Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Người già đi bơi nên cẩn thận

Tạp Chí Giáo Dục

Người già đi bơi để cải thiện sức khỏe. Ảnh: L.T

Bơi lội có tác dụng tốt đối với các cơ bắp, hoạt động của tim mạch và điều hòa huyết áp. Vì thế với người cao tuổi, môn thể thao dưới nước này được biết đến như một hình thức rèn luyện thân thể thật sự có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS, người già khi xuống nước cần cẩn thận hơn vì dễ xảy ra những sự cố không ngờ được.
Bơi lội đẩy lùi bệnh tật
Vốn là thương binh hồi chiến tranh chống Mỹ, khi chưa về già ông H. một cán bộ cao cấp của Sở GD-ĐT TP.HCM đã bị bệnh đau khớp hoành hành, đi lại rất khó khăn. Theo khuyến cáo của BS Bệnh viện Thống Nhất, ông dành thêm thời gian đi bơi. Ông H. tâm sự: “Nhờ bơi lội mỗi tuần từ 2 đến 3 lần nên khớp chân của tôi không còn những cơn đau kéo dài như trước, trong người cũng thấy khỏe khoắn hơn nhiều”. Tại hồ bơi Li Đô, Q.Bình Thạnh, nhân viên ở đây thường bắt gặp một phụ nữ dù đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chung thủy với môn bơi lội. Đó là bà M. một cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu. Cũng như ông H., bà M. mắc bệnh thoái hóa cột sống khi đã bước qua tuổi 40. Cũng theo gợi ý của đồng nghiệp ở Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, bà đã thực sự làm quen với “đường đua xanh” không ngoài mong muốn giảm thiểu bệnh tật.
BS. Nguyễn Đình Phú – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, khi cơ thể xuống nước một số bộ phận như các khớp ở chân và cột sống không còn chịu tác động mạnh của cơ thể như lúc bình thường. Lúc này lực hấp dẫn tác động vào cơ thể đã bị giảm. Đối với người già sức nâng đỡ của khớp yếu hơn nên khi có tác dụng của nước sức nâng đỡ đó không còn chịu nhiều áp lực nặng nề như trước. Gặp môi trường nước, các nhóm cơ lưng cũng được nghỉ ngơi thoải mái hơn. Đây chính là lý do làm cho các khớp xương chậm quá trình thoái hóa và khôi phục những trục trặc nhỏ về xương khớp.
Bơi phải biết cách
Tuy nhiên, theo BS. Phú, người cao tuổi cần có một số hiểu biết về phương pháp chữa bệnh bằng môn bơi lội khi tuổi không còn trẻ nữa. Theo ông H. một đôi lần, ngón chân co quắp hay khớp hông bị đau sau khi ngủ dậy là cũng do xuống nước mà khởi động quá “hà tiện”. BS. Lê Văn Quang –  Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất khuyên, nếu được tốt nhất phải khởi động trên 30 phút, có như vậy mới giúp cho các xương khớp làm quen với những vận động mạnh sau đó. Đây cũng là yếu tố giúp cho cơ thể nóng dần lên để khỏi bị cảm lạnh đột ngột khi xuống nước. Người già nên có những bài tập và các động tác khởi động phù hợp với lứa tuổi, thời gian xuống nước. Nên trải đều thời gian tập trong mỗi tuần, cứ cách 2 ngày bơi một lần trong khoảng thời gian 25-30 phút. Không nên kéo dài thời gian tập quá lâu trong một buổi. Bà M. cho biết, trước đây cứ nghĩ tập càng nhiều càng tốt, nhưng theo lời khuyên của BS, bà không để cho thời gian bơi tùy hứng hay kéo dài mà chỉ đủ sức mà thôi. Theo bà, tốc độ bơi phải tăng dần để tần số mạch đạt chuẩn khoảng 125-139 nhịp/ phút nhưng không lạm dụng các kiểu bơi khó và cần nhiều sức như bơi bướm, bơi sải. Cũng vì huyết áp thất thường nên người già không nên lặn nhiều, lặn sâu dễ làm cho sức ép dưới nước tăng cao ảnh hưởng nhiều đến nhịp thở của phổi và nhịp đập của tim.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)