Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Người dùng Việt Nam cầm điện thoại 3G chờ… mạng 3G

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa: Tinh Tế.Smartphone ngày một giảm giá cùng sự xuất hiện của một loạt điện thoại với màn hình cảm ứng đa điểm, phù hợp cho việc duyệt web di động khiến nhiều người tò mò về khả năng “xem video, truy cập Internet tốc độ cao” của mạng mới.

Các thành viên trên một số diễn đàn công nghệ cùng chia sẻ niềm hy vọng “đầu năm sau sẽ có 3G”. Điện thoại hỗ trợ chuẩn này đang xuất hiện ngày càng nhiều và giá bán giảm đáng kể so với những năm trước nhưng người sử dụng không tận dụng được hết tất cả các tính năng. Một thành viên trên diễn đàn Tinh tế so sánh sắm điện thoại 3G tại thời điểm này giống như đường bộ Việt Nam chỉ cho phép xe máy chạy với tốc độ dưới 40 km/giờ nhưng người ta vẫn mua motor phân khối lớn để đi trong thành phố.

Còn Fozd, thuộc diễn đàn TTVNOL, nhận xét: “3G giúp người sử dụng không phải tìm đến các điểm kết nối Wi-Fi để vào mạng và tốc độ cũng cao hơn GPRS. Khi đó có lẽ việc dùng Internet trên di động sẽ trở thành một thói quen chứ không phải chỉ là giải pháp tạm thời trong những lúc không có điều kiện tiếp cận máy tính như hiện nay”.

Ở Việt Nam, S-Fone đã thiết lập mạng 3G trên nền CDMA 2000 EV-DO trong dải băng tần 800 MHz. Tuy nhiên, chuẩn di động thế hệ ba chỉ thực sự gây được sự chú ý khi iPhone xuất hiện. Chiếc điện thoại của Apple tạo nên cơn sốt không phải vì ra đời vào thời điểm người tiêu dùng “bỗng nhiên” nhận ra giá trị của 3G, mà bởi Apple đã đem đến một thiết bị vừa đẹp về hình thức vừa phù hợp với việc thưởng thức nội dung đa phương tiện, nhất là màn hình cảm ứng đời mới đã loại bỏ cảm giác gò bó thường thấy trong những thiết bị có kích thước nhỏ (và cũng không phải cảm ứng một chạm khô cứng như trước).

Sau iPhone, gần chục sản phẩm tương tự đã và sắp có mặt trên thị trường như của Nokia, Sony Ericsson… (thậm chí LG tuyên bố sẽ cho ra mắt điện thoại cảm ứng chỉ 250 USD) khiến người sử dụng thay đổi quan niệm về các tiện ích di động và nhận thấy điện thoại trong tương lai hoàn toàn có thể được dùng để giải trí và làm việc như trên máy tính hiện nay.

Tuy vậy, dù mong đợi, không ít người thừa nhận chỉ dám “kính nhi viễn chi” trong giai đoạn đầu của 3G ở Việt Nam. Chi phí là rào cản đầu tiên làm họ chùn bước bởi theo lời nhận xét của một người sử dụng thì “GPRS chỉ để chat, check mail, đọc báo… với dung lượng không đáng kể mà hóa đơn đã lên chóng mặt thì khi chuyển sang 3G hỗ trợ video, multimedia không biết sẽ còn kêu đến thế nào nữa”.

Còn theo ước tính của các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, mức chi tiêu trung bình của mỗi thuê bao trong nước thời gian tới sẽ tăng lên khoảng 50-70% so với hiện nay do sử dụng dịch vụ gia tăng trên nền 3G.

Ngoài ra, những nội dung chiến lược như video, truyền hình di động và lướt web cũng chưa thể hoàn thiện ngay trong thời gian mới triển khai. Đại diện của hãng Qualcomm tại Việt Nam khẳng định họ có các dịch vụ phù hợp với cả điện thoại dưới 1 triệu, nhưng những thiết bị này không đem lại cảm giác thoải mái do giao diện nhỏ, các phím điều khiển thiếu linh hoạt, chất lượng hình ảnh kém, khả năng lưu trữ thấp và thời lượng pin quá ngắn…

Tuy nhiên, những vấn đề này sẽ dần được khắc phục bởi giảm giá dịch vụ và thiết bị đầu cuối là một “điển hình” của ngành viễn thông di động, các model điện thoại đang liên tục được cải tiến phù hợp hơn với nhu cầu và sự thành công của mỗi nhà cung cấp sẽ phụ thuộc vào việc họ mang đến nội dung gì cho khách hàng.

Thống kê của tổ chức Wireless Intelligence thuộc Hiệp hội GSM cho thấy hiện có khoảng 670 triệu thuê bao trong 492 mạng 3G thương mại trên thế giới và sẽ tăng lên 1,6 tỷ người dùng vào năm 2012. Doanh thu từ dịch vụ 3G sẽ đạt 394 tỷ USD, còn các nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ 3G cũng thu về 114 tỷ USD trong năm tới.

Trong khi đó ở Việt Nam vẫn chưa có một nhà cung cấp nào chính thức triển khai 3G trên công nghệ WCDMA. Trong hội thảo Di động băng thông rộng 3G, diễn ra ngày 6/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng nhận định việc đi sau cũng là một lợi thế vì “chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, sử dụng trang thiết bị 3G đã được chuẩn hoá với giá thành rẻ hơn và tận dụng tối đa hạ tầng mạng lưới của mạng 2G”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút tiến hành thi tuyển để cấp phép 3G cho 4 trong số 7 đơn vị kinh doanh dịch vụ di động là MobiFone, Vinaphone, Viettel Mobile, S-Fone, EVN Telecom, HT Mobile và GTel. Nếu trúng tuyển, mỗi mạng sẽ được cấp tần số gồm 15 MHz băng tần FDD và 5 MHz băng tần TDD. Nhưng nếu không triển khai dịch vụ, doanh nghiệp sẽ bị phạt, thậm chí rút giấy phép. Theo dự kiến, 3G sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ 2009.

Ngành viễn thông Việt Nam đã chọn hai công nghệ để phát triển dịch vụ 3G là WCDMA và CDMA2000. WCDMA thuộc hệ thống UMTS, thế hệ cao hơn của GSM 2G, còn CDMA2000 là “hậu duệ” của CDMA-One 2G.

Theo VNE

Bình luận (0)