Đó là thầy Nguyễn Văn Thành với gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục TP.HCM. Thầy Thành không chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa mà còn giáo dục đạo đức cho học sinh. Thầy cho rằng, đây là gốc để học sinh trưởng thành, phát triển nhận thức, hướng đến học tập và hành động tích cực, từ đó sẽ tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết gieo mầm hạnh phúc.
Tận tụy với nghề
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thầy Thành được phân công về Trường THPT Nguyễn Hữu Huân dạy môn vật lý và công tác Đoàn. Đó là thời điểm đất nước chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Riêng những người làm nghề giáo, không chỉ khó khăn trong việc đi lại mà còn thiếu thốn về cơ sở vật chất giảng dạy. Thầy Thành cũng thế, chiếc xe đạp chính là “tài sản” quý giá nhất của thầy lúc bấy giờ. Mỗi ngày, thầy đều đạp xe đến trường dạy học. Tan trường, thầy tiếp tục đạp xe gần 20 cây số dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân viên huyện Thủ Đức, nay là TP.Thủ Đức. Đường xa, có hôm xe đạp hư là thầy phải dẫn bộ rất xa mới tìm được tiệm sửa xe. Tiếng chuông reo báo giờ dạy kết thúc cũng là lúc đồng hồ điểm 21 giờ 30 phút, thầy Thành lại đạp xe về nhà trên chiếc xe đạp cọc cạch.
Do đảm nhận thêm vai trò công tác Đoàn nên ngoài dạy học thầy Thành còn phải hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động, phong trào. Có những lúc nhà trường quá khó khăn không có kinh phí, thầy và trò phải tự xoay xở. Thấy hoàn cảnh của học sinh cũng nghèo khó, thầy đã dùng đồng lương ít ỏi của mình để mua cho các em trái bắp, ly trà đá. “Nhìn gương mặt học sinh ngây thơ, hồn nhiên tôi thấy thương các em vô cùng. Tình cảm học trò dành cho mình chính là động lực để tôi luôn tận tụy và gắn bó với nghề và làm những điều tốt nhất cho các em”, thầy Thành chia sẻ.
Giáo dục đạo đức
Với 22 năm dạy học bằng cái tâm và năng lực, thầy Thành được ngành giáo dục tin tưởng giao làm công tác lãnh đạo. Từ năm 2007, thầy giữ chức Phó Hiệu trưởng phụ trách chung của Trường THPT Trưng Vương, sau đó giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man rồi đến Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu kiêm Cụm trưởng Cụm chuyên môn 6. Trong vai trò lãnh đạo, thầy Thành luôn có những định hướng, chiến lược để giáo dục toàn diện cho học sinh. Thầy không chỉ đặc biệt quan tâm đến giáo dục văn hóa mà còn giáo dục đạo đức cho học sinh. Thầy Thành cho rằng, đạo đức chính là gốc để học sinh trưởng thành, phát triển nhận thức, hướng đến học tập và hành động tích cực để đóng góp cho xã hội. “Chúng ta có thể giáo dục đạo đức cho các em qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm hay tạo cơ hội cho các em tham gia hoạt động thiện nguyện giúp đỡ xã hội… Qua đó, các em sẽ mắt thấy tai nghe những gì đã diễn ra để làm bài học cho bản thân mình”, thầy Thành cho biết.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 1 trước đây, thầy Thành báo cáo tham luận chuyên đề về tăng cường giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua hoạt động thiện nguyện. Tham luận của thầy được lãnh đạo quận đánh giá cao, nhiều thầy cô các trường học trên địa bàn TP.HCM quan tâm, tìm hiểu áp dụng cho học sinh của mình, tạo nên sức lan tỏa trong ngành giáo dục.
Trong bài tham luận, thầy Thành cho rằng, hằng năm thay vì các lớp tổ chức liên hoan thì giáo viên chủ nhiệm có thể kết hợp với phụ huynh cho học sinh đến thăm viện dưỡng lão, trẻ mồ côi, người khuyết tật… Đến đây, các em vừa có thể chia sẻ với người khó khăn vừa học được lòng nhân ái qua sự yêu thương, đồng cảm, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. “Vật chất có thể mất đi nhưng lòng nhân ái, lòng yêu thương mới là vĩnh cửu”, thầy Thành nhấn mạnh.
Không chỉ định hướng, chỉ đạo, bản thân thầy Thành cũng thực hành để làm gương cho giáo viên, học sinh của mình. Trong vai trò lãnh đạo nhà trường, thầy Thành đã đồng hành và tổ chức trao nhiều nhà tình thương cho những gia đình khó khăn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều ngôi nhà tình thương đã đến với người nghèo, thắp lên cho họ tia hy vọng về cuộc sống.
Nhà giáo thời nay tuy có điều kiện vật chất, tinh thần nhưng cũng có những khó khăn và thách thức. Muốn vượt qua trở thành những người thầy tài, đức, trước tiên, các em phải luôn giữ vững đạo đức, tác phong, lương tâm của người thầy. Đồng thời, các em phải luôn trau dồi, học tập để đáp ứng với thời chuyển đổi số và hội nhập thế giới. Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề của nghề giáo sẽ góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, xã hội hạnh phúc. |
Nhìn lại chặng đường giảng dạy, thầy Thành đã dìu dắt bao thế hệ học sinh lớn lên, thành đạt. Nhiều thế hệ học sinh dù đã ra trường, đảm nhận những vị trí cao trong xã hội nhưng vẫn luôn nhớ về người thầy năm xưa dạy dỗ mình. “Có nhiều học sinh đã ngoài 50 tuổi, có cháu nội, cháu ngoại nhưng vẫn thường xuyên về thăm thầy. Đó là điều mà những người làm nghề giáo hạnh phúc nhất. Bởi mình không chỉ làm tốt vai trò mà còn đào tạo nên những con người sống có tình, có nghĩa, luôn biết ơn, thấu hiểu”, thầy Thành chia sẻ.
Đối với thầy Thành có biết bao kỷ niệm đẹp với học sinh thân yêu. Kỷ niệm và cảm động nhất là năm 2019, thế hệ học sinh khóa 1986-1989 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã chọn đúng ngày sinh nhật của thầy là 7-7 để kỷ niệm 30 năm ra trường. “Các em chuẩn bị chu đáo, trong số đó có rất nhiều em dù đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn quay về tham dự chúc mừng sinh nhật thầy và ôn lại kỷ niệm cùng các bạn từng học chung với mình. Mới đây, các em lại tiếp tục tổ chức kỷ niệm 35 năm ra trường tại Phan Thiết đúng dịp sinh nhật tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc khi học trò luôn nhớ đến mình. Đối với tôi, hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết gieo mầm hạnh phúc”, thầy Thành quan niệm.
Hồ Trinh
Bình luận (0)