Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người học sẽ kiện ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ “trảm” các trường, các ngành không đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT còn “sờ gáy” các đơn vị đào tạo liên kết. Trong chiến dịch lập lại trật tự thi cử, chất lượng này, Bộ GD-ĐT đã ra tối hậu thư đối với bốn đơn vị liên kết đào tạo (Giáo Dục TP.HCM số ra ngày thứ hai, 2-1-2012 đã có bài phản ánh). Đây cũng là điều mà dư luận bấy lâu nay mong chờ.
Bốn đơn vị liên kết trên có thể nói vẫn là con số quá nhỏ trong hằng hà sa số các đơn vị đang thực hiện liên kết đào tạo hiện nay. Việc xử phạt chỉ được tính bằng vài chục triệu đồng có thể không “nhằm nhò” gì đối với những đơn vị này, nhưng nó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người học, đồng thời cũng là tiếng còi báo động đối với các cấp quản lý Nhà nước về hình thức liên kết đào tạo hiện nay. Sự lôm côm, nhập nhằng tranh tối, tranh sáng đang là cơ hội tốt cho các chương trình kém chất lượng vào Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau đợt “thanh trừng” này của ngành giáo dục, dư luận vẫn không hết băn khoăn với câu hỏi còn đang bỏ dở. Đó là quyền lợi của người học sẽ như thế nào?
Văn bản kết luận của Bộ GD-ĐT yêu cầu Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của bộ không công nhận bằng do bốn đơn vị trên cấp sai quy định. Quyết định này, xét về mặt lý là hoàn toàn chính xác. Nhưng về mặt tình, ở phương diện người học, xét thấy chưa ổn. Bởi, người học đã bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để hoàn thành khóa học do các đơn vị này cung cấp. Nhưng họ không được các cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo các khóa học này vi phạm luật pháp Việt Nam và vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT. Và trong suốt một thời gian dài, các đơn vị này liên kết đào tạo sai quy định nhưng vẫn không bị các cơ quan quản lý phát hiện để cảnh báo người học. Vậy thì tại sao hậu quả của việc này, người học lại phải gánh chịu? Tiền mất, tật mang, người học sẽ kiện ai?
Được biết, hiện nay có ít nhất 112 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường trong nước với các trường ĐH nước ngoài được Bộ GD-ĐT cấp giấy phép. Đó là chưa kể đến vô số chương trình liên kết khác mà hai ĐH quốc gia cũng như các trường ĐH vùng được tự quyền liên kết. Việc liên kết đào tạo với các trường nước ngoài là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo của ta. Nhưng nếu không tỉnh táo, thiếu bản lĩnh thì vô tình hay cố ý du nhập đồ giả, đồ phế thải của kẻ lường gạt quốc tế. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện chúng ta chưa kiểm soát được trường liên kết. Ông Khuyến cho hay không phải tất cả các trường liên kết đều rởm. Nhưng liên kết kiểu đó nhìn chung là rủi ro tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân là do quản lý của ta quá kém. Ông Khuyến khuyến cáo nếu làm chặt chẽ, dứt khoát cơ quan chức năng buộc các trường phải cam kết kiểm định, không phải tổ chức tạp nham mà phải do tổ chức có uy tín thực hiện. Không yêu cầu chất lượng đào tạo tại các trường ngoại, trường liên kết ở Việt Nam cao hơn ở nước cụ thể nào đó, nhưng điều kiện thực hiện phải ngang bằng, từ đó giá trị văn bằng ở Việt Nam cũng ngang bằng ở nước đó. Rất ít trường ĐH nước ngoài liên kết với Việt Nam dám đảm bảo những điều như vậy. Nghị định 18 của Chính phủ quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước các cơ sở văn hóa – giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ GD-ĐT mới chỉ quản lý được những trường ĐH, CĐ thuộc sự quản lý của bộ. Còn lại những chương trình liên kết diễn ra tại các trường thuộc sự quản lý bộ, ngành khác và các trường được tự chủ trong cấp phép lại ngoài tầm quản lý của Bộ GD-ĐT. Thực tế là hiện Bộ GD-ĐT mới chỉ công khai được danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do bộ cấp phép.
Tuy nhiên, với kiểu nhà nhà làm liên kết, trường trường cùng liên kết như hiện nay thì khó có thể nói, trong tương lai sẽ hết cảnh người học tiền mất, bằng mất như hiện nay.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)