Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người làm sống lại làng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Ba Đức
Truyền nghề cho hàng trăm thợ nhưng ông Nguyễn Tấn Đức không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Việc làm ấy của ông là để cùng nhau giữ nghề truyền thống gần 120 năm tuổi.
Từ ngày ông Ba Đức (Nguyễn Tấn Đức, 85 tuổi, làng nghề tủ thờ ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cho xuất xưởng chiếc tủ thờ 750 triệu đồng, làng nghề thật sự hồi sinh sau nhiều năm gian nan bám nghề.
Tủ thờ giá kỷ lục
Chiếc tủ thờ trị giá 750 triệu đồng là chiếc tủ chưa từng có ở làng nghề gần 120 năm tuổi. Nó càng làm người làng nghề truyền thống này ngạc nhiên vì được khách đặt hàng trong thời buổi kinh tế hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Minh, người thợ với 40 năm kinh nghiệm của làng bộc bạch: “Hay tin anh Ba (tức ông Ba Đức – PV) nhận làm chiếc tủ 750 triệu đồng, tụi tôi nghĩ là người ta phao tin chứ làm gì có chuyện đó. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến khách hàng ký hợp đồng, đặt cọc, tôi mới giật mình”.
Làng nghề tủ thờ Gò Công từng xuất sản phẩm đi các nước có cộng đồng người Việt sinh sống như Mỹ, Úc, Canada, Pháp… với số lượng hàng ngàn nhưng chưa cái nào có giá quá 550 triệu đồng. Còn trong nước, ở giai đoạn kinh tế ổn định, những cái tủ thờ trị giá 100-250 triệu đồng cũng có nhưng không nhiều. Với những năm trước, đó đã là một thành công lớn, giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện bám nghề cho đến hôm nay.
Chiếc tủ có giá cao kỷ lục 750 triệu đồng là một sản phẩm tinh xảo, phản ánh rõ nét tủ thờ xưa của người Việt. Điều đặc biệt là tủ có 30 trụ đứng (xưa nay chỉ có tủ thờ 21 trụ), được làm phần lớn bằng thủ công. Ông Đức nhớ lại: Khách hàng của tôi không chỉ là các ông, bà giám đốc, doanh nhân trong nước mà còn có kiều bào ở nước ngoài. Họ từng đặt chiếc tủ thờ có giá 400-500 triệu đồng nhưng không cần hợp đồng, lại đưa trước 2/3 số tiền. Lúc một khách hàng ở Củ Chi, TP.HCM đến đặt hàng, tôi có phần lưỡng lự vì theo yêu cầu của khách thì giá trị của nó rất lớn. Mất gần tháng ròng tôi mới kê từng chi tiết, tính kỹ giá của nó. Tôi làm là làm vậy chứ không nghĩ khách sẽ quay lại.
Đúng hẹn, khách đến. Mọi sự nghi ngờ trong ông Đức gần như tan biến. Khách đặt cọc gần 30%. Đó cũng là điều khiến ông Đức lo lắng nhất bởi số tiền gần 30% chưa đủ để mua gỗ và xà cừ, chưa kể tiền công. Ngày đêm ông Ba Đức mất ngủ. Mất ngủ không chỉ vì lo lắng khách hàng không đến lấy thì đổ nợ mà còn vì sợ kẻ trộm đột nhập vào lấy đi nguyên vật liệu giá trị mà ông đã đổ hết tiền vào đó.
Mặc dù đã có trong tay hàng chục thợ tay nghề lão luyện trong chạm trổ nhưng ông Đức không khỏi lo. Cái tuổi đã ngoài bát tuần khá xa, sức khỏe yếu nhiều nhưng ông Đức vẫn theo sát từng người thợ, để ý mân mê từng chi tiết nhỏ, nhất là các chi tiết độ tinh xảo. Cùng làm công việc này với ông là cậu con trai Ngô Tấn Lực. “Ở làng nghề này, có biết bao người thợ dày dạn kinh nghiệm nhưng khách chọn mình là họ đã đặt hết niềm tin vào mình. Tôi phải làm để niềm tin trong họ không bị đánh mất”, ông Đức chia sẻ.
Sau ngày khách hàng đến lấy tủ, ông Đức mới thật sự có được một giấc ngủ tròn. Cả những người thợ của ông cũng vậy. Ông bảo đó là một kiệt tác được làm dưới những đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công và là một sản phẩm đánh dấu sự hưng thịnh trở lại của làng nghề.
Làm điều phúc

Thợ nữ trẻ làng nghề với công đoạn chạm trổ
Hớp một ngụm trà, ông Ba Đức tiếp: “Tay nghề của tôi có thể không bằng người khác nhưng tôi tự hào vì cái nghề mà ông cha tôi đã để lại cho con cháu”. Ấp Ông Non (xã Tân Trung) ngày nay được lấy tên ông cố của ông Ba Đức, đó là ông Nguyễn Văn Non. Thuở ấy, ông Non từ phương Bắc vào đây lập nghiệp, dạy nghề, nay đã ngót 120 năm. Để tưởng nhớ công ơn của người sinh ra làng nghề, cho cuộc sống hưng thịnh, người dân đã lấy tên ông Non đặt cho ấp.
Từ đời ông Non, đến đời ông nội, sang đời con và đời cháu (là ông Ba Đức), đã đào tạo hàng ngàn người thợ lành nghề và trở thành ông chủ của những cơ sở có tên tuổi ở Bạc Liêu, Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… Vì là nghề chân truyền, dù có tay nghề thợ mộc nhưng không phải bất kỳ thợ nào cũng làm được. Chính vì điều này mà gia đình ông Ba Đức truyền nghề không lấy bất kỳ một khoản thù lao nào. Ông Đức chiêm nghiệm: “Giúp người có cái nghề để cùng nhau giữ gìn và phát triển làng nghề, đó là điều phúc. Tiền có thể không tồn tại, còn cái nghề có giá trị đến muôn đời sau”.
Hiện ông Ba Đức đang sở hữu gần chục cơ sở đóng và bán tủ thờ nằm dọc theo quốc lộ 50, từ đoạn qua phà Mỹ Lợi đến thị xã Gò Công. Tuy nhiên, khách hàng tìm đến ông không phải vì ông có nhiều cơ sở “hoành tráng” mà vì cái tâm với nghề, với thợ cũng như với những cửa hàng khác. Có khách hàng tìm đến, ông thường mời chủ cơ sở khác đến để giới thiệu, chia sẻ khách hàng cho họ. Và khi cần tư vấn, ông sẵn sàng thức khuya dậy sớm để theo sát từng người thợ, hỗ trợ ở các khâu, từ đơn giản đến phức tạp. Số điện thoại của ông được viết khắp nơi, từ miếng gỗ tạp, trên tường… bất kỳ chỗ nào người thợ dễ nhìn nhất để khi gặp rắc rối, trở ngại gì thì gọi để được ông tư vấn.
Những năm 90, nghề đóng tủ thờ Gò Công gần như ngưng trệ, nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì hàng làm ra không có người mua. Nhiều thợ đã bỏ làng nghề, phiêu bạt khắp nơi theo nghề mộc. Mỗi sáng, đi qua các cửa hàng cửa đóng im ỉm, ông đau lòng lắm. Trước khó khăn chung, người thợ phải bươn chải đủ nghề để kiếm cái ăn, ông luôn gần gũi, động viên thợ: “Nay khó thì mai sẽ thịnh, cái cần nhất là tình yêu với nghề”.
Ông Đức cười sảng khoái khi chúng tôi nhắc đến chuyện nghề của lớp thợ trẻ: “Khoảng 20 năm trước, trai trẻ trong làng không mấy ai mặn mà với nghề. Tụi tôi truyền nghề miễn phí, tạo công ăn việc làm nhưng chỉ có số ít người theo. Mới đây, hay tin tôi đóng chiếc tủ thờ trị giá 750 triệu đồng, nhiều người có ý định bỏ nghề cũng đã thay đổi suy nghĩ. Lớp trẻ lại tự tin theo nghề”.
Ông Ba Đức đưa chúng tôi đi tìm hiểu từ cơ sở này đến cơ sở khác, không chỉ của ông mà của cả ấp. Ông đi đến đâu, người thợ từ già đến trẻ đều tạm dừng công việc để kính cẩn chào. Nhiều người tranh thủ nhờ ông chỉ cách chạm trổ, lắp trụ… Ông ngồi bên từng người thợ, săm soi kỹ từng chi tiết, thấy chưa ổn là khéo léo góp ý. Với thợ làng nghề, ông Ba Đức không chỉ là người ông, người chú mà còn là người thầy hết mực tận tụy với nghề, với học trò của mình. Như ông tâm sự: “Việc mình làm chính là để giữ gìn cái nghề chứ không giữ cái gì cho riêng mình. Đã không truyền nghề thì thôi, truyền thì phải truyền hết những gì mình biết”. Không chỉ thế, ông Ba Đức còn dạy chữ tâm mà bất cứ nghề nào cũng phải cần. “Nghề nào cũng có lúc thịnh lúc suy. Song, nếu gặp lúc suy mà thiếu chữ tâm thì nghề thêm tệ hại”, ông Ba Đức triết lý.
Sự hưng thịnh của làng nghề tủ thờ Gò Công nức tiếng gần xa được minh chứng qua tiếng lách cách trổ chạm cả ngày lẫn đêm. Niềm vui nghề trường tồn, phát triển như len lỏi trong ánh mắt, nụ cười của từng người thợ trẻ.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Vài năm trước, khi nhắc đến bệnh đau tôi rất sợ. Sợ vì khi nhắm mắt không có ai để tiếp tục phát triển làng nghề. Bây giờ, không may mình chết đi cũng có con cháu và những người thợ tâm huyết trong làng kế tục”, ông Ba Đức mãn nguyện nói.
 

Bình luận (0)