Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa tổ chức hội nghị đối thoại giữa người khuyết tật (NKT) với sở, ngành, quận-huyện về chính sách và việc làm năm 2016.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP, thời gian qua, TP thực hiện xuyên suốt công tác giáo dục đối với NKT, trong đó khuyến khích giáo dục hòa nhập. Tổng số HS khuyết tật tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt là gần 3.000 em.
Ông Võ Minh Hoàng (Phó phòng Bảo trợ Xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP) cho biết: Mỗi năm, TP đã dạy nghề cho khoảng 750 NKT có nhu cầu các nghề phù hợp với thể trạng và năng lực; giới thiệu khoảng 1.000 NKT, trong đó khoảng 450 người có việc làm ổn định. NKT nặng và đặc biệt được cấp thẻ BHYT. NKT nhẹ chưa được cấp thẻ BHYT nhưng vẫn được hưởng chế độ ưu tiên khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngoài ra, NKT còn được chăm lo, trợ giúp về pháp lý, lĩnh vực thông tin và truyền thông, đời sống vật chất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo NKT còn nhiều hạn chế. “Việc mở rộng cơ hội việc làm cho NKT còn nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp, chưa có tay nghề hoặc có nhưng không phù hợp. Dù có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động là NKT nhưng số lượng doanh nghiệp tuyển dụng NKT vào làm việc chưa nhiều. Doanh nghiệp có tâm lý e dè khi sử dụng lao động là NKT vì phải đáp ứng những yêu cầu khác. Mặt khác, đầu ra của các sản phẩm do NKT làm ra đang gặp nhiều khó khăn”.
Theo đại diện các quận-huyện, các tổ chức NKT hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các trung tâm pháp lý trong việc tìm hiểu nhu cầu và thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT khi cần thiết.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công ty NKT Đức Hiền (TP.HCM), cho biết: “Thời gian qua, TP có nhiều hỗ trợ chăm sóc về vật chất, tinh thần và đào tạo nghề nhưng một số NKT vẫn còn bị hạn chế về quyền được hỗ trợ việc làm. Chúng tôi mong muốn các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp mở rộng vòng tay nhân ái có mô hình giải quyết việc làm tại địa bàn dân cư”.
Bà Trần Thị Kim Danh (Câu lạc bộ Hướng nghiệp Q.Bình Thạnh), kể lại: “Tôi đi lại khó khăn, muốn xin giấy phép kinh doanh bóp ví do NKT làm ra nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối. Chúng tôi thật sự bế tắc…”.
Ông Lê Minh Hải (Phó Chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp trẻ TP.HCM) đề xuất: “TP cần có nhiều chính sách hơn để có việc làm cho NKT. Hiện nay nhiều chính sách còn chung chung, chưa có những hỗ trợ cụ thể cho NKT nhẹ…”.
Ghi nhận các ý kiến của NKT, ông Lê Chu Giang (Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP), thông tin: Sở LĐ-TB&XH sẽ sớm tham mưu UBND TP.HCM có kinh phí dạy nghề cho NKT và chuyển về quận, huyện tạo điều kiện cho NKT học nghề…
T.An
Bình luận (0)