Năm 2008, một năm nhiều biến động và khó khăn đối với các DN, một năm thật ít niềm hi vọng và cơ hội để tỏa sáng nhưng lại là năm đáng nhớ với những con số ấn tượng của Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hoà (BBCC).
Điều đó không mấy bất ngờ đối với những người đã biết BBCC đang được "chèo lái" bởi bàn tay của Doanh nhân Trịnh Hoàng Ân, người có biệt tài hồi sinh nhiều DN trước nguy cơ đổ vỡ.
4 lần ôm… nợ
Ít ai biết rằng suốt 7 năm qua, Giám đốc Trịnh Hoàng Ân đã phải gồng mình gánh núi nợ của 4 đơn vị đang bên bờ vực phá sản mà tỉnh giao phó. Năm 2001, ngay sau khi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới thì Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng hoảng do nội bộ mất đoàn kết, phương pháp kinh doanh, sản xuất đạt hiệu quả thấp dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất… Lúc ấy, lãnh đạo Tỉnh muốn tìm một người đứng ra vực dậy DN này. Và người được "chọn mặt gửi… nợ" lúc ấy là ông Trịnh Hoàng Ân, người vừa đưa Cty Dịch vụ Môi trường Đô thị Biên Hoà thoát khỏi tình trạng trì trệ và hoạt động ổn định. Người thân, bạn bè biết chuyện đều ái ngại, bảo ông dù có "ba đầu sáu tay" cũng không thể gỡ nổi cái mớ bòng bong ấy. "Nhưng nếu mình không nhận và để các mỏ đá trong tình trạng cũ thì lãng phí rất nhiều tài nguyên của địa phương. Còn hàng trăm công nhân sẽ mất công ăn việc làm. Hơn nữa, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, né tránh khó khăn thì lấy ai để gánh vác?". Nghĩ thế và ông trấn tĩnh, gạt mọi do dự để khởi nghiệp lại với món nợ vài chục tỷ đồng mà người tiền nhiệm để lại. Ngân sách của Cty không còn một đồng vốn lưu động, gõ cửa các ngân hàng thì chỉ nhận được sự cho vay miễn cưỡng. Nguồn nguyên liệu từ các mỏ đá rất dồi dào nhưng công nhân lại không có việc làm, nhiều người đã bắt đầu đưa đơn xin nghỉ việc. Thật khó hình dung hết những khó khăn mà Trịnh Hoàng Ân phải đương đầu. Lúc ấy, căng mình ra giữa bộn bề công việc, không một ngày nào ông rời khỏi Cty trước 9 giờ đêm. Tinh thần thì cực kỳ mệt mỏi, căng thẳng vì các chủ nợ bao vây và khống chế. Ông chỉ còn biết dốc hết tâm lực để làm. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu ông sút mất 12 kg…
Hai năm sau, ông lại phải tiếp nhận thêm mỏ đá Tân Bản cũng đang làm ăn thua lỗ. Ngày bàn giao, cơ sở vật chất không còn, thiết bị cũng không có, chỉ có … khoản nợ 32 tỷ đồng. Đến năm 2005, ông lại gánh thêm mỏ đá Thiện Tân với số nợ 13 tỷ đồng. Chưa hết, tháng 7/2006, Tỉnh tiếp tục giao cho ông tiếp nhận Cty khai thác đá Đồng Nai. Đơn vị này cũng tồn đọng nợ trên 10 tỷ đồng và tình trạng mất đoàn kết nội bộ thì trầm trọng hơn những đơn vị trước, đơn thư khiếu nại tố cáo ban lãnh đạo Cty Khai thác đá Đồng Nai gửi khắp nơi. Chỉ trong vòng 5 năm, ông phải vật lộn với khoản nợ 80 tỷ đồng trong khi những gì ông tiếp nhận chỉ là sự bê bối, rỗng nát, không máy móc thiết bị, không vốn, không uy tín và không có thị trường.
"Vượt cạn"
Để cứu BBCC thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, một mặt ông lo sắp xếp lại tổ chức, nhân sự, một mặt tập trung thực hiện đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến nhằm đẩy mạnh năng lực và sự chủ động trong sản xuất, tạo ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao, giá thành rẻ. Đồng thời thực hiện chính sách mua bán thông thoáng, nhanh chóng và luôn giữ uy tín với khách hàng. Mọi việc khá dần lên và đúng một năm sau không chỉ trả hết nợ, BBCC đã hãnh diện công bố con số lợi nhuận 18 tỷ rưỡi. Cứ thế, qua từng năm từng tháng, DN ông phát triển dần, khôi phục uy tín, kéo khách hàng cũ trở lại và có thêm nhiều khách hàng mới, công nhân có nhiều việc để làm và thu nhập bình quân cũng tăng lên đáng kể. Với mỏ đá Tân Bản, ông chịu khó lặn lội khắp nơi để kêu gọi đầu tư và tổ chức lại sản xuất. Cũng may là vẫn còn một đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề nên khi ông tổ chức đầu tư máy móc thiết bị và kêu gọi được nhà đầu tư trang bị máy móc, thiết bị thì mọi việc bắt nhịp trở lại nhanh chóng. Và ông cùng ngần ấy con người đã làm việc miệt mài, không quản ngày đêm để khôi phục mỏ đá Tân Bản. Nhờ vào khối lượng khai thác và tiêu thụ rất lớn nên chỉ sau 3 năm số tiền nợ 32 tỷ đồng đã thanh toán hết đồng thời Cty tích luỹ được vốn để tái đầu tư, mua sắm thêm thiết bị.
Khởi sự kinh doanh trong điều kiện bình thường đã khó, doanh nhân Trịnh Hoàng Ân lại gánh trên vai cả cái nghiệp trả nợ để bước vào cuộc đua tranh trên thương trường.
|
Còn mỏ đá Thiện Tân, nhờ vào "kinh nghiệm" xử lý nợ và tháo gỡ khó khăn của những lần trước ông cũng nhanh chóng đưa mỏ đá này đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, đơn vị này cũng trả được hết nợ và mang lại hiệu quả rất cao. Riêng đối với Cty khai thác đá Đồng Nai cũ (nay là Xí nghiệp Khai thác đá Soklu), qua hơn 2 năm kể từ ngày tiếp nhận, một tay ông vừa lo chỉ đạo sửa chữa lớn và đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị; vừa lo giải quyết nợ nần, sắp xếp, bố trí lại lao động ở tất cả các công đoạn sản xuất – kinh doanh. Đến nay, xí nghiệp này đã đi vào sản xuất ổn định, đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường, tạo được việc làm thường xuyên và cải thiện thu nhập cho người lao động. Không chỉ thoát khỏi tình trạng lỗ, ngay trong tháng 11/2006, Xí nghiệp Khai thác đá Soklu có lãi 55 triệu đồng; năm 2007 xí nghiệp đạt lợi nhuận trên 4 tỷ đồng.
Khẳng định bản lĩnh
Trong năm 2008, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN chuyên ngành sản xuất VLXD nói chung và của BBCC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế lan rộng toàn cầu. BBCC đã phải nhiều lần điều chỉnh giá bán sản phẩm nhằm bù đắp được chi phí do giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là thuốc nổ khan hiếm cục bộ, nguồn cung không ổn định và liên tục tăng giá, nhiều tháng liền chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu sử dụng của DN. Bên cạnh đó, đối với vùng mỏ khai thác, khó khăn trong năm qua vẫn tập trung ở khâu đền bù, do người dân đẩy giá lên rất cao so với khung giá quy định của Nhà nước, gây trì trệ cho BBCC trong việc triển khai thực hiện các dự án mở rộng khai thác đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Các phương án sản xuất – kinh doanh được Giám đốc BBCC xây dựng ngay từ đầu năm phải liên tục được điều chỉnh mới theo kịp diễn biến của thị trường.
Đứng trước những khó khăn, thách thức sống còn đó thì bản lĩnh và năng lực quản lý, điều hành DN của Doanh nhân Trịnh Hoàng Ân- tiếp tục được khẳng định. Bằng các chiến lược sản xuất – kinh doanh quyết đoán, nhạy bén, linh hoạt và khả năng dự báo chính xác, ông đã chèo lái đưa Cty vượt qua khó khăn và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Các bạn hàng lớn, quen thuộc vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ làm ăn với đơn vị. Đồng thời, Cty đã phát triển thêm nhiều bạn hàng mới, uy tín đặt quan hệ làm ăn lâu dài với DN nhờ vào phương thức kinh doanh, mua bán linh hoạt, sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, đáp ứng tốt những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Kết quả là sản lượng đá tiêu thụ trong năm 2008 của Cty đạt trên 8 triệu khối. Hiện nay, BBCC là DN hạng I của tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của Cty được khách hàng ưa chuộng và được sử dụng nhiều ở Đồng Nai, TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và ghi dấu ấn tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia.
Con đường rộng mở
Ngay sau khi cất được gánh nợ khổng lồ, ông đã mạnh dạn đầu tư lớn trên 100 tỷ đồng vào việc trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại, công suất lớn nhằm phát triển sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, ông đầu tư mạnh vào các vùng nguyên liệu mới ở huyện Vĩnh Cửu, Long Thành và Thống Nhất, nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, lâu dài cho khách hàng và chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch di dời các mỏ đá ra khỏi nội ô thành phố Biên Hòa, giai đoạn sau năm 2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. "Hiện nay, BBCC đã đầu tư gần một trăm tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đền bù giải tỏa tại các mỏ đá mới: Thạnh Phú, Đồi Chùa, Tân Cang, Soklu (mở rộng). Dự kiến, khi các mỏ đá này chính thức đi vào hoạt động, BBCC sẽ có thêm nhiều bước phát triển vượt bậc", – ông Ân hào hứng cho biết.
Mấy năm nay, ông và cộng sự cũng dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm đẹp hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng và mang lại hiệu quả đáng kể. Ông cũng đang hướng đến việc sản xuất ra các sản phẩm thay thế những tài nguyên đang cạn dần, các sản phẩm VLXD chưa có trên thị trường để phục vụ nhu cầu xã hội… Ông dự định, trong năm 2009, sau khi thăm dò thị trường và mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu, ông sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để nhập dây chuyền sản xuất sản phẩm cát xây dựng từ nguyên liệu đá. Đây sẽ là một trong những bước đột phá mà ông mang lại cho BBCC trong thời gian sắp tới…
Những dấu ấn
* Năm 2008 BBCC đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, lãi 120 tỷ đồng, đạt 490% so với kế hoạch, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt 72,64%.
* Mức lương của CBNV làm việc tại mỏ đạt mức cao nhất trong toàn Cty, thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
* Doanh nhân Trịnh Hoàng Ân đã được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của VCCI và đạt danh hiệu Doanh nhân xuất sắc của Đồng Nai năm 2006, 2007; Doanh nhân Tâm Tài năm 2008…
|
Kim Huệ (dddn)
Bình luận (0)