Trẻ nhỏ rất dễ bị tai nạn, vì vậy người lớn nên thường xuyên quan tâm đến các em |
Cách đây gần 1 tuần, bé N.Q.D (2 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã tử vong tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2. Trước đó, bé bị hóc hạt đậu phộng rang dẫn đến tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau một ngày được các BS tích cực điều trị nhưng bé vẫn không thoát khỏi bàn tay tử thần.
Đây là một trong số rất nhiều tai nạn thường gặp ở trẻ em mà nguyên nhân chính là do cha mẹ sơ ý…
Những tai nạn bất ngờ
Ngày 12-8, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận bệnh nhi Ng.V.Gi.B (23 tháng tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) do bị nứt sọ và lóc da đầu dài khoảng 10cm. Theo lời kể của mẹ bé, tối 11-8, bé được ba mẹ đưa đến khu vui chơi thiếu nhi gần nhà. Trong lúc ba mẹ đang mua vé thì bé đột ngột lao vào đầu xe lửa đang chạy và bị kéo lê đi một đoạn. Ngay lập tức bé được chuyển đến BV Q.Gò Vấp sơ cứu, rồi chuyển qua BV 175, cuối cùng là BV Nhi đồng 2. Hiện tại sức khỏe của bé đã ổn định…
Tháng 6-2012, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận trường hợp bé Tr.H.L do bị ngộ độc dầu xoa bóp. Do dầu được mẹ đựng trong chai nước suối nên bé uống nhầm. “Tình trạng ngộ độc thuốc và các hóa chất do uống nhầm vì được đựng trong chai nước suối khá thường gặp. Do đó các vị phụ huynh nên để thuốc và các chất có thể gây hại khác ngoài tầm tay của trẻ, không đựng hóa chất trong chai nước suối, nước ngọt để tránh nhầm lẫn”, BS. Nguyên Anh, Khoa Cấp cứu của BV khuyên.
Trước đó, trong tháng 5, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai T.K.N (hơn 1 tháng tuổi, Q.Tân Phú) trong tình trạng suy hô hấp và rối loạn tri giác. Cách đó 2 giờ, người nhà mang bé đi tẩy lông bằng cách lấy hỗn hợp thuốc lào và trầu cau chà lên lưng bé. Khoảng 30 phút sau, bé có tình trạng gồng người, li bì và khó thở nên được đưa vào BV. Tại đây, các BS xác định bé bị ngộ độc nicotin có trong thuốc lào.
Hiện, BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho bệnh nhân Y.P.B (14 tuổi, ở Đắk Lắk). Trong khi đùa nghịch với các bạn, B. đã nuốt chuôi của bóng đèn bin. Từ đó em thường ho, thỉnh thoảng bị sốt nhưng cha mẹ chỉ mua thuốc về nhà cho uống. Mãi đến khi em bị bị đau ngực, sốt, ho nhiều nên gia đình đưa đến khám tại BV tỉnh sau đó được chuyển đến BV Nhi đồng 1. Qua xem phim X quang ngực, BS xác định có dị vật trong lòng phế quản và viêm phế quản thùy dưới phải. Sau đó em được phẫu thuật nội soi gắp dị vật ra.
Cẩn trọng với tai nạn bỏng
Đầu tháng 8, BV nhi đồng 2 tiếp nhận 2 trường hợp bị bỏng. Đó là K.B (2 tuổi), trong lúc mẹ pha nước nóng vào thau cho bé tắm, chưa kịp pha nước lạnh thì bé bước tới bên mẹ và té vào thau nước. Hậu quả là bị bỏng toàn bộ mặt, ngực, hai đùi. Trường hợp thứ hai là K.H, 12 tuổi, bị bỏng do nổ máy cắt cỏ. Theo lời kể của bệnh nhân, khi em chế xăng vào bình máy phát, trong lúc khởi động đột nhiên máy cháy và phát nổ, tỷ lệ bỏng lên đến 40%.
“Nếu trẻ bị bỏng, người nhà cần bình tĩnh, rửa hoặc ngâm vết bỏng vào nước lạnh khoảng 10-15 phút. Bỏng do hóa chất thì nên rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da. Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thảo dược không rõ nguồn gốc vì sẽ gây kích ứng vùng da đang bị tổn thương và làm nặng hơn vết bỏng. Đối với các vết bỏng nhẹ và nông, sau khi ngâm rửa với nước sạch người nhà có thể thoa cho bé các loại thuốc mỡ dùng trong bỏng như dầu mù u, biafine, silvirin, sau đó băng lại với gạc sạch để giúp vết bỏng mau lành. Trường hợp bé quá đau có thể cho uống thuốc giảm đau paracetamol với liều 10-15mg/kg trước khi đưa đến cơ sở y tế. Với các vết bỏng sâu bắt buộc phải nhập viện để nhân viên y tế điều trị”, BS. Trương Anh Mậu, BV Nhi đồng 2 cho biết.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)