Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Người lớn nên làm gương cho con trẻ”

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết người dân, các bạn trẻ đều rất ủng hộ với quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn…

Rất nhiều TNGT ở lứa tuổi vị thành niên do uống rượu bia. Ảnh: T.L

Ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia)

Theo một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe cho thấy TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9%. Đáng báo động là trong số đó có 20,8% trẻ vị thành niên nam tham gia giao thông sau khi uống rượu/bia. Theo đó, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi trong số nạn nhân bị TNGT có cồn trong máu chiếm khoảng 15%. Do đó, quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi vừa là hành động cụ thể để ngăn ngừa trẻ dưới 18 tuổi tiếp cận và sử dụng đồ uống có cồn, vừa là một trong những giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tỷ lệ TNGT do vi phạm nồng độ cồn nói chung và đặc biệt là kéo giảm tỷ lệ trẻ em bị TNGT do vi phạm nồng độ cồn gây ra.

Bà Trần Thị Nhung (chủ cửa hàng tạp hóa hẻm 618 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh)

Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này, vì gia đình tôi có con trai đang học lớp 10, lứa tuổi dễ nghe theo chúng bạn. Vả lại anh trai tôi đã mất vì chứng sơ gan do nghiện rượu trong thời gian dài nên tôi rất lo cho con. Do đó, tôi mong quy định “cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi” sẽ được thực hiện một cách sát sao, có hiệu quả, để góp phần hình thành ý thức cho các em, nhất là các em nam, giúp các em có nền tảng tốt, không sa đà bia rượu ở tuổi trưởng thành. Bản thân tôi bán tạp hóa, cũng có bán đủ các loại rượu, từ rượu đóng chai đến rượu đế (do người dân tự nấu) nhưng thường bán cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Nên theo tôi, để việc giám sát được thực hiện tốt ở quy định mới, thì các công ty, cửa hàng nên được giám sát bằng camera quan sát, người mua (trên 18 tuổi) cần có chứng minh thư để chứng minh độ tuổi. Trong trường hợp vi phạm, thì cả người bán và người mua đều bị xử phạt, chế tài. 

Em Lê Minh Tú (sinh viên năm 3 Trường ĐH Luật, TP.HCM)

Quy định “cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi” thực tế là một quy định tốt, có ích cho người trẻ. Thông qua đó, người làm luật mong muốn làm giảm tình trạng thanh niên uống rượu, tránh gây ra những hành vi tiêu cực, ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực thi sẽ không đơn giản, chỉ mang tính hình thức, và cái khó nhất là trong khâu xác định tuổi tác và nhu cầu của người sử dụng. Vì một người dưới 18 tuổi, vẫn có thể nhờ người khác đi mua rượu. Tương tự, một người dưới 18 tuổi hoặc thậm chí là trẻ em có thể đi mua rượu cho ông, cho bố mình uống chứ người mua không uống. Chưa kể, người chủ cửa hàng bán cho ai cũng được mà không bị kiểm tra, giám sát thường xuyên và thường đặt nặng về lợi nhuận hơn, có khách mua thì bán để tăng thu nhập. Do đó, nếu muốn cấm bán rượu cho trẻ ở tuổi vị thành niên, thì nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ ở hệ thống bán hàng độc quyền, tránh tình trạng tràn lan, nơi nào cũng có thể bán rượu. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, thì cả người bán và người mua đều phải bị xử phạt hành chính (gấp 10 lần giá của rượu). Nếu trẻ vị thành niên bị phát hiện mà không khai ra nơi bán thì bị phạt nặng, nếu khai nơi bán thì nên giảm mức phạt cho người mua và tăng mức phạt cho người bán để răn đe cả hai. Trong trường hợp CSGT phát hiện học sinh uống rượu, nên phối hợp với nhà trường để cảnh cáo bằng hình thức nêu tên dưới cờ, hạ hạnh kiểm để làm gương cho các bạn khác.

Cô Vũ Thị Kim Ngọc (giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, quận 9)

Tôi ủng hộ quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, vì sẽ góp phần hình thành nề nếp cho lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh cấp 3, vì đây là tuổi đã biết sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, tôi cũng thấy quy định này không khả thi vì không có “kênh giám sát” rõ ràng, và người bán có thể lách luật. Nên chăng, cần có quy định “cấm uống” chứ không chỉ là “cấm mua hay cấm bán cho người dưới 18 tuổi”. Trước mắt, theo tôi, điều quan trọng là nên dạy kỹ năng sống và xây dựng ý thức cá nhân cho các em. Trong đó, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng. Ở trường, các em cần được tuyên truyền về tác hại của rượu bia, TNGT bằng các buổi nói chuyện chuyên đề, pano, áp phích, sân khấu hóa… Và khi phát hiện trường hợp nào vi phạm, thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt, từ nhẹ đến nặng, có thể hạ bậc hạnh kiểm hoặc cấm thi nếu tái phạm nhiều lần. Bên cạnh nỗ lực của nhà trường, thì trách nhiệm của phụ huynh là cần quản lý con cái, không giao cho đi mua rượu bia, nói với con về tác hại của rượu bia để con biết mà tránh. Mặt khác, phụ huynh, thầy cô giáo cũng phải làm gương cho con em mình. Người lớn hạn chế, giữ mình… thì trẻ con theo đó mà học tập.

Bích Vân (thực hiện)

Bình luận (0)