Những khó khăn do dịch Covid-19 chưa qua thì công nhân lao động lại đối mặt với sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu.
Doanh nghiệp, tổ chức công đoàn thực hiện nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ nhằm giúp người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà 3 tháng cho công nhân, theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, chính sách nhân văn trên hiện vẫn chưa kịp thời đến được với nhiều công nhân vì thủ tục nhận hỗ trợ còn gặp khó khăn.
Vay nóng, rút BHXH một lần vì khó khăn
Ông Huỳnh Long Dũng, công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 (ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết, gia đình ông có 4 người, trong đó 2 con đang ở tuổi đi học. Nguồn thu nhập chính của gia đình là lương công nhân của ông. Từ đầu tháng 3, giá xăng dầu tăng liên tục làm gạo, thịt, rau, nước mắm… tăng theo. Túi tiền của gia đình vốn đã ít nay càng eo hẹp. “Chỉ riêng tiền đổ xăng đi làm, lúc trước đổ 50.000 đồng là chạy được 4 lượt đi và về, nhưng nay chỉ chạy được 3 lượt. Giá cả các mặt hàng mỗi thứ tăng một ít nên cuộc sống gia đình thêm chật vật”, ông Dũng nói. Để thích ứng, gia đình ông phải cố gắng xoay xở, điều chỉnh lối sinh hoạt, giảm chi tiêu. Tiền học của 2 con giữ nguyên, còn tiền ăn uống giảm xuống. Chủ trương mới của gia đình là ăn no, cố gắng đủ chất, chứ không phải ăn ngon.
Tổ chức công đoàn tặng quà cho nữ công nhân mang thai có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật ở TPHCM.
Tuy nhiên, việc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng dầu nhưng lương NLĐ không thay đổi trong 2 năm nay đã khiến đời sống nhiều NLĐ thêm khó khăn chồng chất. Theo chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, đồng lương ít ỏi của vợ chồng chị đã không còn xoay trở nổi với giá cả hiện nay. Để trả tiền thuê nhà trọ và cho 2 con đi học, vợ chồng chị phải chật vật, dè sẻn mới gồng gánh nổi. Chị Thủy tâm sự, hầu như tháng nào lương của vợ chồng chị lãnh ra cũng đều hết sạch trong tháng đó, không tiết kiệm được đồng nào dù chị đã cắt giảm tối đa chi phí.
Tổ chức tài chính vi mô CEP tư vấn, trao vốn đến công nhân tại doanh nghiệp để hạn chế tín dụng đen.
Chia sẻ với những khó khăn của NLĐ, nhiều doanh nghiệp có các biện pháp hỗ trợ cụ thể, như Công ty Hoàng Gia Việt (có hơn 300 nhân viên, bảo vệ làm việc ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…) đã hỗ trợ đột xuất cho những người có hoàn cảnh khó khăn và bố trí NLĐ làm việc gần nơi ở để tiết kiệm tiền xăng xe, ăn uống. Công ty cũng tăng quỹ phúc lợi để hỗ trợ và tăng thêm thu nhập cho NLĐ.
Dẫu vậy, theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TPHCM (công bố vào tháng 2-2022) về việc làm, đời sống nữ công nhân ngành may mặc, gần 42% người tham gia khảo sát cho rằng với thu nhập hiện nay, bản thân và gia đình có mức sống thiếu thốn. Họ gần như không tiết kiệm được gì từ tiền lương, và nếu gặp sự cố bất thường sẽ không có khoản nào để chi. Khảo sát cũng cho thấy trên 20% người tham gia khảo sát có thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân mỗi tháng của nữ công nhân may chỉ khoảng 6,8 triệu đồng và hầu hết phải làm thêm giờ. Điều này dẫn đến một số người phải vay “tín dụng đen” khi gia đình có sự cố.
Cũng do thiếu thốn, nhiều NLĐ đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, có gần 209.000 lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, riêng TPHCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ), tập trung ở TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh…
Mong ngóng các chương trình hỗ trợ
Để giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, thời gian qua, Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức nhiều chương trình chăm lo, như tổ chức các “Điểm phúc lợi đoàn viên” tại các nhà văn hóa lao động quận, huyện, trong các khu nhà trọ, doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, tổ chức công đoàn tìm kiếm các đối tác có quy mô sản xuất lớn, uy tín và có tinh thần thiện nguyện để hợp tác chăm lo, cải thiện phúc lợi cho NLĐ. Qua đó, đầu tháng 4-2022, hơn 6.000 NLĐ đã được mua sắm hơn 200 mặt hàng thiết yếu với mức giảm giá từ 10%-45% ở “Điểm phúc lợi đoàn viên” tại Nhà văn hóa Lao động quận Bình Tân.
Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2022, đặc biệt trong Tháng công nhân năm nay, chương trình sẽ được triển khai phục vụ lưu động tại các doanh nghiệp, nhà trọ, khu lưu trú có đông công nhân từ ngày 5-10 hàng tháng. Điều này sẽ đảm bảo NLĐ được cung cấp các mặt hàng tiêu dùng chất lượng, với giá ưu đãi so với thị trường, giúp NLĐ tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó sẽ tạo thói quen cho NLĐ mua thực phẩm chất lượng để cải thiện đời sống, sức khỏe bản thân.
Trước những khó khăn của NLĐ, nhất là công nhân đang phải thuê nhà trọ, tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2022 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Theo đó, NLĐ làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm, thuê trọ trong thời gian từ ngày 1-2-2022 đến 30-6-2022, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (giao kết và thực hiện trước ngày 1-4-2022), đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách đề nghị hỗ trợ thì được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Riêng NLĐ mới quay lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Nhiều NLĐ rất phấn khởi chờ nhận hỗ trợ theo chính sách nhân văn trên. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TPHCM, toàn thành phố hiện có khoảng 1,1 triệu NLĐ đang thuê trọ. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách hỗ trợ trên, công nhân thuê trọ gặp không ít khó khăn vì thủ tục, nhất là việc ký xác nhận. Ngoài ra, nhiều chủ nhà trọ, công nhân vẫn chưa biết đến chính sách hỗ trợ này do địa phương, công ty chưa triển khai. “Dù ít dù nhiều, đây vẫn là phần hỗ trợ rất quý với chúng tôi trong thời điểm này. Tôi mong cơ quan chức năng có hướng dẫn rõ ràng, các thủ tục đơn giản để công nhân dễ thực hiện”, anh Trần Văn Long, thuê trọ tại quận Tân Bình, TPHCM, nêu ý kiến.
TRẦN YÊN (theo SGGP)
Bình luận (0)