Đó là thử thách mà bất kỳ phi hành gia mới vào nghề nào cũng phải trải qua. Nó chắc chắn không dành cho những người yếu tim, hay những người sợ không gian chật chội. Với một tiếng kêu vang, cánh cửa đóng sầm lại, nhốt ông John McFall trong bóng tối của một chiếc hộp kim loại.
Quá trình quay bắt đầu. Ông đang ở trong một máy ly tâm khổng lồ, quay vòng liên tục để mô phỏng lực hấp dẫn (lực G) cực độ của một vụ phóng tên lửa. “Nó quay càng nhanh thì lực G càng cao”, ông John giải thích. “Và hôm nay chúng tôi sẽ tăng lên khoảng 6 G – gấp sáu lần lực hấp dẫn. Nó tái tạo những gì sẽ xảy ra khi bạn trở lại bầu khí quyển”.
Cuộc thử nghiệm này là một phần trong chương trình đào tạo của ông John với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Năm 2022, ông được chọn làm ứng cử viên phi hành gia khuyết tật đầu tiên, nhằm để nghiên cứu liệu ông có thể lên vũ trụ an toàn hay không. Ông John là một người cụt chân, ông đã bị mất phần dưới của chân phải trong một vụ tai nạn xe máy khi mới 19 tuổi. Ông thường đeo chân giả công nghệ cao, nhưng ông đã tháo nó ra để kiểm tra tác động của máy ly tâm lên bắp chân của mình.
Bác sĩ phẫu thuật ESA, cô Maybritt Kuypers, chịu trách nhiệm theo dõi ông. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một người cụt chân trong máy ly tâm. Về cơ bản, phi hành gia nằm ngửa trong tư thế ngồi, điều này sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu, bao gồm cả ở chân. Chúng tôi tò mò muốn biết nó ảnh hưởng đến anh ấy như thế nào, nhưng mọi chuyện đã diễn ra rất tốt đẹp”, cô cho biết.
Ông John đã tạm dừng sự nghiệp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của mình để dấn thân vào lĩnh vực đào tạo phi hành gia, chuyển từ Anh đến Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở thành phố Cologne, Đức. Cho dù ông không được đảm bảo sẽ có một chuyến bay vào vũ trụ, nhưng nghiên cứu này sẽ xem xét những chỉ tiêu để biến điều đó thành hiện thực – tàu vũ trụ, bộ quần áo phi hành gia và các loại chân giả khác nhau của ông.
Hiện giờ, ông John đang đánh giá chân chạy của mình. Từng là vận động viên chạy nước rút Paralympic (Thế vận hội Người khuyết tật) và đoạt huy chương, thể thao là một phần quan trọng trong cuộc đời ông. Và việc giữ dáng trong vũ trụ là rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ và mật độ xương.
Giờ ông John đang sử dụng một máy chạy bộ chống trọng lực đặc biệt, giúp tái tạo các điều kiện không trọng lượng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Một luồng không khí nâng ông lên cao, khiến ông nhẹ đi. Nhưng bởi vì máy chạy bộ khiến ông nhẹ đi khoảng 80% trọng lượng cơ thể, nên chân của ông không thể hoạt động tốt. “Tôi nhận thấy bàn chân bị quá cứng. Đó là bởi vì tôi trở nên nhẹ cân và đặt ít lực hơn vào bàn chân, nên nó bẻ cong ít hơn và từ đó ít lực đàn hồi hơn”, ông nói.
ESA là cơ quan vũ trụ đầu tiên thực hiện một dự án như thế này. Cho đến bây giờ, tình trạng khuyết tật của ông John có thể đã ngăn cản ông trở thành phi hành gia, nhưng ông Frank De Winne, người đứng đầu Trung tâm Phi hành gia Châu Âu, muốn thay đổi điều đó. “Chúng tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời vì chúng tôi có rất nhiều tài năng phi thường – những người khuyết tật như John. Tại sao chúng ta không cố gắng rèn giũa tài năng này cho những sứ mệnh lớn lao như trở thành phi hành gia?”, ông cho biết.
Ông John McFall chuẩn bị trong máy ly tâm
Việc chuyển đến Đức là một thay đổi lớn cho vợ ông, bà Sonia, một cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic và ba đứa con nhỏ Fin, Isla và Immy của họ. Tụ tập quanh bàn ăn tối, các em bàn tán về công việc mới của bố. Con trai cả Fin không thể tin được bố em đã đổi nghề bác sĩ để làm một công việc mà có thể “đưa ông vào khoảng không đen tối” của không gian.
Bà Sonia tin rằng sự nghiệp mới của ông John hoàn toàn phù hợp với ông. “Điều quan trọng trong gia đình chúng tôi là luôn tận dụng mọi cơ hội. Và đối với tôi, đây là một cơ hội mà anh ấy đã nắm bắt thành công. Tôi hy vọng anh ấy sẽ được đền đáp xứng đáng, đó là được bay vào vũ trụ và cho mọi người thấy rằng đó là điều khả thi”, bà nói.
Một chuyến bay hình parabol đã cho ông John cơ hội để xem xét chiếc chân giả của ông
Trở lại máy ly tâm, ông John giơ ngón tay cái lên khi ông bước ra khỏi cỗ máy. “Nó thật tuyệt vời. Và bạn biết gì không? Tôi đã không hề để ý đến chân phải của mình trong toàn bộ quá trình. Đó có lẽ là phần khiến tôi cảm thấy thoải mái nhất, và nó thật sự hữu ích cho nghiên cứu này”, ông nói với nụ cười lớn.
Ông John đã thực hiện được một nửa dự án và đến nay vẫn chưa tìm thấy yếu tố nào có thể cản trở nhiệm vụ. “Tôi hy vọng nó sẽ mở rộng tầm nhìn và kiến thức của mọi người về khả năng của một người khuyết tật. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng họ chỉ coi tôi là John. Bởi vì tôi chỉ là John, tôi muốn trở thành một phi hành gia, và đồng thời tôi khuyết tật về mặt thể chất. Đây là thông điệp mà chúng tôi đang cố gắng truyền tải”, ông nói.
Bình luận (0)