- 1 Người mang niềm vui cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn
BS.CKI Lê Thiện Kim Hào là một trong những bác sĩ “mát tay” trong việc điều trị hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam. Trong suốt 11 năm làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, bác sĩ Hào đã giúp hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn “có tin vui”.

Nối nghiệp gia đình
BS.CKI Lê Thiện Kim Hào là một trong những tên tuổi bác sĩ uy tín trong lĩnh vực sản phụ khoa tại TP.HCM. Với sự tận tâm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, bác sĩ Hào đã mang đến nhiều niềm vui hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha mẹ.
Chia sẻ về cơ duyên đến với sản khoa hiếm muộn, bác sĩ Hào cho biết anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là bác sĩ y học cổ truyền, thế nhưng vì bận rộn nên bố mẹ gửi anh cho bà ngoại chăm nuôi. Khi ấy, bà mong muốn cháu trai trở thành bác sĩ, nối nghiệp gia đình nhưng anh vẫn còn ham chơi và chưa từng nghĩ đến chuyện học y. Đến năm anh học lớp 4 thì bà ngoại bị tai biến. Khi ấy, anh mới nhận ra ý nghĩa thiêng liêng cao cả của ngành y. Từ đó “hạt giống” đam mê y khoa bắt đầu “nảy mầm” trong bác sĩ Hào, nhất là khi chứng kiến bố anh tận tụy chăm sóc bà tại nhà.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, bác sĩ Hào đậu cả trường Bách khoa và Y Dược TP.HCM nhưng anh vẫn quyết định chọn trường y, theo đuổi con đường khám chữa bệnh như mong muốn của bản thân và tâm nguyện của bà ngày trước.
Khi bước vào những năm cuối, đặc biệt là năm thứ sáu, nam bác sĩ dần yêu thích ngành sản phụ khoa – lĩnh vực kết hợp giữa chẩn đoán và phẫu thuật. Sau khi ra trường, anh về làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ và hoàn thành chương trình chuyên khoa I. Nhờ làm việc tại bệnh viện sản lớn của TP.HCM, bác sĩ Hào được tiếp xúc, điều trị nhiều ca khó, từ đó tay nghề nhanh chóng được nâng cao.
Không chỉ là một bác sĩ tận tâm, bác sĩ Hào còn không ngừng cập nhật những tiến bộ y học mới nhất để nâng cao kỹ năng và kiến thức. Đối với bác sĩ Hào, định nghĩa “mát tay” trong chữa bệnh có nghĩa bác sĩ phải đánh đổi bằng hàng giờ nghiên cứu, trau dồi kiến thức điều trị. Mỗi ngày anh đều thức dậy từ 3-4 giờ sáng để đọc sách trước khi bắt đầu công việc khám chữa bệnh.

Đằng sau những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc của các đôi vợ chồng hiếm muộn là cả những giọt mồ hôi xen lẫn áp lực mà anh phải đối mặt. Áp lực đầu tiên của bác sĩ Hào tại bệnh viện chuyên sản phụ khoa lớn nhất TP.HCM đó là cường độ làm việc cao. Theo nam bác sĩ, một buổi sáng anh có thể thực hiện 4-5 ca phẫu thuật liên tục, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi.
Những tình huống không quên
Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ Hào còn phải đối diện với áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, nhất là trong những trường hợp không như mong muốn. Nhiều gia đình còn tỏ thái độ gay gắt với bác sĩ vì không chấp nhận kết quả không may. Trong những tình huống như thế, bác sĩ Hào vẫn cố gắng giải thích để bệnh nhân và người nhà hiểu rằng mọi quyết định đưa ra đều dựa trên lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.
Một trong những tình huống người nhà phản ứng quá khích mà bác sĩ Hào gặp phải đó là trường hợp một nữ bệnh nhân mắc ung thư vú. Căn bệnh này khiến cơ thể bệnh nhân không có nội tiết sinh sản và việc lấy trứng cũng là cả một vấn đề. Bởi để lấy trứng người bình thường thì chỉ cần tiêm trứng lớn lên, nhưng đối với bệnh nhân ung thư vú thì không thể chích nhưng vẫn phải làm sao để trứng lớn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân không lấy trứng thì sau khi điều trị ung thư sẽ bị suy buồng trứng, mất cơ hội làm mẹ.
Với sự tận tâm và trình độ chuyên môn cao, bác sĩ Lê Thiện Kim Hào không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn trong và ngoài nước tin tưởng. |
Bác sĩ Hào tư vấn bệnh nhân lấy trứng và để người em họ mang thai hộ nhưng vấp phải nhiều phản ứng của người nhà vì lo lắng bệnh tình nguy hiểm. Song đến cuối cùng, gia đình bệnh nhân đồng ý thực hiện và cũng được lên chức làm cha mẹ như bao người khác. Bác sĩ Hào cho biết: “Một số nơi không làm nhưng ung thư vú chưa chắc do gen di truyền nên cần xác định lại. Có thể bệnh nhân bị đột biến ở đời bệnh nhân nên họ vẫn có thể có con. Vì vậy sau khi lấy trứng thì bệnh nhân nộp hồ sơ xin cấp phép để em họ mang thai hộ vì lý do nhân đạo, về gen thì vẫn của bệnh nhân và ông xã”.
Thêm một ca bác sĩ Hào ấn tượng là phát hiện bệnh lý tim tiềm ẩn của một thai phụ. Cụ thể, khi đo nhịp tim thai, bác sĩ Hào phát hiện nhịp tim của người mẹ có dấu hiệu bất thường như người mệt mỏi khó thở, trong khi thực tế bệnh nhân vẫn thở bình thường.
Nhận thấy dấu hiệu lạ, bác sĩ Hào lập tức cho thai phụ siêu âm tim và kết quả rối loạn nhịp tim, huyết khối nằm ngay tâm nhĩ tim. Theo bác sĩ Hào, những trường hợp như vậy có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm, đặc biệt ngay sau khi sinh. Vì khi sản phụ sinh con, huyết động sẽ bị xáo trộn, bởi lượng máu sản phụ nhiều hơn người bình thường 4 lít nên toàn bộ tuần hoàn, từ phía ngoại biên co bóp kéo máu về tim. Tuy nhiên trong lúc đó huyết khối gây cản trở dẫn đến những trường hợp đột tử sau sinh. Ngoài ra sản phụ bị rối loạn nhịp tim nên cũng sẽ khó gắng sức để sinh thường. Do đó, đây là trường hợp rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột tử sau sinh nếu không được xử lý kịp thời. Sau khi được bác sĩ Hào phát hiện tình trạng bệnh, thai phụ được tiêm kháng đông vào ngày hôm sau và mổ lấy em bé trong điều kiện an toàn nhất có thể.
Song song đó, bác sĩ Hào còn gặp phải những áp lực tâm lý từ phía các cặp đôi hiếm muộn, nhất là những người chồng. Bởi nhiều trường hợp hiếm muộn không phải vì người vợ mà xuất phát từ người chồng. Nhiều người chồng không chấp nhận thông tin này nên tỏ thái độ giận dữ. Với những trường hợp như vậy, bác sĩ Hào phải gọi điện, gặp gỡ nói chuyện riêng để chia sẻ, giải thích cho người chồng hiểu và hợp tác để người vợ có cơ hội làm mẹ.
Minh Châu
Bình luận (0)