Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người kể chuyện cụ Phan

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh với tấm ảnh quý giá chụp cụ Phan và người con trai đầu tại Pháp

Ngày ngày, trong căn nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh, nằm trên con đường mang tên ông ở giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, có một hậu duệ gọi ông bằng ông ngoại, năm nay đã bước sang tuổi 92, vẫn miệt mài sưu tầm, chuyển ngữ và kể câu chuyện về người chí sĩ yêu nước để nhắc nhở cháu con… Bà là Lê Thị Kinh (con gái của bà Phan Thị Châu Liên – một người con của cụ Phan Chu Trinh).

1. Trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà số 72 trên đường Phan Chu Trinh, tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Lê Thị Kinh (hay còn gọi là Phan Thị Minh) vẫn miệt mài sắp xếp, đọc lại các tư liệu về ông ngoại của mình. Mỗi tư liệu về cụ là một câu chuyện đầy sống động trong quá trình hoạt động cách mạng. Bà Kinh bảo: “Mình xây dựng khu lưu niệm liền với ngôi nhà mình và các cháu sinh sống để nhắc nhở cháu con về một tấm lòng vì dân vì nước, để tự hào và sống xứng đáng với người đi trước. Mặt khác, ngày ngày được làm việc cùng tư liệu về cụ, bút tích của cụ để lại cùng hình ảnh của cụ trong những năm tháng bôn ba hoạt động mình cảm thấy như đang được sống cùng cụ, thật gần gũi và ấm áp”.

Tròn 90 năm kể từ ngày đi vào cõi vô cùng, câu chuyện về cuộc đời dấn thân tìm đường cứu nước, đưa Nhân dân khỏi kiếp lầm than của cụ Phan – một trong những người khởi xướng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, vẫn sống động với thế hệ trẻ hôm nay, thông qua người cháu ngoại Lê Thị Kinh!

Bà Lê Thị Kinh sinh năm 1926, lớn lên ở Huế. Năm 16 tuổi, bà tham gia tổ chức yêu nước tại Trường Quốc học Huế, sau đó vận động, rồi tham gia tổng khởi nghĩa tại Quế Sơn (Quảng Nam). Sau năm 1945, bắt đầu ra học, tiếp đó là dạy học tại Trường Đại học Kinh tế Hà Nội, làm Hiệu phó Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1975, bà là Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, theo dõi hệ thống các tổ chức quốc tế. Từ năm 1982-1986, bà là Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm một số nước tại vùng Địa Trung Hải. Năm 1990, bà nghỉ hưu và về sinh sống tại Đà Nẵng. “Căn nhà này trước đây là nhà thờ ông ngoại tôi, do mẹ tôi mua từ năm 1927, cất giữ nhiều kỷ vật về ông ngoại. Khi tôi về, mẹ tôi chuyển đất lại cho tôi xây lại nhà lưu niệm bây giờ”, bà Kinh kể lại. Cũng từ thời điểm đó, khi đã ở vào cái tuổi 65, bà Kinh mới bắt đầu có thời gian để đi tìm lại những kỷ vật về cuộc đời hoạt động của ông ngoại mình. “Để có được những tư liệu đầy đủ về cụ, tôi tìm hiểu rồi thực hiện hai chuyến sang Pháp năm 1995 và 1998. Cả hai chuyến tôi đi hết 6 tháng. Quả thật những chuyến đi ấy khó khăn trăm bề, nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè tôi mới hoàn thành được. Những ngày đó tôi tìm đến các thư khố của Pháp, nhất là ở Thư khố Quốc gia hải ngoại để tìm tòi tư liệu về cụ. Tôi chụp lại các bức ảnh về cụ, những bút tích và tư liệu về những hoạt động của cụ”, bà Kinh bộc bạch. Trong kí ức của bà, mỗi bức ảnh, tư liệu về cụ Phan Chu Trinh là một câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của người chí sĩ yêu nước này. “Tôi sưu tầm xong tài liệu về cụ, quay về tôi lại cặm cụi dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để con cháu và thế hệ trẻ biết về cuộc đời hoạt động của cụ. Dịch xong, tôi bắt tay vào ghi chép, biên soạn thành 2 cuốn sách. Sau gần 8 năm thì tôi hoàn thành, lần này cũng nhờ sự hướng dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc để chia chương hồi trong từng cuốn sách cho rõ ràng. Năm 2001, tôi xuất bản cuốn Tuyển tập Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, tập 1, NXB Đà Nẵng. Đến năm 2002 thì xuất bản tập 2. Hoàn thành 2 cuốn sách với thông tin gần đi trọn cuộc đời hoạt động của cụ 14 năm ở hải ngoại và nhiều năm tham gia hoạt động sôi nổi trong nước, giới thiệu đến người đọc, cùng nhiều tư liệu về cụ bằng hình ảnh, rồi bút tích của Bác Hồ, bác Giáp viết về cụ… tôi thấy phần nào đó thỏa nguyện”.

2. Lần giở từng bức tư liệu cũ, bà Kinh trải lòng: “Tôi được gặp cụ một lần, vào những ngày cụ ốm nặng. Nhưng lúc đó tôi mới mấy tháng tuổi nên kí ức về cụ hầu hết là thông qua lời kể, câu chuyện của mẹ tôi kể lại. Hồi ấy, khi tôi mới được vài tháng tuổi, mẹ đưa tôi vào Sài Gòn thăm cụ, bởi có thể đó là lần cuối cùng. Lúc đó tôi khóc dữ lắm. Cụ bảo mẹ tôi sao không đưa cái đứa biết cười, biết nói (là chị gái tôi) vào mà lại đưa cái đứa chỉ biết khóc vào thăm. Rồi cũng sau bận ấy cụ mất”, bà Kinh chùng giọng, đôi mắt rưng rưng kể về kí ức cùng ông ngoại. Ngừng giây lát, bà tiếp: “Những ngày tìm kiếm tư liệu về cụ ở Pháp, với tôi có nhiều kỉ niệm lắm. Có những bức hình mà gia đình lúc đó không hề có”. Nói rồi, bà lần giở bức ảnh cụ Phan Chu Trinh chụp với một cậu bé tầm hơn 10 tuổi: “Đây là ảnh cụ Phan với người con trai đầu lòng của cụ là cậu Phan Châu Dật! Lúc tìm được, tôi mừng đến run lên. Người con trai ấy sau này mất khá sớm ở Huế, khi đó là năm 1921. Có ảnh chụp lúc trưởng thành chứ bức ảnh thời niên thiếu như thế này thì hiếm lắm. Đó là bức duy nhất hai cha con chụp ở Pháp”.

Ngoài 2 tập sách mang tên Tuyển tập Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, trong căn nhà lưu niệm cụ Phan, bà Kinh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý báu khác. Khác biệt với sự náo nhiệt trên con đường giữa trung tâm thành phố, căn nhà số 72 vẫn tĩnh lặng nhưng miệt mài một dòng chảy lịch sử với những ai tìm đến về một chí sĩ yêu nước.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)