Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người hết lòng nâng đỡ trẻ em khiếm thính

Tạp Chí Giáo Dục

 
Không ồn ào, không quản gian nan, bà Choi Young Sook vẫn miệt mài làm những công việc mà thường ngày bà vẫn làm tại trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng…
Là một tiến sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Thính học tại Hàn Quốc, bà đã vài chục năm đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức về ngành giáo dục đặc biệt tại trường Pusan Kuhaw, một ngôi trường nổi tiếng của Hàn Quốc về giáo dục cho học sinh khiếm thính. Ngoài ra, bà còn là giáo sư làm giảng viên tại trường đại học INJE ở Gyeognam (Hàn Quốc).

Năm nay bà Choi Young Sook 52 tuổi, bà dự định sau này nghỉ hưu sẽ sang Việt Nam làm từ thiện. Bà cho biết, bà biết Việt Nam qua bạn bè cùng với những thông tin về một đất nước anh hùng trong chiến tranh và là một đất nước có nền kinh tế đang phát triển.
Dự định là vậy, nhưng bà Choi Young Sook đã quyết định sang Việt Nam sớm hơn. Bà nghĩ rằng nếu đợi đến lúc nghỉ hươu (61 tuổi) thì đã quá trễ để làm công việc tình nguyện viên.
Năm 2005, lần đầu tiên bà đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng và chuyến đi này đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc sống để rồi bà đã chọn Lâm Đồng là nơi làm tình nguyện viên giúp đỡ cho trẻ em khiếm thính nơi đây.
Choi Young Sook cảm thấy xót xa, đau lòng trước cảnh các em khiếm thính thiếu những điều kiện cơ bản và dụng cụ để học tập, đặc biệt là máy trợ thính cho các em còn quá ít.
Theo bà ngành giáo dục đặc biệt của Việt Nam mới được đặt nền móng từ 10 năm trước, đó là sự bắt đầu hơi trễ nhưng nếu tất cả cùng chung tay thì cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được cải thiện.
Bà Choi Young Sook là người viết ra rất nhiều giáo án về Thính học để giảng dạy cho học sinh khiếm thính đã được xuất bản tại Hàn Quốc và những giáo án của bà đang được giảng dạy tại Việt Nam.
Một góc căn phòng của bà Choi Young Sook với nhiều đồ vật dành cho trẻ em khiếm thính
Bà là người đầu tiên tại Hàn Quốc dạy cho học sinh khiếm thính hát bằng nhịp điệu tay được đi công diễn và bà sẽ áp dụng phương pháp này cho những học sinh tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Bà tận tình truyền đạt những kiến thức về Thính học cho các thầy cô Trường Khiếm thính Lâm Đồng.
Cùng với thầy cô người Việt Nam, bà trực tiếp giảng dạy cho các học sinh Khiếm thính Lâm Đồng, hướng dẫn cho các em làm các đồ thủ công mỹ nghệ, dạy cho các em trồng cây, cách trang trí trên lớp học và ở phòng ở của các em,…
Không những có kiến thức về Thính học chuyên sâu, bà còn rất khéo tay, bà đã tự tay mình làm ra nhiều đồ vật để phục vụ công tác giảng dạy. Bà cho biết đến tháng 1 năm 2012 sẽ có hơn 20 giảng viên người Hàn Quốc có chuyên môn cao về Thính học sang giảng dạy tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Đây là những giảng viên được bà vận động sang Việt Nam giúp đỡ nền giáo dục đặc biệt của Việt Nam.
Thông qua lãnh đạo Trường Khiếm thính Lâm Đồng, bà Choi Young Sook đã giúp đỡ cho trường nhiều cơ sở vật chất.
Thầy Nguyễn Hữu Hoa – Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng cho biết: "Bà Choi Young Sook đã trang bị cho trường nhiều cơ sở vật chất, nhất là máy trợ thính góp phần phục vụ tốt cho các em cũng như thầy cô thực hiện tốt trong công tác dạy và học. Bà mong muốn làm sao mở rộng được Trường Khiếm thính Lâm Đồng vì diện tích hiện tại quá hẹp, không thể đáp ứng hết được điều kiện học tập và ăn ở của các em, với diện tích chỉ hơn 10002 sẽ rất khó khăn trong công tác dạy nghề cho các em".
Sang Việt Nam bà không đơn độc, chồng bà là ông Kwon Chang Soo cũng đã theo bà sang tình nguyện viên ở Việt Nam. Ở Hàn Quốc, ông Kwon Chang Soo là một người buôn bán xe hơi. Cảm phục tấm lòng cao cả của vợ mình, ông cũng gác lại chuyện buôn bán của một thương gia để theo bà Choi Young Sook sang sống và làm tình nguyện từ thiện ở đây.
Ở Đà Lạt, hai ông bà tự bỏ tiền thuê một căn hộ gần Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Trong phòng của ông bà rất nhiều giáo án bà đem sang Việt Nam để phục vụ giảng dạy cho trẻ em khiếm thính, những đồ vật do bà tự tay làm ra, la liệt dụng cụ trực quan để dạy các em.
Hai ông bà mong muốn ngôi nhà của mình sẽ có nhiều trẻ em xung quanh đến chơi. Hòa chung với công việc của vợ mình, ông Kwon Chang Soo cũng làm những công việc tại ngôi trường bà đang làm việc, ông có thể làm bất cứ việc gì để giúp trường và giúp các em khiếm thính.
Vợ chồng bà Choi Young Sook
Ông bà tâm sự: "Đà Lạt thật đẹp, người dân cũng rất thân thiện và luôn nở nụ cười mỗi khi gặp vợ chồng tôi, sống ở đây chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xem Việt Nam như là quê hương thứ hai". Bà Choi Young Sook cùng với chồng đang cố gắng học thật tốt Tiếng Việt. Bà nói: "Học Tiếng Việt rất khó nhưng sẽ cố gắng học tốt để nói trôi chảy, phải nói được Tiếng Việt để hiểu hết về đất nước Việt Nam xinh đẹp và cũng để hiểu được những tâm tư nguyện vọng của các em khiếm thính ở đây vì đó là những người con thân yêu của chúng tôi".
Ông bà đang có kế hoạch vận động những nhà hảo tâm ở Hàn Quốc và những doanh nghiệp của Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam quyên góp vật chất giúp đỡ cho những trường giáo dục đặc biệt trên cả nước nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng. Sắp tới bà Choi Young Sook sẽ đến một số địa phương khác tìm hiểu thêm về các Trường Khiếm thính để có cái nhìn cụ thể của từng nơi với mong muốn giúp đỡ được những gì trong khả năng của mình. Bà mong muốn làm tình nguyện viên từ thiện tại Việt Nam trong 30 năm.
Chứng kiến vợ chồng bà Choi Young Sook thân thiện và ân cần với các học sinh khiếm thính mới thấy được tấm lòng nhân ái và sự hiện diện của ông bà là niềm vui lớn đối với các em khiếm thính nơi đây. Làm tình nguyện viên từ thiện tại Lâm Đồng, bà không nhận chi phí hỗ trợ của tổ chức và cá nhân nào.
Bà làm công việc này bắt nguồn từ cái tâm, từ tình thương yêu của một người nhân ái thấu hiểu được những nổi khổ riêng của trẻ em khiếm thính, từ trái tim của một người hòa cùng nhịp đập với những con người không được may mắn. Tấm lòng vợ chồng bà Choi Young Sook thật đáng trân trọng làm rung động biết bao người.
Trò chuyện với những người như thế mới thấy được sự cao thượng, một tấm lòng cao cả vĩ đại của ông bà Choi Young Sook. Ông bà luôn tìm được niềm vui trong công việc của mình. Tạm biệt vợ chồng bà Choi Young Sook, chúng tôi cầu chúc cho ông bà sức khỏe và hạnh phúc để tiếp tục làm một công việc thiêng liêng và đầy ý nghĩa trên đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Theo Thanh Hải – Khắc Niên
(vietnamnet)

Bình luận (0)