Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người khuyết tật gian nan tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Có cái nghề đã khó, tìm được việc làm càng khó hơn, đây là lý do vì sao người khuyết tật (NKT) khó vươn lên và hòa nhập cộng đồng dù bản thân rất nỗ lực.

Người khuyết tật tìm việc tại ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP tổ chức mới đây

NKT tự “bơi” là chính

Ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ: Tôi đã có thời gian đi học nghề điêu khắc mỹ nghệ và được cấp chứng chỉ hẳn hoi. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có công việc ổn định, trước đó đi xin việc khắp nơi nhưng không cơ sở nào nhận vì là NKT. “Việc ở các trung tâm dành cho NKT thì không nhiều, thu nhập không ổn định, trong khi mở cơ sở riêng thì không có vốn”, ông Tiến nói.

Anh Lê Văn Bình (chủ cơ sở may gia công ở P.15, Q.Tân Bình) cho biết, rất muốn nhận NKT vào làm việc nhưng chỉ có thể nhận những NKT nhẹ, tự đi lại được. Riêng những người đi lại bằng xe lăn thì không thể vì không có điều kiện để xây dựng, thiết kế lối đi riêng dành cho xe lăn và bố trí không gian làm việc cho NKT.

Bên lề buổi đối thoại về chế độ chính sách dành cho NKT do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, chị Nguyễn Thị Thủy (Q.Phú Nhuận) bức xúc: Ai cũng mong muốn có một công việc làm ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Với NKT, áp lực công việc, cơm áo càng nặng nề. Các sở, ngành thì cho rằng luôn tạo mọi điều kiện để NKT có việc làm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, hòa nhập nhưng thực tế không ít NKT phải tự “bơi” là chính.

Tại buổi đối thoại này, hầu hết NKT cho rằng doanh nghiệp chưa tin vào tay nghề của mình, trả lương rất thấp, thậm chí chỉ bằng 1/2 lương của người bình thường. Một số người ngán ngẩm đi xin việc nên phải chấp nhận làm việc với mức lương không đủ để tái tạo sức lao động.

Ông Nguyễn Hoàng Trung (Q.Phú Nhuận) cho biết, tự tạo việc làm là xu hướng của NKT trong thời gian qua. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là hầu hết NKT đều có gia cảnh khó khăn, mở một tiệm tạp hóa nhỏ cũng không đơn giản. Nhiều người tính đến chuyện vay vốn ngân hàng để kinh doanh, mở cơ sở hàng gia công nhưng ngân hàng từ chối vì ngại khó thu hồi nợ. “NKT thuộc đối tượng ưu tiên khi thuê mướn mặt bằng kinh doanh do chính quyền địa phương quản lý nhưng có đi thuê mướn rồi mới biết… khổ”, ông Trung thẳng thắn.

Bán hàng online là công việc tạo thu nhập khá ổn định cho NKT trong khoảng 3 năm trở lại đây nhưng không phải ai cũng làm được. Chị Lê Thị Hoàng Anh (ngụ Q.5) tâm sự: Tôi bị bại liệt hai chân từ nhỏ, có thể đi lại bằng xe máy nhưng không thể nào giao những đơn hàng ở xa hoặc chung cư, trong khi thuê dịch vụ giao hàng thì không có lãi. Đó cũng chính là lý do chị Anh không thể tiếp tục công việc này từ hơn 1 năm nay.

Doanh nghiệp ngại tuyển NKT

Phát biểu tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp chia sẻ rất muốn cùng chung tay tạo việc làm cho NKT, giảm gánh nặng gia đình nhưng chính sách, chế độ ưu đãi hiện nay chưa phù hợp. Đại diện một doanh nghiệp dẫn chứng, theo quy định để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế thu nhập, thuê mướn mặt bằng thì doanh nghiệp phải sử dụng ít nhất 30% NKT trên tổng số lao động. Điều này doanh nghiệp không mặn mà vì phải mất một khoản chi phí đầu tư cải tạo để có điều kiện làm việc, đi lại phù hợp cho NKT.

Ông Trần Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, TP hiện có khoảng 57.000 NKT. Tính đến quý 3/2018, đã có 17 lớp dạy nghề được các trung tâm tại TP mở đào tạo gần 500 NKT, tư vấn và giới thiệu trên 2.000 lượt người và có 763 người có việc làm ổn định. Ông Sơn cũng thừa nhận công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho đối tượng này còn nhiều khó khăn do hầu hết các cơ sở đào tạo nghề hiện nay chủ yếu đào tạo nghề không phù hợp với thể trạng của NKT.

Trong khi đó, đại diện Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng giáo viên dạy nghề cho NKT của TP hiện nay là điều đáng bàn. Thêm nữa là việc hỗ trợ vay vốn cho NKT còn nhiều vướng mắc, số hồ sơ xin vay nhiều nhưng giải quyết được thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để tạo điều kiện cho NKT tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện Phòng Bảo trợ xã hội cho biết thời gian tới sẽ làm việc với ngân hàng xem bị “tắc” chỗ nào để có biện pháp tháo gỡ.

Trước những khó khăn trong học nghề, xin việc của NKT cũng như ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Sơn cam kết sẽ làm việc với các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và các sở, ngành để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chế độ ưu đãi để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động NKT.

T.Anh

Bình luận (0)