Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người làm công tác xã hội thiếu và yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề công tác xã hội (CTXH) tại TP.HCM vẫn chưa phát triển do cán bộ làm CTXH còn thiếu, chưa hiểu và chưa được đào tạo về nghề…

Sinh viên ngành công tác xã hội (Trường ĐH Mở TP.HCM) thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: N.Anh

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin, từ nay đến 2020 sẽ thúc đẩy phát triển nghề CTXH với đội ngũ CB-CC-VC và cộng tác viên CTXH được đào tạo bài bản. TP cũng sẽ tập trung phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho nhóm yếu thế và người dân góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững.

“Nhóm thực hiện đề án cũng sẽ hỗ trợ các trường đào tạo và dạy nghề CTXH, hoàn chỉnh mạng lưới viên chức CTXH trong trường học, xây dựng và phát triển CTXH trong bệnh viện”, bà Liên nói. 

Thua kém các nước trong khu vực

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 tổ chức sáng 6-9, TP hiện có 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh – giáo dục lao động xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội. Đội ngũ nhân viên làm CTXH khoảng 5.000 người, hiện đang làm việc trong các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện, các hội, đoàn thể, cơ sở xã hội ngoài công lập và nhân viên xã hội thuộc các tổ chức Chính phủ, tổ chức nước ngoài… Tuy nhiên, hoạt động xã hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt nghề CTXH của TP.HCM vẫn chưa phát triển như các nước trong khu vực.

Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn TP nhằm củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Thời gian qua, đề án đã cung cấp dịch vụ cho một số nhóm đặc thù trên địa bàn TP, cụ thể là trẻ em và gia đình trẻ, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mại dâm, người nghiện ma túy…

Điểm nổi bật của đề án là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật được cung cấp các dịch vụ tư vấn, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi chức năng để các em hòa nhập cộng đồng. Về giáo dục, đề án có 4.000 trẻ đang được học tập tại 25 cơ sở giáo dục chuyên biệt và có 150 người khuyết tật đã và đang là sinh viên một số trường ĐH-CĐ trên địa bàn.

Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP), sau 5 năm, kết quả đào tạo nghề CTXH chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do việc khảo sát nhu cầu đào tạo chưa sát, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc cử cán bộ tham gia đào tạo, chưa nắm kịp thời nhu cầu đào tạo. Một nguyên nhân nữa khiến nghề CTXH tại TP.HCM chưa phát triển là đến nay việc bố trí 1-2 cộng tác viên CTXH tại phường, xã và hướng dẫn một số văn bản liên quan đến nghề CTXH như ban hành chức danh, mã số ngạch viên chức làm CTXH vẫn chưa thực hiện được.

Hỗ trợ nhóm yếu thế

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã đào tạo bậc trung cấp nghề CTXH cho 247 CB-CC-VC phường xã, tổ chức chính trị – xã hội, các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục lao động xã hội. Riêng bậc ĐH (hệ vừa học vừa làm) đã có 254 người được đi học. Đây là những con số được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá là quá khiêm tốn. 

Từ những hạn chế tồn tại, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH ban hành chương trình cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH.

GS.TS Bùi Xuân Mai, đại diện nhóm khảo sát độc lập của đề án kiến nghị Sở Nội vụ TP tham mưu UBND TP.HCM về phát triển nguồn nhân lực, sử dụng định biên nhân viên CTXH chuyên nghiệp (tốt nghiệp ĐH trở lên) hay cộng tác viên CTXH với trình độ thấp hơn tại phường xã…

Để phát triển nghề CTXH tại TP.HCM, bà Mai cho rằng các cơ sở đào tạo cần xây dựng cơ chế học tích lũy kiến thức, kỹ năng chương trình tập huấn và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ CTXH, phát triển đào tạo thạc sĩ CTXH theo hướng chuyên sâu. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của mỗi trường.

“UBND TP.HCM cần có cơ chế thu hút, sử dụng những người được đào tạo bài bản về CTXH trong bối cảnh giảm biên chế hiện nay và ưu tiên để huy động, phát triển mô hình dịch vụ CTXH ngoài công lập. TP cũng cần có chủ trương và khích lệ các cơ quan nghiên cứu, các trường ĐH triển khai nghiên cứu nhu cầu nguồn nhân lực, dịch vụ về CTXH để có mạng lưới phát triển phù hợp”, bà Mai kiến nghị.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết, trong 5 năm qua, sở bố trí viên chức CTXH, thành lập phòng tư vấn, tham vấn tâm lý học đường hỗ trợ học sinh giải quyết các khó khăn trong đời sống tâm lý và học tập. Tổng số giáo viên tư vấn chuyên trách trong các đơn vị giáo dục là 152 người, số giáo viên tư vấn kiêm nhiệm là 907 người…

Sở GD-ĐT TP kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có nghiên cứu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các chế độ chính sách cho giáo viên tư vấn cũng như hướng dẫn hoạt động tư vấn trường học ở các bậc học từ mầm non đến ĐH.

Trọng Tri

Bình luận (0)