Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người giữ hồn chữ Thái ở xứ Thanh

Tạp Chí Giáo Dục

Về thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), hỏi thăm ông Hà Nam Ninh thì ai cũng biết, bởi từ tâm huyết và những cống hiến, ông đã được người dân nơi đây ghi nhận như là người gọi hồn chữ Thái hồi sinh.

“Phải làm cho chữ Thái sống lại” 
 
Ông Ninh đang nghiên cứu những cuốn sách cổ
Mở đầu câu chuyện, ông Ninh trăn trở: “Bà con ở đây lâu nay đều nói tiếng Kinh. Những đứa trẻ lớn lên, đến trường… và chỉ nhớ mình là người Thái khi ghi vào lí lịch. Các gia đình người dân tộc Thái cũng nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh. Hiếm có đứa trẻ nào biết tiếng bản địa. Dường như chữ Thái đang dần bị lãng quên”. 
Bản thân ông cũng như bao đứa trẻ khác sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Khoòng, đều không biết nói tiếng Thái. Sau khi tốt nghiệp đại học trở về công tác trong ngành giáo dục tại quê nhà, ông nhận thấy chữ Thái đang dần mai một. Ông quyết tâm học lại chữ Thái.
 Ông bắt đầu học từ bố mình, sau đó tìm đến các cụ già nói chuyện để hiểu thêm những câu chuyện cổ của người Thái. Miệt mài tập đọc tập viết như đứa trẻ học lớp một, ông thấy hiểu thêm yêu thêm văn hoá dân tộc mình. Ông trăn trở: “Phải làm cho chữ Thái sống lại”.
 Sau hơn 10 năm (từ 1985-1995) miệt mài nghiên cứu, ông tiến hành biên soạn một số tài liệu về chữ Thái: Bộ chữ thái cổ Thanh Hóa; Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa, Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái… 
Những tài liệu bằng chữ Thái ông Ninh biên soạn để truyền dạy cho đồng bào

 Sau khi ông được Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ trực tiếp đi dạy cho cán bộ và người dân, số lượng người biết chữ Thái đã không ngừng tăng. Năm 2006, theo khảo sát của ông, cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có khoảng 20 người biết đọc chữ Thái, đến nay con số đó là trên 1.000 người. Hiện ông vẫn đang tham gia giảng dạy chữ Thái cho cán bộ giáo viên ở các bản làng trong huyện.
 “Nếu để chữ Thái mất hẳn thì tiếc lắm!”
Ý thức được vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình đang dần mai một. Ngoài việc nghiên cứu truyền dạy lại vốn kiến thức chữ Thái, ông còn dày công sưu tầm những cuốn sách cổ còn sót lại trong dân gian. Cho đến nay ông đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 100 cuốn sách Thái cổ với đầy đủ các lĩnh vực như: hành chính, văn chương, địa lý…
Theo ông, học chữ Thái là để tìm lại những nét đẹp trong văn hoá của dân tộc mình, là cánh cửa để tìm về cội nguồn các bản mường.
Mân mê những cuốn sách cổ trên tay, ông tâm sự: “Mình là người Thái, dân tộc mình có chữ mà mình không biết, không hiểu thì không được. Hơn nữa khi tiếp cận kho tri thức từ sách chữ Thái mới thấy có nhiều bài học của người xưa vận dụng vào thực tế còn phát huy tác dụng. Đồng thời cũng thấy văn hoá dân tộc mình đặc sắc phong phú không thua kém các dân tộc khác. Vì thế, nếu để chữ Thái mất hẳn thì tiếc lắm”.
Với tất cả những nỗ lực của ông, hiện nay chữ Thái, một nét bản sắc của dân tộc Thái đã và đang được hồi sinh mãnh mẽ ở miền Tây xứ Thanh.
Duy Tuyên (Dan tri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)