Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người may áo cho Bác lúc đi xa

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng ông Mịch sống hạnh phúc tuổi già. Ảnh: V.Yên

“Trong vòng 3 năm, từ ngày làm Giám đốc Xí nghiệp May X10 đến khi làm lãnh đạo Công ty Gốm sứ Hải Dương, tui vinh dự được 3 lần gặp Bác Hồ”, ông Trần Mịch, nguyên Giám đốc Công ty May 10 – người được giao nhiệm vụ may bộ áo quần Bác mặc hiện tại rưng rưng nhớ lại.

93 tuổi, trí nhớ của người Giám đốc Công ty May 10 năm xưa có lẫn lộn đôi chút nhưng kí ức của ông về những lần được gặp Bác Hồ thì không thể phai mờ. Ông Mịch nói về Bác bằng tấm lòng trân trọng mà giản dị: “Lần đầu Bác đến thăm bất ngờ quá. Tui được đi bên Bác thấy lòng vui sướng lắm. Bác thăm hỏi, động viên ân cần như người cha vậy”.

Từ việc “đánh tráo” bộ áo quần của Bác

Ông Mịch sinh ra và lớn lên ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Năm 1948, ông là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Trà My. Tháng 5-1950, ông được điều ra Bắc làm Tiểu đoàn trưởng thuộc Cục Quân nhu, phụ trách Xí nghiệp X10 đóng tại Phú Thọ. Đây là xí nghiệp may. Sau đó xí nghiệp được đổi tên thành Công ty May 10. Ông Mịch kể: Hồi đó xí nghiệp có 600 công nhân. Phong trào thi đua, không kể ngày đêm, giờ giấc của xí nghiệp có tên “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh”. Theo đó, anh chị em nào đạt năng suất cao được cắm cờ đỏ lên đầu máy may. Với nỗ lực quyết tâm đó, X10 đạt nhiều thành tích xuất sắc. “Nỗ lực ấy đã đem lại niềm tự hào cho xí nghiệp. Đó là ngày 8-1-1959, xí nghiệp được vinh dự đón Bác Hồ về thăm”, ông Mịch nói.

“Cũng trong lần Bác về thăm ấy, tui thấy bộ quần áo kaki Bác mặc đã ngả màu cũ nên trước khi tiễn Bác, tui gặp riêng ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Người) để trình bày nguyện vọng may biếu Bác bộ áo quần mới. Nhưng hôm đó anh Kỳ từ chối vì Bác vốn giản dị. Nói thế chứ tui vẫn tiếp tục quyết định chọn ra các thợ giỏi nhất để may áo quần biếu Bác. Một tuần sau đó, xí nghiệp gửi biếu Bác”, ông Mịch kể, “Sau này tui nghe ông Kỳ kể lại, nhận được quà Bác rất vui nhưng Bác không dùng mà lại gửi về cho xí nghiệp để làm phần thưởng cho anh em lao động xuất sắc. Cũng từ món quà của Bác mà phong trào thi đua của xí nghiệp có nhiều bước vượt trội”. Đến năm 1961, công ty (lúc này xí nghiệp đã được nâng thành công ty – PV) thêm một lần vinh dự đón Bác.

Một thời gian sau, khi biết Bác sắp đi công tác ở nước ngoài, ông Mịch đã cùng ông Vũ Kỳ “tương kế, tựu kế” may một bộ đồ giống y hệt bộ đồ Bác đang mặc. “Hồi ấy khâu chọn vải may áo quần cho Bác công phu lắm, tui phải mất rất nhiều thời gian mới chọn được vải rồi nghĩ ra cách giặt ủi thật nhiều lần, cúc áo cũng phải loại cũ để Bác không nghi ngờ. Thế mà lúc đi công tác ở Indonesia, Bác đã phát hiện ra và nói với ông Vũ Kỳ là “Chú Kỳ! Bộ quần áo này không phải của Bác”. Không thể giấu Bác, lúc ấy ông Vũ Kỳ mới “thú nhận” đó là ý của mình cùng ông Trần Mịch. Bác vui vẻ nhận quà biếu từ tấm lòng chân thành và dặn dò thêm: “Mình phải tiết kiệm, dân mình còn nghèo lắm!””, ông Mịch nhớ lại.

“Mỗi lần Bác về thăm đều bất ngờ lắm. Bác về thăm là đi quan sát, kiểm tra đủ mọi nơi trong nhà máy. Sau đó Bác họp với Ban Giám đốc, gợi ý những việc cần chỉnh sửa, động viên, cổ vũ tinh thần anh em rất chân tình và ấm áp. Không ai trong số chúng tôi thấy Bác xa cách, mà phong thái giản dị như người cha”, bà Thuyền, vợ ông Mịch, cũng là một cán bộ Công ty May 10 cho biết.

Đến may áo quần cho Người đi xa

Ông Mịch bảo, cuộc đời của ông sống đến ngần ấy tuổi với 3 lần vinh dự gặp vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc, thế là quá đủ, quá hạnh phúc. “Đầu năm 1962, tui được điều động làm Giám đốc Nhà máy sứ Hải Dương. Ở đây, tui cùng anh em thi đua đem lại thành quả tốt. Một năm sau đó, nhà máy lại vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Nghe tin Bác về thăm mà lòng cứ rưng rưng khó tả lắm. Mừng vì chỉ 3 năm mà tui được gặp Bác đến 3 lần”, ông Mịch bùi ngùi nhớ lại.

Bác Hồ về thăm Xí nghiệp May 10 năm 1959 (ông Trần Mịch đứng cạnh Bác – ảnh tư liệu)

Ít lâu sau khi nhà máy gốm sứ ăn nên làm ra, ông Mịch lại quay về Công ty May 10. “Có nằm mơ, thuở thiếu niên mình cũng không nghĩ là đời tui sẽ gắn với nghiệp may. Nhưng chính cái bước ngoặt bất ngờ ấy mang lại cho tui nhiều kỷ niệm khó quên nhất”, ông Mịch bộc bạch. Năm 1969, Bác mất, ông Mịch và hai người thợ tài hoa của Công ty May 10 được giao nhiệm vụ may bộ quần áo để Bác mặc yên nghỉ trong lăng. “Nghe tin Bác Hồ qua đời, cả cơ quan ai cũng khóc. Nhưng nhận nhiệm vụ, tui cố gạt nỗi buồn để tiến hành tìm mẫu vải, thiết kế bộ đồ cho Bác”, ông Mịch lau giọt nước mắt đục ngầu lăn dài trên gò má. Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Bộ áo quần ấy tui cùng đồng nghiệp chọn cho Bác là vải kaki màu vàng, cúc làm bằng nhựa để đảm bảo độ bền khi Bác ngủ trong lăng. May xong, tui trực tiếp đem đến Văn phòng Trung ương Đảng giao. Hôm ấy, ôm bộ áo quần Bác trong tay mà xúc động lắm. Đến bây giờ đã mấy chục năm trôi qua, cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn”. Cùng với việc nhận nhiệm vụ may áo quần cho Bác, Công ty May 10 ngày ấy còn đảm nhận may hàng triệu lá cờ, đủ kích cỡ để phục vụ tang lễ Bác.

Phan Vĩnh Yên

Gia tài là những câu chuyện về Bác

Trong ngôi nhà nhỏ bên góc đường Thái Phiên (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), ông Mịch sống hạnh phúc cùng người vợ, người đồng nghiệp tại Công ty May 10 ngày ấy, tên là Nguyễn Thị Thuyền. Ngôi nhà nhỏ khá khiêm tốn với tổng diện tích vài chục mét vuông. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà sống vui bằng những câu chuyện hài hước và kỷ niệm về những ngày cùng nhau hăng say lao động ở Công ty May 10. Gia tài của ông bà là những bức ảnh cũ về Bác, tấm huy hiệu có in chữ nổi Hồ Chí Minh bằng đồng và những câu chuyện về Bác cứ nối dài mãi giữa cuộc sống hiện tại. Ông Mịch bảo, mỗi câu chuyện của Bác là một bài học về lẽ sống ở đời, không bao giờ cũ.

 

Bình luận (0)