Một lòng đau đáu với những phận đời không may bị bệnh tim, suốt 12 năm nay, TS.BS Lê Trọng Phi – Viện trưởng Viện Tim bẩm sinh, Klinikum Links der Weser, Bremen – Cộng hòa Liên bang Đức đã làm cầu nối hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mổ tim tiên tiến thế giới, đào tạo nhân lực, tài trợ thiết bị, máy móc hiện đại cho Bệnh viện Đà Nẵng.
TS.BS Lê Trọng Phi (bìa trái) trong Lễ phong tặng chức danh giáo sư danh dự của ĐH Đà Nẵng |
TS.BS Lê Trọng Phi còn tạo điều kiện cho trẻ em bị bệnh tim có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung có cơ hội sống khỏe mạnh thông qua Tổ chức Trái tim vì trái tim của Đức.
1.Mười lăm tuổi, Lê Trọng Phi cùng gia đình quê gốc Khánh Hòa đã rời xa quê hương, chuyển đến định cư ở Đức. Sống trên đất khách quê người, ngay từ nhỏ Phi đã ý thức được rằng, để tồn tại không còn cách nào khác là phải nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Thời trẻ, ông lăn lộn làm việc, không nề hà bất cứ công việc gì để có tiền phụ thêm vào số học bổng ông đạt được nhằm trang trải cho việc học. Tốt nghiệp ĐH Y ở Đức, ông học tiếp 5 năm chuyên sâu ngành nhi khoa và 4 năm chuyên khoa tim bẩm sinh và trở thành một BS tài năng. Nổi bật nhất trong các thành tựu mà BS Phi đã thành công và được ngành ngoại khoa thế giới biết đến đó là phương pháp nghiên cứu mổ tim kín bằng cách dùng lò xo để ngăn các lỗ hở của tâm thất, gọi tắt là dù của BS Phi, giúp bệnh nhân không mất nhiều sức, không để lại sẹo.
Nhắc đến BS Lê Trọng Phi, không chỉ bệnh nhân mà sinh viên, BS đang công tác ở Đà Nẵng đều biết, trân trọng ông. GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ, BS Phi đã giúp đỡ Khoa Y Dược – ĐH Đà Nẵng rất nhiều trong công tác giảng dạy, chuyển giao khoa học kỹ thuật y tế tiên tiến… Thông qua cầu nối của BS Phi, hàng năm, các giảng viên Khoa Y Dược được đưa đi đào tạo ngắn hạn về chuyên môn ở Đức. Không chỉ vậy, BS Phi còn tận tình tư vấn xây dựng các chương trình đào tạo ngành BS đa khoa, răng hàm mặt của Khoa Y Dược theo hướng tiếp cận với chuẩn mực của ngành y Đức. Hiện, Khoa Y Dược có hai nghiên cứu sinh ở Đức, BS Phi cũng đã kết nối để Tổ chức Trái tim vì trái tim và Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng hợp tác với nhau. Nhớ đó, sinh viên và giảng viên có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận y học tiên tiến, kỹ thuật hiện đại.
TS.BS Lê Trọng Phi (trái) với các BS tim mạch tại Bệnh viện Đà Nẵng |
2.Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, nơi cuộc sống của nhiều làng quê còn nghèo xác xơ sau những cuộc chiến tranh đằng đẵng. Được theo học và công tác tại một nền y học phát triển, BS Phi vẫn luôn đau đáu với quê nhà, với những mảnh đời kém may mang trong mình căn bệnh tim khốn khó. BS Phi nhớ lại, năm 1994, lần đầu tiên ông về thăm Việt Nam sau nhiều năm xa quê hương. Chuyến trở về ấy ông đã đến thăm một số bệnh viện, trường ĐH có đào tạo ngành y ở Việt Nam. Một năm sau đó, ông đã gửi tặng máy móc và dụng cụ y tế cho bệnh viện tỉnh Vĩnh Long và Ninh Hòa. Năm 1999, qua lời mời của các BS tim mạch tại Việt Nam, ông về Việt Nam điều trị bệnh nhân tim bẩm sinh cho người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy với phương pháp can thiệp mạch – phương pháp mới.
Trong quá trình nghiên cứu và hướng dẫn NCKH, BS Phi đã công bố hơn 8 chương trong các sách chuyên khoa tim mạch, hơn 26 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Năm 1993, ông đạt giải thưởng Nghiên cứu về tim mạch 1993, German Heart Foundation. Năm 2015, phát minh ra phương tiện nội soi mới để đóng “thông liên thất” mang tên “dù của tiến sĩ Lê”. |
Từ sự khởi đầu đó, những năm tiếp theo, ông thường xuyên khăn gói thực hiện những chuyến bay vượt không gian trở về Việt Nam để làm cố vấn kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất trên thế giới cho ngành ngoại khoa trong nước thông qua việc trực tiếp tham gia các kíp mổ tim ở Việt Nam. BS Phi nhớ lại, tình cờ một lần giữ vai trò cố vấn cho một hội nghị y học lớn tại Việt Nam, ông nắm được thông tin nhiều trẻ em nghèo bị bệnh tim ở giai đoạn nguy cấp không có điều kiện chữa trị. Trở về từ hôm ấy, ông âm thầm vận động hỗ trợ đưa các em sang Đức điều trị. Được một thời gian, ông nghĩ ra cách giúp đỡ thiết thực hơn. Ông kết nối với Hội Từ thiện Trái tim vì trái tim (Đức) thực hiện dự án lâu dài, đó là đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, tài trợ máy móc để xây dựng Bệnh viện Đà Nẵng thành một viện tim mạch lớn, tạo điều kiện cho trẻ em bị tim, hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung có cơ hội sống. Năm 2006, Tổ chức Trái tim vì trái tim tài trợ hệ thống máy DSA trị giá 1 triệu euro, máy siêu âm, máy thở trị giá 200.000 USD cho Bệnh viện Đà Nẵng để phục vụ nhu cầu chữa bệnh tim.
3. Hôm gặp ông ở ĐH Đà Nẵng, trên bục danh dự nhận chức danh giáo sư danh dự, ông bảo: “Trước hết hãy gửi lời cảm ơn đến những người bạn Đức, vì chính họ đã mang đến cho chúng ta những điều kiện tốt nhất để những người bệnh ở quê mình được sống khỏe mạnh, đập những nhịp đập bình thường của trái tim”. “Hơn cả mọi niềm vui, tôi xin giữ lại trong lòng và sẽ là động lực để góp phần hơn nữa trong vai trò là cầu nối giữa Hội Từ thiện Trái tim vì trái tim, ĐH LMU và Khoa Y Dược – ĐH Đà Nẵng. 12 năm cho một sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Bệnh viện Đà Nẵng và Hội Từ thiện Trái tim vì trái tim là rất khó nên tôi rất vui và hãnh diện vì điều này”, BS Phi xúc động.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)