Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người lớn mê thành tích, trẻ em thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-12-2011, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHTTN&NĐ) của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, sau khi Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em bị giải thể (tháng 6-2008), mảng trẻ em (TE) giao về cho ngành lao động thương binh xã hội (LĐTB&XH) thì công tác chăm sóc, bảo vệ TE cũng bị yếu đi. Ông Nguyễn Văn Tuyết – Ủy viên Thường trực UBVHTTN&NĐ cho biết: “Đi giám sát thực tế tại các tỉnh, thành cho thấy còn thiếu “nhạc trưởng” về công tác chăm sóc bảo vệ TE…”.
TE bị xâm hại, bạo lực ngày càng nhiều
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, cả nước hiện có trên 1,6 triệu TE có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, có khoảng 840 TE bị xâm hại tình dục, 3,8 ngàn TE sử dụng ma túy, 15,5 ngàn TE vi phạm pháp luật…
Đại diện của Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an khẳng định: “Các vụ bạo lực và xâm hại TE hiện đang diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Trước đây, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp. Nhưng hiện nay có nhiều vụ, đặc biệt là xâm hại tình dục TE được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các em gái từ 12-16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới vài tuổi. Sau tai nạn, các em thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người. Từ đó các em thường hay nổi cáu vô cớ, muốn tự tử, dễ bị lôi cuốn vào tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, bạo lực”.
Từ năm 2008 đến 2010, toàn quốc phát hiện gần 4.000 vụ bạo hành TE; 4.353 vụ xâm hại TE, gồm 5.370 đối tượng gây án và 4.688 TE bị xâm hại. Từ đầu năm 2011 đến nay, phát hiện 1.385 vụ, 1.548 đối tượng và 1.397 TE là nạn nhân. Trong đó, giết TE – 51 vụ; hiếp dâm TE – 427 vụ; giao cấu với TE 248 vụ…
Các vụ bạo hành và xâm hại TE khiến dư luận phẫn nộ phải kể đến vụ Bùi Xuân Thuận (SN 2000) ở An Dương, Hải Phòng bị bố đẻ là Bùi Xuân Phong ngược đãi, hành hạ; vụ bố hiếp dâm con gái, chủ cơ sở sản xuất hành hạ TE gây thương tích, bảo mẫu hành hạ trẻ 3 tuổi xảy ra ở Nghệ An, Bình Dương, Cà Mau…
Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng cho biết: “Tháng 11 vừa qua, Công an huyện Điện Bàn, Quảng Nam đã xử lý nhóm thiếu niên địa phương lập blog lấy tên “Sống về đêm” và tự xưng là đàn em của Lê Văn Luyện. Nhóm gồm 7 đối tượng dưới 16 tuổi, hầu hết đã bỏ học, nhiều đối tượng đã từng vi phạm pháp luật…”.
Chỉ tại người lớn… mê thành tích
Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE; Luật Giáo dục; Luật Phòng chống, mua bán người; Luật Hôn nhân và Gia đình; Bộ luật Hình sự… quy định nhiều nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp về việc bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại TE. Ngoài ra cũng có hàng trăm văn bản dưới luật.
Tuy vậy, những vấn đề xảy ra cho TE vẫn ngày càng gia tăng về số vụ và nghiêm trọng về tính chất.
Bà Phan Thanh Minh – nguyên Trưởng phòng TE, Sở LĐTB&XH TP.HCM cho rằng: “Nguyên nhân là do người lớn mắc bệnh thành tích. Theo đó, khi sự việc xảy ra thường chỉ giải quyết nội bộ nên tính hiệu quả không cao”…
Bà Minh cho biết trong quá trình gần 30 năm làm công tác TE, đã chứng kiến nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành TE nghiêm trọng nhưng chỉ giải quyết nội bộ. Đối tượng gây hậu quả thường bị cho nghỉ việc, thậm chí chuyển công tác đi nơi khác. Và ở nơi khác, đối tượng này lại tiếp tục gây hậu quả. Còn trong gia đình, khi thấy chồng đánh con, không bà vợ nào dám lên phường, xã để thưa. Vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”…  Trong khi đó, văn bản pháp luật cũng có nhiều mâu thuẫn. Cụ thể như trong tiêu chí xây dựng phường, xã phù hợp với TE, ở nơi nào để xảy ra bạo hành hay xâm hại TE đều bị trừ điểm. Theo đó, khi có sự việc xảy ra, chính quyền địa phương thường giấu để không bị trừ điểm thi đua.
Ông Dương Văn Bá – Vụ phó Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng cho biết: “Hiện nay giáo viên rất sợ rèn học sinh. Học sinh quậy, giáo viên không dám lấy thước gõ vào tay vì sợ phụ huynh, dư luận sẽ phản ứng mạnh. Trong khi đó, có những học sinh này cần phải răn đe như vậy”.
Vâng, chỉ cần giáo viên gõ cho học sinh vài cái vào tay là nhà trường và bản thân giáo viên đó có thể bị trừ điểm thi đua.
Theo đó, các đại biểu cho rằng cần phải thành lập ban chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ TE từ Trung ương xuống địa phương. Và những văn bản “nặng” về thành tích cũng cần được sửa đổi… Có như vậy, TE mới thật sự được chăm sóc và bảo vệ
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)