Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người máy, người tình kiêm kẻ hủy diệt

Tạp Chí Giáo Dục

Kịch ''Búp bê'' của Việt Nam và phim ''Kẻ kiến tạo'' của Mỹ đều đề cập những khả năng mới của AI (trí tuệ nhân tạo). Trong các tác phẩm này, AI không chỉ thành người tình lý tưởng mà còn thừa sức lãnh đạo con người.

Người tình AI

Búp bê phiên bản Luc Team thường được nhắc tới nhờ trường đoạn mây mưa dễ phải chiếm đến 1/4 thời lượng, xem không bị giả mà cũng không bị tục. Chắc hẳn các nghệ sĩ phải lao tâm khổ tứ nhiều cho màn này, vì nó có nhiều động tác vừa giống xiếc vừa như… tập tạ, lại phải thoại sao cho hổn hển mà vẫn rõ lời. Thực ra còn một cuộc chăn gối nam- nam nữa nhưng chắc tác giả biết khán giả chưa sẵn sàng thấy nó trên sân khấu.

Búp bê đánh dấu lần đầu tiên Trần Lực kết hợp với Lê Hoàng. Dù đoàn kịch của Trần Lực đã gây dựng được thanh thế nhất định, nhưng dù sao một kịch bản của tác giả đương đại cũng sẽ có sức hút hơn những lần dựng bi kịch cổ Hy Lạp hay Quẫn (1960) của Lộng Chương.

Kịch bản Búp bê động tới hai mảng đề tài đều có khả năng gây tò mò: AI và tình yêu đồng tính. Con người vẫn băn khoăn hoặc tự vạch ra những rào cản về giới tính. Tất nhiên với AI chuyện đó không thành vấn đề. Chỉ cần chuyển chế độ là nhân tình AI sẽ “chuẩn thẳng” hay “chuẩn cong”, làm vừa ý bất cứ đối tác nào.

Khi con người đưa tất cả những đặc tính, kiến thức, kỹ năng, cảm xúc… của mình vào AI, nó giống như “gửi trứng cho ác”. Nhưng mặt khác nó cũng tựa sự chuyển giao “thế hệ” kế cận tiếp quản Trái Đất. Nhất là khi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt đe dọa dần thu hẹp sự hiện diện của con người.

Ý tưởng hấp dẫn của kịch bản Búp bê mở ra nhiều hướng đi để câu chuyện phát triển éo le hơn, ly kỳ hơn. Nhưng như thế nó dễ lại phá vỡ khuôn khổ của sân khấu, nhất lại là ước lệ và tối giản. Hẳn là vì vậy nên tác giả phải đốt cháy giai đoạn dẫn đến việc nhân vật tự bóc trần quá sớm. Có lẽ những hướng phát triển thú vị (kiểu AI chăn dắt, thuần hóa con người) sẽ hợp với phim hơn.

Hồi kết của vở kịch không có gì đột phá. Nó vẫn có tính chất dạy dỗ và tiếp tục khoét hố sâu ngăn cách giữa con người và sản phẩm con người tạo ra. Phần vĩ thanh muốn ngụ ý con người chẳng qua cũng là một loại AI chất lượng thấp. Vậy bước tiến hóa tiếp theo hẳn là nên thêm nhiều phần AI vào người (!).

Do tự giới hạn phương tiện để chuyển tải một ý đồ lớn hơn thế nên sức hấp dẫn của Búp bê bị giảm sút, dù phần đầu thú vị và đầy hứa hẹn. Vở kịch vẫn mang bóng dáng luận đề, khơi gợi những suy ngẫm trong khán giả hơn là khiến cho họ cảm thấy đã về cốt truyện. Nhưng Lê Hoàng còn có sức hút ở khả năng viết thoại hài hước và cũng thâm thúy. Phong cách, diễn xuất của Luc Team khiến cho Búp bê vẫn duyên dáng, khác biệt và đáng xem vào thời điểm này.

Cứ cho là con người là sản phẩm của “Thượng Đế”, khi con người truyền hết tinh hoa của mình vào AI, AI gần với Thượng Đế hơn cả con ngườì? Chưa kể so với con người, AI gần như bất tử. Và sẽ ra sao nếu AI tự tiến hóa hoặc đồng hóa con người vào nó?

Nấc tiến hóa mới
Người máy, người tình kiêm kẻ hủy diệt ảnh 1
Trong Kẻ kiến tạo, số người bỏ phiếu đòi bình quyền cho AI có vẻ đang thắng thế

AI là một nấc thang tiến hóa mới của nhân loại – tuyên bố của một bà nông dân Thái Lan trong phim Kẻ kiến tạo (The Creator) của đạo diễn Gareth Edwards. Trong phim, năm 2065, một nửa Trái Đất công nhận người máy là đồng loại, nửa còn lại thì không (dù vẫn âm thầm nghiên cứu AI) và hai bên đánh nhau chí chết.

Phần đầu phim nhắc tới thuyết người thông minh (Homo sapiens) đã phũ phàng đánh bật người Neanderthal khỏi dòng chảy tiến hóa, như một sự ám chỉ rằng AI rồi đây cũng sẽ phế truất con người. Cũng có thể hiểu rằng, lúc này con người so với AI cũng chẳng khác gì người vượn so với người vậy! Phim diễn tả một thời kỳ quá độ và cuối phim người máy tối tân nhất cũng đã được tôn lên làm lãnh đạo tối cao của Châu Á Mới. Rồi chẳng mấy chốc sẽ tới Thế Giới Mới – nơi con người không có cửa..

Người máy, người tình kiêm kẻ hủy diệt ảnh 2
Búp bê không chuyển cảnh, diễn viên diễn trên một mặt sàn duy nhất

AI trong Kẻ kiến tạo ăn uống như người. Phim chưa cho thấy AI đẻ, nhưng nó hoàn toàn có thể lắp ráp ra con cái hoặc một phiên bản của chính mình. Tức là một AI có khả năng sẽ không bao giờ chết, nhưng cũng thừa sức “tự tắt” tức tự sát.

Vì kịch bản nhiều chỗ thô vụng nên tôi ngờ rằng Kẻ kiến tạo có sự tham gia chấp bút của AI cũng nên (!). Và nó được làm ra không ngoài mục đích thuyết phục đằng nào con người cũng thua trắng trong trận chiến với AI? Phim “nguy hiểm” ở chỗ làm cho khán giả bỗng dưng thấy mình đứng về phía AI, đau xót cho những cỗ máy giả dạng người, hay người trong lốt máy chả biết… Vì trong tương lai mà phim chỉ ra thì ngay cả một chiếc USB cũng có thể chuyên chở toàn bộ thân phận của chúng ta.

Thông qua những huyễn tưởng về AI, con người đang ngờ rằng mình cũng chính là một dạng AI được “ai đó” tạo ra rồi tung xuống Trái Đất. Đồng thời con người cũng đang tỏ ra háo hức vì mình có vẻ lại sắp nắm trong tay vai trò “Kẻ kiến tạo”, dù sau đó có phải nhường hẳn sàn diễn cho sản phẩm mình tạo ra cũng cam lòng.

Theo N.M.HÀ/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)