Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người lao động không được hỗ trợ kịp thời

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

7.000 lao động phải về nước trước hạn từ đầu năm 2009 đến nay đang mòn mỏi chờ hỗ trợ

25 lao động do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị đường sắt (Virasimex) sang Bulgaria làm việc phải về nước trước hạn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Công ty đã làm đơn xin hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước nhưng chưa được giải quyết.

Người lao động mất việc làm ở Bulgaria về nước trước hạn, đòi giải quyết quyền lợi tại Công ty Virasimex

Xin hỗ trợ: Không đơn giản
Giám đốc Virasimex, ông Đặng Mạnh Sức, cho biết công ty thực hiện đầy đủ việc trích nộp lệ phí cho quỹ. Nay công ty buộc phải xin hỗ trợ vì gặp nhiều khó khăn, song việc nhận hỗ trợ từ quỹ phải hoàn tất rất nhiều thủ tục và chưa biết đến bao giờ mới được nhận tiền. Tương tự, 16 lao động do Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Hợp tác lao động (Oleco) đưa đi XKLĐ phải về nước trước hạn. Công ty đã bồi thường cho người lao động (NLĐ) theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Luyện, Giám đốc Oleco, NLĐ về nước trước hạn bao giờ cũng bị thiệt thòi. Hỗ trợ của công ty chỉ bù đắp được phần nào. Nếu quỹ có thể hỗ trợ một phần sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), cho rằng việc hỗ trợ cho NLĐ về nước trước hạn của quỹ chưa cụ thể. AIC có hơn 200 lao động về nước trước hạn. Công ty đã đề nghị được giải quyết từ đầu năm và tháng 4 vừa rồi lại có một văn bản nhắc lại. Song, vẫn chưa được hồi đáp.

Có cơ chế chi hay không?
Từ đầu năm 2009 đến nay có hơn 7.000 lao động phải về nước trước hạn do suy thoái kinh tế. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 11-5, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), Trưởng Ban Điều hành quỹ, cho biết một số doanh nghiệp đã đề nghị được hỗ trợ cho NLĐ nhưng Thông tư 11/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn lại không có nội dung chi về vấn đề này.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Thông tư 11 có nội dung hỗ trợ cho NLĐ trong một số trường hợp “rủi ro khách quan khác”. Lao động về nước trước hạn do suy giảm kinh tế cũng là một rủi ro khách quan. Chúng tôi đặt vấn đề này với ông Quỳnh, ông cho biết: “Ban Điều hành quỹ đã có văn bản trình Bộ LĐ-TB-XH nhằm xây dựng cơ chế hỗ trợ cho NLĐ về nước trước hạn. Trong tháng 5, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Việc hỗ trợ sẽ phân ra các đối tượng, thị trường, các hợp đồng cụ thể… với mức “trần” là 5 triệu đồng/người”. Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ, hiện nguồn quỹ này có trên 92,2 tỉ đồng nhưng mới chi khoảng 3 tỉ đồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)