Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người giỏi không vào sư phạm thì cải cách giáo dục thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Đội ngũ giáo viên là là lực lượng trực tiếp thực hiện việc “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục”. Nhưng chất lượng đầu vào của ngành sư phạm trong những năm gần đây chỉ sát với “điểm sàn” khiến dư luận hết sức lo lắng.
Không thể đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, nếu “đầu vào” ngành sư phạm rất thấp. Điều đó chứng tó những học sinh giỏi không muốn theo đuổi nghề dạy học. Vấn đề đặt ra là, bao giờ và cần làm gì để chất lượng đầu vào của ngành sư phạm được cải thiện? Tôi nghĩ đây chính là tiền đề quan trọng nhất để thực hiện thành công cải cách giáo dục.

Trong mùa tuyển sinh năm 2011, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều, tỉ lệ “chọi” không gay gắt, làm cho điểm chuẩn của nhiều ngành học sư phạm cũng chỉ ở mức “cận sàn”, tức chỉ sát với điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đề ra. Điều này lại xảy ra đối với các ngành học thuộc khối A, B, vốn là các khối học thường có điểm chuẩn cao hơn các khối C, D. Chẳng hạn: ở ngành sư phạm Tin, điểm chuẩn là 15,0; ngành sư phạm Vật lý, điểm chuẩn là 15,0; ngành sư phạm Hóa học, điểm chuẩn là 15,0; ngành sư phạm Sinh học, khối B điểm chuẩn là 15,0…

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nhưng đến mùa tuyển sinh năm 1997, các trường đầo tạo ngành sư phạm có nhiều tín hiệu khởi sắc đáng mừng khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng đột biến. Cùng với đó là điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sư phạm cũng tăng theo. Hầu hết các trường có truyền thống đào tạo sinh viên sư phạm như: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Vinh, ĐHSP Huế…đều có điểm chuẩn ở các ngành học phổ biến trên 20 điểm. Vào thời điểm đó, việc Chính phủ miễn học phí cho sinh viên sư phạm và mức lương của giáo viên được điều chỉnh cải thiện đáng kể đã tạo “cú hích” để chất lượng đầu vào các trường sư phạm được nâng lên. Đáng tiếc là, thời kỳ “vàng son” đó kéo dài không được bao lâu. Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm lại tiếp tục đi xuống. Nhiều học sinh có học lực khá, giỏi ngày càng hờ hững với ngành sư phạm.

Trường ĐH Vinh (trước đây là trường ĐHSP Vinh) vốn được xem là “lò” đào tạo sinh viên sư phạm của cả nước. Nhưng trong một vài năm gần đây cũng đang đối mặt với tình trạng ngày càng ít thí sinh có học lực khá, giỏi đăng ký dự thi. Hệ quả là điểm chuẩn đầu vào thấp.
Đáng nói là, dù điểm chuẩn trúng tuyển NV1 chỉ ở mức “cận sàn” như vậy nhưng trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu và phải tiếp tục xét tuyển NV2 với số lượng lớn. Chẳng hạn: ngành sư phạm Tin phải xét tuyển thêm 55 chỉ tiêu NV2, tương tự, ngành sư phạm Vật lý là 42 chỉ tiêu, ngành sư phạm Hóa học là 21 chỉ tiêu, ngành sư phạm Địa lý là 26 chỉ tiêu… Tình hình trên không chỉ xảy ra ở “lò” đào tạo sinh viên sư phạm của trường đại học Vinh mà còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành sư phạm khác. Đây quả là điều rất đáng lưu tâm.
Những năm vừa qua, các khoa, ngành sư phạm được phép không thu học phí đối với sinh viên. Nhưng dường như chính sách ưu đãi này chỉ còn sức hấp dẫn với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà không còn đủ “lực” để “níu kéo”những sinh viên có học lực loại giỏi thi vào ngành sư phạm. Chất lượng “đầu vào” không cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng “đầu ra” của sinh viên. Một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Toán ở một trường THPT công lập trên địa bàn Tp. Vinh bộc bạch: “Với điểm trúng tuyển ở mức sát với điềm sàn như vài năm qua thì việc xuất hiện những “lứa” giáo viên hạn chế về năng lực chuyên môn trong những năm tới là điều có thể dự báo. Đây là một nguy cơ thực sự đối với ngành giáo dục bởi chất lượng học tập của học sinh phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giảng dạy của người thầy !”
 
Trường ĐH Vinh, mùa tuyển sinh năm 2011 hầu hết các ngành đào tạo sư phạm đều có mức điểm chuẩn NV1 sát với điểm sàn quy định
Sở dĩ trong thời gian qua, nhiều học sinh THPT có học lực xếp loại giỏi không mấy “mặn mà” với ngành sư phạm trước hết là bởi cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường đã và đang trở nên khó khăn. Đây cũng là hệ quả của việc tuyển sinh tràn lan, thiếu sự tính toán, khảo sát của các trường ĐH, CĐ bấy lâu nay. Số lượng giáo viên hiện nay đã không còn trong tình trạng thiếu trầm trọng như nhiều năm trước. Hiện tượng “bão hòa” về nhu cầu tuyển dụng giáo viên bắt nguồn từ việc “cung” vượt “cầu”. Tình trạng trên là khá phổ biến ở các vùng đồng bằng, nhất là vùng thành phố, thị xã. Sau 4 năm miệt mài học tập, ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học, nhiều sinh viên sư phạm cảm thấy hoang mang về tương lai của mình. Một bộ phận trong số này đã phải chuyển sang làm nghề khác, gây lãng phí không nhỏ về kinh phí đào tạo và thời gian học tập của sinh viên.
Bên cạnh đó, mặc dù lao động sư phạm là loại hình lao động có nhiều nét đặc thù, nghề giáo viên vẫn được xem là “nghề cao quý nhất”, nhưng so với nhiều ngành nghề khác, chế độ lương bổng phụ cấp của giáo viên vẫn còn thấp. Đồng lương eo hẹp khiến nhiều giáo viên không yên tâm công tác, phải “chân trong, chân ngoài” vất vả mưu sinh. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự định hướng của phụ huynh và việc chọn trường dự thi của học sinh. Nhất là trong thời điểm hiện nay, việc chọn trường dự thi đối với nhừng học sinh thực sự có năng lực đã trở nên thực dụng hơn.

Xác định được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới mạnh mẽ của ngành giáo dục trong thời gian tới, cần có những giải pháp tạo “sức hút” những sinh viên có học lực xếp loại giỏi ở các trường THPT nhằm nâng cao chất lượng “đầu vào” của các ngành đào tạo sư phạm.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên học ngành sư phạm cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và các chế độ phụ cấp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho giáo viên để họ yên tâm công tác. Mặt khác, việc đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay không nên chỉ chạy theo số lượng. Ngành giáo dục cần phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại số lượng giáo viên hiện có, dự báo số lượng giáo viên các môn học cần bổ sung. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo cần tương đương với lượng giáo viên còn thiếu, sao cho “cung” bằng “cầu”. Cũng cần đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên theo hướng công khai và công bằng, để sinh viên sư phạm sau khi ra trường, nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp. Đây không chỉ là cách để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm mà còn là động lực để mỗi sinh viên sư phạm yên tâm phấn đấu trong quá trình học tập của mình và trong tương lai có đội ngũ giáo viên, đáp ứng được những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí-Sự yếu kém rõ rệt nhất của giáo dục hiện nay là bắt học sinh phải học thật nhiều, làm cho cả học sinh và cha mẹ học sinh khổ sở, mà chất lượng “giáo dục toàn diện” chẳng “diện” nào ra “diện” nào, cả về vốn liếng văn hóa lẫn đạo đức, nhân cách và lối sống.
Nguyên nhân gây nên tình trạng trạng yếu kém đó, đúng là “lỗi hệ thống” do triết lý, mục tiệu thiếu chuẩn xác, thiết kế nội dung chương trình nặng nề và nhiều phần vô bổ, nhất là chưa chăm lo thật sự đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên, chưa có chính sách đãi ngộ đúng và chưa khuyến khích người thầy coi trọng cách dạy học sinh biết suy luận, sáng tạo, học có phương pháp chứ không “học vẹt”.
Cho nên muốn khắc phục được sự yếu kém của nên giáo dục, trước hết cần có chính sách tuyển chọn được những người Thầy thông minh, vốn ham mê với sự tìm tòi sáng tạo thì chính những người thầy đó mới thật sự coi trọng việc dạy học trò biết cách học suy luận để “Học 1 biết 10”. Giáo sư Hoàng Tụy vừa được nhận Giải thưởng quốc tế Toán học Constantin Caratheodory chính là người Thầy như vậy. Hồi ông dạy Trường Trung học Lê Khiết mới chỉ có bằng tú tài toàn phần nhưng đã nổi tiếng là người Thầy dạy toán giỏi, đem lại lòng đam mê toán học cho học trò và truyền cho họ cách học toán có phương pháp.

Theo Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)