Ngày mai (7-4), Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận và Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng và phát huy môi trường giáo dục an toàn, tự chủ và thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh theo Nghị quyết 29-NQ/TW”.
Quang cảnh một hội thảo do Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận và Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp tổ chức năm 2017 |
Có thể nói, xây dựng môi trường giáo dục (GD) an toàn, tự chủ, thân thiện là góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện học sinh, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý trường học có vai trò rất quan trọng và tiên quyết.
Vai trò của môi trường GD an toàn, tự chủ và thân thiện
ThS. Trương Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Lô, Q.Phú Nhuận) đánh giá: “Môi trường GD đóng vai trò quan trọng không chỉ trong giai đoạn còn là học sinh mà còn là tiền đề cho sự hình thành nhân cách, tư duy, lối sống sau này”. Với kinh nghiệm của một nhà quản lý, TS. Huỳnh Công Minh và NGƯT.ThS Võ Cao Long (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) khẳng định, môi trường học tập có tác động rất quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là tiền đề để các đại biểu đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý trong việc xây dựng và phát huy môi trường GD an toàn, tự chủ và thân thiện. NGƯT.ThS Trương Thị Mỹ Lai (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà) chia sẻ: “Ý chí và tư duy đổi mới công tác quản lý trường học của người hiệu trưởng tác động tích cực đến các lực lượng trong và ngoài nhà trường trong việc định hướng xây dựng môi trường GD của đơn vị”.
Trong khi đó, NGƯT.TS Ninh Văn Bình (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) phân tích: “Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng, thể hiện tư duy mới trong quản lý nền GD và quyết tâm của Đảng trong vấn đề đổi mới và chấn hưng nền GD nước nhà”. Khai thác về các yếu tố tự chủ trong công tác quản lý trường học, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) nhận định: “Người hiệu trưởng cần tự chủ trong chuyên môn, nghiệp vụ, có sự phán đoán và có những quyết định chính xác trong việc bố trí, điều tiết nhân sự. Đồng thời tự chủ trong quản lý nguồn tài chính của nhà trường nhưng cần lưu ý đến việc công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về các quyết định quản lý”.
Cùng với vấn đề tự chủ, các biện pháp xây dựng môi trường GD an toàn trong mỗi trường học được nêu cụ thể qua nhiều ý kiến. TS. Hà Thị Kim Sa (Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà) đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công hoạt động GD ngoại khóa, đó là “tiêu chí an toàn khi tổ chức hoạt động GD ngoại khóa phải được hiệu trưởng nhà trường xác định cụ thể”. Đề cập đến “Trách nhiệm của người cán bộ quản lý trong việc tạo môi trường GD lành mạnh cho trẻ”, bà Vũ Thu Nguyệt Minh (giáo viên Trường Bồi dưỡng GD Q.Phú Nhuận) xác định: “Người cán bộ quản lý về việc xây dựng một môi trường GD lành mạnh và an toàn, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu cung cấp tri thức mà còn phải nói “không” với bạo lực học đường, tạo cho các em tâm lý thoải mái và tin tưởng, từ đó giúp trẻ phát huy hết khả năng học tập và sáng tạo”.
Gia đình, xã hội bên cạnh nhà trường
Nhiều đại biểu đã đề xuất các biện pháp xây dựng và phát huy trường học thân thiện dưới nhiều bình diện khác nhau. Cụ thể, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận) – Trần Trung Hải đề cập đến việc “lập phương án phòng – chống tai nạn, thương tích; phòng – chống cháy, nổ; phòng – chống thảm họa, thiên tai; triển khai kế hoạch đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) chia sẻ, việc đổi mới phương pháp GD trẻ được triển khai đã tạo nên môi trường GD thân thiện, từ đó yêu cầu “các nhà giáo thiết kế nhiều hoạt động tích cực phù hợp tâm sinh lý tạo được sự hứng thú cho lứa tuổi trẻ mầm non”. ThS. Lư Hồng Anh Thảo (Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 10, Q.Phú Nhuận) lại đề cập đến việc “chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ trong việc tiếp thu và vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học”. Còn Phó Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 10 (Q.Phú Nhuận) – ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo đề cao nhiệm vụ của người cán bộ quản lý, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên cần tổ chức lồng ghép nội dung xây dựng, phát huy môi trường GD an toàn, tự chủ và thân thiện. Bà Lê Triệu Cẩm Vân (Phó Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 8, Q.Phú Nhuận) khuyến nghị, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền của trẻ em, thường xuyên nhắc nhở giáo viên hãy đối xử với học sinh của mình bằng một tấm lòng người mẹ thật sự yêu thương.
Tầm quan trọng của công tác phối hợp 3 môi trường: nhà trường, gia đình và xã hội trong GD học sinh cũng được nhiều đại biểu đề cập đến. Bà Lê Thị Diễm Hằng (giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.Phú Nhuận) xác định: “Việc GD học sinh không chỉ có nhiệm vụ của người cán bộ quản lý GD mà còn là trách nhiệm của toàn thể nhà giáo cùng chung tay góp phần làm nên”. Do đó, “Người hiệu trưởng phải biết phối hợp, cam kết với gia đình và cộng đồng xã hội theo cách có ý nghĩa và cùng có lợi để thúc đẩy sự thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh”, ThS. Ninh Thị Thúy (giáo viên Trường Bồi dưỡng GD Q.Phú Nhuận) phân tích. Còn ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng (Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận) thì nhận định: “Người cán bộ quản lý khi triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện phải hết sức khoa học, hợp lý. Có việc phải làm thường xuyên, lại có việc phải theo thời gian mang tính trọng tâm, trọng điểm”.
Hội thảo là một “bàn tròn” tranh luận với nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, mang tính khoa học cao nhưng lại bắt nguồn từ thực tế quản lý xây dựng và phát huy môi trường GD an toàn, thân thiện, tự chủ ở trường học. Ở đây không chỉ có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nói về mình mà còn có tiếng nói của giáo viên, nhà khoa học GD, nhà quản lý kỳ cựu… |
Trong quá trình xây dựng môi trường GD, người cán bộ quản lý cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ, vì “Một đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao cùng phẩm chất đạo đức tốt sẽ truyền dạy cho học sinh những bài học hay cũng như những kỹ năng cần thiết. Từ đó, góp phần xây dựng nên môi trường GD an toàn, lành mạnh”, bà Hồ Thị Thu Loan (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.Phú Nhuận) nhận định. Và nhận định này được bà Lư Thị Thu Thủy (Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 8, Q.Phú Nhuận) khai thác thêm: Người cán bộ quản lý GD cần quan tâm đến khâu kiểm tra, giám sát vì “kiểm tra giám sát cũng là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu và là công tác quyết định chất lượng cho mọi công tác”. ThS. Lê Thị Tuyết Linh (Hiệu trưởng Trường GD Chuyên biệt Niềm Tin) thẳng thắn khuyến nghị: “Xây dựng môi trường thân thiện đã khó, giữ gìn mối quan hệ hài hòa, thân thiện lại càng khó khăn hơn. “Điều này không cho phép người cán bộ quản lý lơ là, mất tập trung mà phải luôn nắm bắt dư luận để có những quyết sách xây dựng hội đồng sư phạm đoàn kết, nâng cao chất lượng giảng dạy”, ThS. Nguyễn Văn Đến (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) khẳng định.
Người hiệu trưởng là “linh hồn” của đơn vị
TS. Lê Đức Ánh (Hiệu trưởng Trường TH – THCS – THPT Quốc Tế) kết luận: “Xây dựng môi trường thân thiện, an toàn, hạnh phúc, chúng ta đang cố gắng tô đậm tính nhân bản của một trường học mà hình như đang mờ nhạt đi do nhiều áp lực của một lối sống sùng bái văn hóa tiêu dùng, bị bao vây của chủ nghĩa vật chất”.
Tuy được phân tích từ nhiều bình diện khác nhau, nhưng xét tổng quan, các đại biểu đã chia sẻ nhiều đề xuất về biện pháp xây dựng và phát huy môi trường GD an toàn, tự chủ, thân thiện trong vai trò của người cán bộ quản lý GD. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý GD là nhân tố quyết định trong việc xây dựng môi trường dạy – học an toàn, tự chủ, văn hóa, thân thiện, tạo tiền đề thực hiện thành công quá trình đổi mới GD. Do đó, các biện pháp phát huy vai trò người cán bộ quản lý trong xây dựng môi trường GD cần được nghiên cứu thấu đáo từ cơ sở lý luận, từ các văn bản chỉ đạo đến những bài học kinh nghiệm thực tế nhằm kịp thời điều chỉnh tồn tại và phát huy sự thành công của những mô hình tiên tiến. Nhìn chung, dù ở góc độ nhận xét của người cán bộ quản lý GD, hoặc của nhà khoa học GD, hay những đánh giá của đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp, đều khẳng định tầm quan trọng và nêu bật được mối quan hệ khắng khít giữa nhiệm vụ xây dựng môi trường GD an toàn, tự chủ và thân thiện của người cán bộ quản lý với việc góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới toàn diện GD. Đúng như nhận định mang tính trách nhiệm và đề cao của NGƯT.ThS Nguyễn Văn Ngai: “Hiệu trưởng phải là người thuyền trưởng có trách nhiệm lèo lái con thuyền về đến đích an toàn, là “linh hồn” của mỗi đơn vị góp phần quan trọng vào sự thành công hay thất bại của một trường học”.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)