Sinh viên Việt Nam thường bị các nhà tuyển dụng nước ngoài đánh giá là không tích cực, thiếu tính chủ động, sự hăng hái hay tinh thần tự giác tìm tòi trong công việc. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần trang bị cho sinh viên những nội dung liên quan đến định hướng công việc rõ ràng…
Sinh viên TP.HCM được đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng tại một ngày hội việc làm
Những nhận định này được nêu ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cho sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay” vừa được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Thái độ tốt được ưu tiên tuyển dụng
Ông Nguyễn Việt Long (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex) chia sẻ, nhiều sinh viên Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đánh giá chưa cao về thái độ, thường ít chủ động, được giao gì làm nấy, ít chịu tìm tòi thêm. Trong khi đó, theo ông Long, khía cạnh thái độ lại được doanh nghiệp nước ngoài chú trọng trong tuyển dụng lẫn đào tạo, cần thiết trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong báo cáo phân tích tuyển dụng doanh nghiệp năm 2018, ghi nhận ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về khả năng đáp ứng công việc của sinh viên mới tốt nghiệp từ hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM (tạm gọi là nhân sự trẻ), TS. Lưu Trung Thủy và ThS. Lê Thị Thu Hà (Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết nội dung doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhất vẫn là “thái độ và yêu cầu cơ bản chung”. Nhân sự trẻ của ĐH Quốc gia TP.HCM được doanh nghiệp đánh giá trội hơn những đơn vị khác ở 2 tiêu chí là “tinh thần vượt khó, cầu tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp”. Cũng theo báo cáo này, trong 3 năm gần đây, 70% doanh nghiệp (tham gia khảo sát) tuyển dụng tập trung từ 1 đến 50 nhân sự trẻ từ ĐH Quốc gia TP.HCM; số còn lại tuyển từ 50 nhân sự trẻ trở lên. Tuy chưa phải là bức tranh toàn cảnh, nhưng hai tác giả cho rằng cơ sở khảo sát này định hướng cho việc tăng cường đào tạo kỹ năng mềm và giáo dục thái độ cho sinh viên ở ĐH này trong thời gian tới nhằm nâng sức cạnh tranh ở thị trường lao động. Ngoài ra, hai tác giả cũng cho rằng, hiện nay các nhà tuyển dụng đều có xu hướng tuyển nhân sự có kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực. Nhưng bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tế và tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng được doanh nghiệp cân nhắc chú ý. Đây là những điều sinh viên cần được chú trọng trang bị.
Ông Nguyễn Đình Việt (Công ty Viettel TP.HCM) cũng lý giải, đúng là doanh nghiệp thường đánh giá cao kinh nghiệm đối với ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Tuy nhiên kinh nghiệm này không được hiểu là số năm ứng viên đã làm việc tại doanh nghiệp, vì nếu tính như vậy sinh viên mới ra trường sẽ bất lợi, thiệt thòi. Thay vào đó, kinh nghiệm có thể được sinh viên tích lũy thông qua tham gia các dự án vừa sức tại trường, công việc bán thời gian như sử dụng mạng xã hội bán hàng online… Chính những công việc này sẽ tạo cho sinh viên sự năng động.
Định hướng công việc rõ ràng
Một khía cạnh quan trọng khác được TS. Lưu Trung Thủy và ThS. Lê Thị Thu Hà tiếp tục đề cập chính là định hướng công việc rõ ràng ở nhân sự trẻ vì hoạt động này sẽ giúp các em tiếp thu đào tạo tại doanh nghiệp tốt hơn, góp phần tạo nên thành công trong thực hiện chiến lược của đơn vị tuyển dụng. Đó là lý do có 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng cần thiết trang bị thêm cho nhân sự trẻ những nội dung liên quan đến định hướng rõ công việc sẽ làm này. Bên cạnh đó, 40% doanh nghiệp nhìn nhận nên cân nhắc và chỉ 10% cảm thấy “không cần thiết” bởi số này cho rằng sẽ không tuyển dụng nếu thấy ứng viên không có niềm say mê, tâm huyết nghề nghiệp hay định hướng tương lai của bản thân.
Để định hướng công việc, nghề nghiệp rõ ràng, ông Nguyễn Đình Việt khuyên sinh viên nên đi thực tập ngay từ năm 2 theo lộ trình đào tạo của trường hoặc tự xin thực tập thực tế tại doanh nghiệp trong trường hợp kỳ thực tập chưa tới. Việc “lăn” vào thực tế sớm sẽ tạo cho sinh viên những kinh nghiệm sống, tích lũy kỹ năng, biết mình phù hợp với lĩnh vực việc làm nào…
PGS.TS Vũ Hải Quân (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay việc mời đại diện doanh nghiệp tham gia đào tạo toàn khóa tại trường là rất khó do vướng vấn đề thời gian và một số quy định từ Bộ GD-ĐT. Ông Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của 4 khía cạnh trong đào tạo sinh viên, đó là: kiến thức, kỹ năng, thái độ, tính thực tiễn, xem đây là 4 trục đào tạo, làm định hướng điều chỉnh chương trình, phương pháp đào tạo trong thời gian tới.
Mê Tâm
Bình luận (0)