Xoay quanh việc thực hiện vở nhạc kịch Người giữ cồn để công diễn tại TP Cần Thơ (Tuổi Trẻ ngày 19-5-2009), Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của những người liên quan.
* Soạn giả Nhâm Hùng: Nên nhưng chưa cần
Việc phổ biến cái mới, giúp công chúng tiếp cận những loại hình nghệ thuật như opera cũng cần thiết nhưng lúc này chỉ nên làm thể nghiệm, gói gọn trong khán phòng nhỏ. Có thể thỉnh thoảng mời Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM về biểu diễn để công chúng tiếp cận và làm quen dần. Việc này cần có lộ trình.
Hiện nay cải lương đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu dựng một vở cải lương chất lượng, vừa phù hợp với khẩu vị người miền Tây, ít chi phí hơn vừa vực dậy loại hình nghệ thuật đang khủng hoảng thì ý nghĩa hơn.
Riêng phần công diễn, nếu chọn biểu diễn trong “Những ngày du lịch – văn hóa Mekong – Nhật Bản” được tổ chức cuối năm 2009, tôi cho là không phù hợp. Đây là nơi các nước giới thiệu các nét đặc trưng của dân tộc, mình lại diễn vở mang đậm tính phương Tây như vậy trong khi còn bao nhiêu nét đẹp văn hóa cần được giới thiệu.
* Ông Lê Văn Chải (giám đốc Nhà hát Tây Đô): Vướng mắc nhưng nên làm
Việc công diễn ngoài trời là chưa phù hợp, anh em đang bàn bạc thêm. Đối tượng của loại hình này tại Cần Thơ và ĐBSCL còn ít. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc xây dựng và công diễn Người giữ cồn để công chúng tiếp cận thể loại này là điều nên làm. Hơn nữa, nội dung lại viết về Cần Thơ. Tất nhiên việc thực hiện còn một số vướng mắc nhưng tôi nghĩ có thể thu xếp được. Cũng nhằm giúp công chúng tiếp cận loại hình opera, ngày 19-6 Nhà hát Giao hưởng VN sẽ có buổi biểu diễn tại Nhà hát Tây Đô. Dù cơ sở vật chất nhà hát còn thiếu thốn và chưa đủ chuẩn nhưng đó là bước đầu để người dân làm quen dần.
* Ông Hồ Văn Hoàng (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ): Kết hợp văn hóa dân tộc và phương Tây
Thường vụ Thành ủy đã kết luận nên giờ không bàn nữa. Những ý kiến cho rằng không phù hợp là vì không hiểu vở nhạc kịch này như thế nào. Không thể anh thích canh chua mà nói canh rau không ngon. Vở này kết hợp opera và cải lương. Không phải chỉ có nhạc mà còn có vũ, kịch, hò, hát bằng tiếng Việt. Phần mở đầu là tiếng hò sông Hậu, xen vào nội dung là các làn điệu dân ca Nam bộ, các điệu lý. Người ta hay gọi đây là cải lương tây. Chờ khi dựng xong, diễn xong mới biết kết quả thế nào. Thậm chí khi diễn xong chưa chắc đã được đón nhận vì cái này còn mới. Tuy nhiên cần phải phổ biến cái mới, cái mới kết hợp với những làn điệu truyền thống thì vẫn dễ nghe. Đây là một trong những tác phẩm hướng tới 1.000 năm Thăng Long.
Việc ra mắt vở diễn lần đầu trong Tuần lễ văn hóa Mekong VN – Nhật Bản đang nằm trong dự kiến. Vở nhạc kịch này kết hợp văn hóa dân tộc và phương Tây nên không thể gọi là không phù hợp.
MINH GIẢNG (Theo TTO)
Bình luận (0)