Cần thay đổi lương giáo viên
Đối tượng mà giáo dục phải phục vụ là học sinh – ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Ông Nguyễn Hữu Châu – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: trong dự thảo có đề cập đến vấn đề nâng cao tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Một trong những giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh ở đây là tạo sự phấn đấu đối với người dạy. Nếu cứ giữ biên chế như hiện nay thì giáo viên sẽ không có động lực để phấn đấu, điều này không chỉ có trong ngành GD-ĐT. Ngành GD-ĐT Việt Nam sẽ phải giống các nước trên thế giới là tiến tới xóa bỏ biên chế và thay vào đó là ký hợp đồng với giáo viên. Như vậy khi giáo viên dạy tốt thì sẽ ký hợp đồng tiếp. Thậm chí tiến tới ký hợp đồng với cả lãnh đạo cơ sở GD-ĐT. Nhưng theo ông Châu, như vậy không có nghĩa là sẽ mời tất cả giáo viên ra khỏi biên chế, mà từ 2010 trở đi tất cả những giảng viên được tuyển vào cơ sở giáo dục ĐH đều được ký hợp đồng, còn hiện vẫn duy trì hình thức biên chế.
Đồng tình với giải pháp này, ông Nguyễn Tùng Lâm (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội) đề xuất: muốn làm tốt điều này thì môi trường làm việc và tiền lương của giáo viên phải được thay đổi, phải quản lý được thời gian và chất lượng giáo viên. Cũng nhấn mạnh đến vấn đề tiền lương, ông Nguyễn Thanh Sơn – Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nêu thực tế: lương của giáo viên mới tốt nghiệp ĐH Sư phạm là 1,3 triệu đồng/tháng (kể cả 30% phụ cấp đứng lớp). Vậy làm sao để giáo viên trẻ yêu nghề, yêu trường? Với họ, điều quan trọng không phải biên chế hay hợp đồng mà là lương bao nhiêu! Từ thực tế đó, ông Sơn kết luận: một giáo viên trẻ mới ra trường làm việc nhiều và hiệu quả công việc chẳng kém gì một giáo viên lâu năm nhưng thu nhập thì chỉ bằng phân nửa. Điều này gây khó khăn cho công tác điều hành và là nguyên nhân làm cho ngành GD-ĐT khó bật lên được.
Đặt người học làm tâm điểm
Giải trình của Bộ GD-ĐT khi xây dựng chiến lược khẳng định: người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020. Chiến lược đã đề cập tới nhiều giải pháp hướng vào người học, từ việc xây dựng môi trường sư phạm thân thiện để người học được cảm thông, chia sẻ, được bày tỏ ý kiến riêng của mình đến các giải pháp đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học nhằm tạo cơ hội cho người học được tiếp thu những gì gắn với chuẩn mực chung nhưng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện học tập của mình, nhằm phát triển và hoàn thiện tố chất cá nhân. Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ những đối tượng học sinh được ưu tiên, thông qua việc thực hiện các cơ chế học bổng, học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên dân tộc, miền núi, vùng có khó khăn và các học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội với phương châm không để học sinh nghèo mất cơ hội đến trường.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: điều quan trọng là nhà trường phải được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm giáo dục. Để đảm bảo các trường học phổ thông theo đúng mục tiêu chất lượng, theo đúng quy luật tạo ra "giá trị thật" thì các trường phải được tổ chức quản lý chặt chẽ, minh bạch. Học sinh và phụ huynh được quyền giám sát theo kết quả những cam kết về chất lượng mà nhà trường đã công khai đầu năm học. Bên cạnh đó, cũng theo ông Lâm, trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập, đối tượng mà giáo dục phải phục vụ, phải thỏa mãn yêu cầu chính là học sinh và phụ huynh, tránh cách giáo dục áp đặt, độc đoán, ban phát thời bao cấp. Chính vì vậy, ông Lâm đề xuất: Chiến lược phát triển giáo dục cần làm rõ hơn nữa vai trò của người học, người dạy và người quản lý trong những định hướng thay đổi vào những năm tới.
Tuệ Nguyễn (theo TNO)
Bình luận (0)