong 6 tháng qua dường như hài lòng với trải nghiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, 25% nêu bật tính dễ sử dụng và có 17% hoặc phải mất một thời gian để làm quen với AI hoặc nhanh chóng từ bỏ, 28% nhận thấy rằng kết quả tốt hơn mong đợi và có 9% nhận xét ngược lại, 35% đánh giá các công cụ AI tổng quát đã giúp họ tiết kiệm thời gian nhưng có 6% cho rằng AI khiến tốn nhiều thời gian hơn.

Đặc biệt, theo kết quả cuộc khảo sát trên, những đánh giá về tác động của AI đối với thị trường việc làm nhìn chung khá bi quan. 39% số người trả lời cho rằng xét về tổng thể, việc sử dụng rộng rãi AI sẽ làm giảm nhiều lao động hơn so với số lao động mà AI tạo ra. Trong khi đó, có 22% kỳ vọng rằng số việc làm do AI tạo ra sẽ tương đương với số việc làm bị mất đi vì AI. Chỉ có 15% số người trả lời tỏ ra lạc quan rằng số công việc do AI tạo ra sẽ nhiều hơn số công việc bị mất đi. Và có 8% cho rằng AI không tác động gì đến thị trường lao động, có đến 15% "không có nhận xét".

Sửa luật bảo vệ người tiêu dùng phù hợp kỷ nguyên AI

Tờ Bangkok Post ngày 18.3 đưa tin Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) vừa kêu gọi chính phủ nước này thay đổi Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng để phù hợp với các xu hướng công nghệ đang phát triển, đặc biệt là AI… Thông cáo do TCC đưa ra nhấn mạnh: "AI có trách nhiệm và công bằng cho người tiêu dùng". Qua đó, tổ chức này muốn việc thay đổi luật tập trung vào các hành vi do các nền tảng được điều khiển bởi AI, bao gồm thông tin sai lệch, vi phạm quyền riêng tư…

Tờ báo dẫn lời Tổng thư ký TCC Saree Aungsomwang cho biết Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng của Hạ viện Thái Lan đang xem xét soạn thảo một dự luật nhằm giải quyết vấn đề AI.

Theo Hoàng Đình/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)