Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Người máy “Asimo Việt Nam”

Tạp Chí Giáo Dục

Khá giống người máy Asimo của Nhật, nhưng người máy cứu hộ hầm lò (LVT2) của Hoàng Duy Khánh, học sinh Trường THPT Lương Văn Tri (Lạng Sơn), lại có ưu điểm khác biệt là khả năng tự đu mình lên xuống dễ dàng và cẩu được vật nặng có trọng lượng tối đa 40 kg.

Sản phẩm này vừa được trao huy chương vàng Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ quốc tế 2013 tại Malaysia.
Hoàng Duy Khánh bên chú robot cứu hộ hầm lò – Ảnh: K.Ngọc.

Mùa hè sáng tạo

Những hình ảnh thương tâm về vụ sập hầm lò khiến nhiều công nhân thương vong cứ ám ảnh trong tâm trí cậu bé Hoàng Duy Khánh. Mùa hè 2012, thay vì cùng bạn bè đi học thêm, đá bóng, Hoàng Duy Khánh bắt tay vào thực hiện chế tạo người máy (robot) cứu hộ.
“Mình nghĩ đây là thời gian thích hợp nhất để biến ý tưởng thành hiện thực. Mình coi đây là “công trình” để lại dấu ấn kỷ niệm tuổi học trò, vì nay mai lo thi cử, rồi vào đại học chắc sẽ khó có cơ hội để thực hiện. Bố mẹ và thầy giáo hoàn toàn ủng hộ mình và tài trợ 30 triệu đồng”, Khánh cho biết.
Từ Lạng Sơn, Khánh lặn lội xuống chợ trời (Hà Nội) tìm đồ cũ. Thấy cậu học trò nhà quê lớ ngớ, tay bán hàng “chém đẹp” động cơ 10 triệu đồng. Khánh kể: “Thật không may, động cơ quá cũ nên chạy ì ạch rồi tắt ngóm. Lần thứ 2, lại gặp rủi ro, động cơ mua về vẫn không tương thích, chỉ một thời gian lại cháy chập. Vậy là 2/3 số tiền được tài trợ đi tong, tiếc đứt cả ruột. Rút kinh nghiệm, mình tìm tài liệu tham khảo, quyết không để bị lừa thêm lần nữa. May mắn, mình đã chọn được động cơ phù hợp để làm chú robot cao 1m nặng 40 kg, trông như một cậu bé 4-5 tuổi”.
Công trình được hoàn thành trong vòng 1 tháng, mô phỏng theo hoạt động của công nhân cứu hộ hầm lò. Đầu robot có bóng đèn, tượng trưng cho mắt có thể giúp robot hoạt động dễ dàng trong bóng tối. Bên cạnh đó, robot còn có khả năng cử động, cầm, nắm, di chuyển bình thường, hoặc có thể làm một số việc thay thế con người ở môi trường độc hại. Đánh giá cao tính thực tiễn, robot cứu hộ hầm lò được trao giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn; đồng thời gửi sản phẩm dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc. Tuy nhiên, sản phẩm dự thi của Khánh bị nhiều người chê cồng kềnh, di chuyển nặng nề, độ ồn quá to nên chỉ về nhì. Dù sao, với Khánh đó là bất ngờ vì đây là giải thưởng lớn đầu tiên trong đời và quan trọng hơn là ước mơ thành nhà sáng chế ngày nào đã bước đầu thành hiện thực.
Sản phẩm… vàng
Những tưởng sau giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc, robot cứu hộ của Khánh sẽ dừng bước chinh phục giải thưởng. Nhưng bất ngờ lại đến với cậu học trò Hoàng Duy Khánh, khi sản phẩm được trao huy chương vàng Cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế năm 2013 tại Malaysia.
Đặc biệt, ngoài những khả năng cử động cầm nắm di chuyển bình thường hay làm việc thay thế con người ở môi trường độc hại, chú robot này còn được đánh giá cao bởi khả năng tự đu mình lên xuống dễ dàng và cẩu được vật nặng có trọng lượng tối đa 40 kg nhờ một máy tời mini gắn sau lưng. Hai cánh tay hoạt động đồng thời, có thể nâng được đồ vật có trọng lượng gần 7 kg. Đây là điều khác biệt chưa từng có ở bất kỳ sản phẩm người máy nào.
“Mình muốn làm ra những robot có thể thay thế con người làm công việc nặng nhọc, để các chú công nhân có thời gian nghỉ ngơi, giảm bớt mệt nhọc, công việc trong môi trường độc hại. Mình không nghĩ sản phẩm được lựa chọn tham gia cuộc thi này, bởi vận chuyển khối máy móc cồng kềnh nặng 40 kg ra nước ngoài là điều chưa từng có trong tiền lệ, càng không nghĩ sản phẩm lại đoạt giải cao. Mình rất vui khi được các bạn quốc tế khen robot giống người máy Asimo”, Khánh bộc bạch.
Vẫn là ý tưởng đến từ đời thường, Khánh còn sáng chế ra máy gieo hạt mi ni phù hợp canh tác, trồng trọt ở miền núi, vùng cao. Sản phẩm cũng được trao giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2011.
Theo lời tác giả, nếu đưa vào sản xuất, giá thành chiếc máy gieo hạt chỉ dưới 3,2 triệu đồng. Các hộ gia đình dễ dàng mua được một chiếc máy trồng được 4 loại hạt giống như: đỗ tương, đỗ xanh, ngô, lạc, vừa thay thế sức người, vừa rút ngắn thời gian gieo trồng.
Khánh chia sẻ những giải thưởng đã giành được là động lực để cậu tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, mùa hè này, Khánh đã đăng ký thi vào Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo Hải Bình
Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)