Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người học thờ ơ với nhóm ngành xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Liên tục những mùa tuyển sinh gần đây, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) luôn đứng trước tình trạng khan hiếm thí sinh. Có những ngành phải đóng cửa sau 2, 3 mùa không tuyển đủ chỉ tiêu. Tình trạng này khiến các nhà đào tạo không khỏi lo lắng, khi mà mùa tuyển sinh năm nay các trường vẫn lại tiếp tục tìm kiếm thí sinh bằng những phương thức, cách làm y như cũ…
Hồ sơ đăng ký sụt giảm
Tại hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn” do Trường ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 30-3, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến Trần Chút nêu thực trạng, số thí sinh đăng ký chọn học nhóm ngành này thuyên giảm hằng năm, ngành thì không tuyển đủ chỉ tiêu, ngành lại quá thưa thớt đến mức phải ngừng chương trình đào tạo. ThS. Đỗ Văn Bình (Khoa Xã hội học, Trường ĐH Văn Hiến) đơn cử, ngành xã hội học tại trường trong hai năm liền chỉ nhận được khoảng 5-7 hồ sơ đăng ký, rất khó khăn trong việc mở lớp. Trong khi đó, trường cũng đã cố làm nhiều cách cải tiến từ mời giảng viên thỉnh giảng có uy tín đến việc tăng cường điều kiện thực hành, thực tế cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm, thu thập kiến thức sống… ThS. Trương Thị Linh (Trường ĐH Thủ Dầu Một) cũng minh họa cụ thể: “Khóa ngữ văn đầu tiên tại trường tuyển được trên 300 sinh viên nhưng đến khóa 5 (2010) chỉ tuyển còn 30 em. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tại trường đủ sức đào tạo cho quy mô 200 sinh viên mỗi khóa”. Năm 2008, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM nhận được gần 17.500 hồ sơ đăng ký. Nhưng con số này chỉ còn gần 13.000 năm 2009 và giảm xuống mức hơn 12.000 vào mùa tuyển sinh năm ngoái. Cũng theo ThS. Bình, sinh viên học nhóm ngành KHXH-NV thường thiếu ổn định tâm lý, chưa thật mặn mà với ngành học nên chủ yếu còn học đối phó, để thi cho qua. Chưa hết, tâm lý xem các trường đào tạo nhóm ngành KHXH-NV là ĐH “hạng hai” dẫn đến tình trạng ít sinh viên giỏi chịu “đầu quân” vào, làm cho chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đều bị ảnh hưởng. Đại biểu khác cho rằng, sự tăng trưởng không đều giữa số lượng thí sinh và quy mô các trường ĐH (quy mô đào tạo ở các trường mở rộng ra gấp sáu lần từ năm 1996 đến nay trong khi số lượng thí sinh chỉ tăng gấp đôi) gây ra sự mất cân đối trong tuyển sinh, đào tạo.
Nhiều phụ huynh, học sinh lại e ngại học nhóm ngành KHXH-NV ra trường khó kiếm việc, lương thấp, phải làm trái chuyên môn… Cũng có những ý kiến than phiền, chương trình đào tạo nhóm ngành này hiện nay còn lạc hậu; chủ yếu thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, lập trường chính trị, xa rời thực tiễn trong khi cái sinh viên cần là những “kiến thức sống”, sát thực.
“Xem nhẹ” ngành xã hội?
Việc khan hiếm người học nhóm ngành KHXH-NV không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, xây dựng và sử dụng đội ngũ giảng viên ở các trường mà lâu dài còn gây mất cân đối trong cơ cấu lực lượng lao động của đất nước. Nhưng theo các nhà đào tạo, việc cải thiện thực trạng trên không hề dễ dàng hoặc muốn là có thể làm được trong ngày một ngày hai mà phải chờ đến một sự thay đổi mang tính hệ thống, vĩ mô. Bởi nguyên nhân cốt lõi của thực trạng trên xuất phát từ việc thiếu coi trọng nhóm ngành KHXH-NV trong các chính sách, chủ trương Nhà nước mà biểu hiện dễ thấy nhất là sự thiếu đầu tư nguồn lực nhân sự, tài chính cho xây dựng, phát triển ngành thời gian qua. TS. Lê Hữu Phước (Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) nêu giải pháp, người học tìm đến ngành học khi họ thấy ngành đó đẹp, hấp dẫn và lợi ích đối với họ. Để như thế, chương trình đào tạo phải có sự hài hòa, hàn lâm nhưng không thể bỏ qua tính ứng dụng cũng như phải bám sát nhu cầu thực tiễn. Ở các nước, người dân có điều kiện kinh tế có thể theo đuổi ngành KHXH-NV để bổ sung kiến thức. Còn ở nước ta, con em đi học là để trang bị ngành nghề phục vụ làm việc sau này, chương trình học vì thế phải sát với thực tế. TS. Nguyễn Thiện Tống (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long) đồng tình, việc mở rộng cơ hội để những người kể cả lớn tuổi có nhu cầu học bổ sung kiến thức KHXH-NV phục vụ công việc hay nuôi dạy con cái sẽ là hướng tốt để vừa “khôi phục vị thế” nhóm ngành này vừa thu được nguồn học phí tái đầu tư cho đào tạo.
Mê Tâm

“Không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, nhóm ngành xã hội đã đi qua thời vàng son nhưng điều đó không có nghĩa là xã hội không cần các môn này nữa. Một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ chẳng hạn, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức xã hội làm nền cơ bản trước khi vào học chuyên ngành. Các ngành xã hội không mất đi vai trò những cần phải được thổi thêm sức sống mới để bắt kịp nhu cầu thời đại” – ThS. Lương Thị Linh (ĐH Thủ Dầu Một).

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)