Tác giả của bộ phim Người lính kèn về làng – đạo diễn Trần Quốc Huấn – đã trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ 50 phút ngày 14-9, thọ 63 tuổi, do bệnh ung thư gan. Ông ra đi để lại bao tiếc thương cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Nhắc đến đạo diễn Trần Quốc Huấn, người trong giới không thể không nhớ đến bộ phim Người lính kèn về làng, mà nói như NSND Đào Bá Sơn: “Huấn gửi nhiều tâm huyết vào phim, như chính tiếng kèn xung trận ngày ấy cứ vang lên trong tim anh hoài bão về văn thơ, nghệ thuật mang tính cầu toàn. Nay, Huấn đã về làng xưa, được cất cao tiếng kèn nghệ thuật. Tôi vẫn không tin Huấn đã ra đi vì tiếng kèn đó vẫn còn, nó thúc giục những người làm nghệ thuật phải luôn sống tử tế, đàng hoàng, xứng đáng với tình cảm của công chúng”.
Đạo diễn Trần Quốc Huấn sinh ngày 26-9-1952 tại Nam Định. Ông đến với điện ảnh rồi ra đi như cuộc dạo chơi. Năm 1969, đang theo học Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông nhập ngũ, tham gia lực lượng công an vũ trang. Đến năm 1976, ông xuất ngũ, tiếp tục học và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với nguyện vọng tiếp tục được cống hiến cho văn học nghệ thuật nên sau khi tốt nghiệp loại giỏi, ông về công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và 2 năm sau thì thi vào khóa đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Từ năm 1983 đến 1993, ông là đạo diễn của Hãng phim Truyện I. Nơi đây, ông và các đồng nghiệp đã thực hiện rất nhiều bộ phim hay, được công chúng yêu thích, trong đó có Người lính kèn về làng. Trong sự nghiệp văn chương, ông đã từng đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1987 với 3 truyện ngắn: Vùng biển thẳm, Người đi đêm không sợ ma và Bên ấy trước có người ở. Ông đã được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III.
Đạo diễn Trần Quốc Huấn. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Rời điện ảnh, ông đến với các hoạt động văn hóa. Hơn 20 năm giữ vai trò Trưởng Phòng Văn hóa Nghệ thuật Cung Văn hóa Lao động (VHLĐ) TP HCM, ông đã có nhiều sáng kiến trong việc gầy dựng sân chơi dành cho người lao động. Ông Nguyễn Huy Cận, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã xúc động: “Huấn có tài văn chương, là một đạo diễn có cá tính và luôn cầu toàn trong công việc. Anh về công tác tại Cung VHLĐ TP HCM từ năm 1993 và đã có nhiều sáng kiến trong việc tạo sân chơi bổ ích cho CNVC-LĐ TP. Hai chương trình giao lưu mang đậm dấu ấn của Huấn là Điểm tựa tài năng và Dấu chân trên lá cỏ. Huấn còn là người viết kịch bản cho nhiều lễ hội, nổi bật nhất là Lễ hội chiến thắng Đống Đa – Quang Trung hằng năm được tổ chức tại Cung VHLĐ TP HCM. Vĩnh biệt một đạo diễn tài hoa, đang ấp ủ nhiều dự án nghệ thuật. Tiếc là anh ra đi quá sớm, để lại biết bao hoài bão đẹp”.
Diễn viên điện ảnh Quyền Linh tâm sự: “Hồi đó, chương trình Điểm tựa tài năng rất được công chúng quan tâm. Tôi còn nhớ chú Huấn móc tiền túi cho tôi mua vé xe mời mẹ từ dưới quê lên tham dự chương trình vì lúc đó tôi là một diễn viên trẻ, còn nhiều khó khăn. Chú nói: “Điểm tựa của Linh chính là mẹ, ngày vinh danh điểm tựa thì phải có mặt mẹ tham dự chứ”. Nhớ đến việc làm đó của chú, tôi xúc động vô cùng. Vĩnh biệt chú, người đạo diễn, người làm văn hóa nghệ thuật có tâm với đời”.
Linh cữu của ông quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3 và sẽ được đưa đi hỏa táng lúc 14 giờ ngày 16-9 tại Bình Hưng Hòa, TP HCM. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ ông – người lính kèn mang tâm hồn thơ ca đã trở về với lòng đất mẹ.
Thanh Hiệp- NLĐ
Bình luận (0)