Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người mẹ có 4 con trai thành đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Chi Nguyễn Thị Kim Long trong chuyến về thăm tỉnh Bến Tre

Trong ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Kim Long ở đường Lê Văn Thuật, TP. Vinh (Nghệ An) có treo một bức ảnh lớn chụp cả gia đình ngày họp mặt. Đứng cạnh chị không ai khác là 4 cậu con trai mà một mình chị chăm sóc từ ngày còn ẵm ngửa. Điều hạnh phúc nhất là đến bây giờ cả 4 người con của chị đều rất thành đạt bằng con đường học vấn của chính mình.
Làm tròn việc nước việc nhà
Tôi được làm quen với chị Kim Long tại buổi họp mặt truyền thống của đoàn cán bộ Ban tuyên huấn khu ủy Khu 8 Trung Nam bộ được tổ chức ở Bến Tre giữa năm 2009. Nhờ bác Đỗ Tấn Huỳnh – một cựu tù đảo Phú Quốc – giới thiệu, tôi mới biết người phụ nữ nhỏ nhắn có giọng nói miền Trung là vợ của anh Ba Quý – một cán bộ giáo dục của Ban tuyên giáo TW. Sáu năm nay từ khi anh Quý mất mỗi lần nhận được thư mời của Ban liên lạc, chị Long lại một mình khăn gói mua vé tàu vào Nam dự lễ họp mặt truyền thống. Để được ngồi nghe kể lại những câu chuyện một mình thay chồng nuôi con ăn học, tôi đã hẹn chị một cuộc gặp ngắn ngủi ở Sài Gòn – nơi chị ghé thăm vợ chồng đứa cháu nhà ở trên con đường nhỏ sau chợ Tân Bình.
… Năm 1962, cô gái thợ xây Nguyễn Thị Kim Long đã làm lễ cưới với người cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Quý. Đó cũng là năm anh Quý có giấy báo vào học Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An. Vừa đi làm vừa dành tiền cho chồng “dùi mài kinh sử” nhưng chị rất vui vì coi đó là hạnh phúc của một người vợ trẻ. Ngay cả khi có thai đứa con đầu lòng chị vẫn không rời giàn giáo và theo đơn vị đi khắp nơi để xây thêm những công trình mới. Năm 1964, chiến tranh của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Trong danh sách những thanh niên TP. Vinh tình nguyện vào Nam chiến đấu, bạn bè ngạc nhiên khi thấy tên của thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Quý. Biết Quý đã có gia đình và cháu Nguyễn Thành Vinh mới được một tuổi rưỡi nên nhà trường “thăm dò” ý kiến người vợ. Sau đó nhờ lá đơn tình nguyện của chị Long mà anh được đứng vào hàng ngũ quân đội chờ ngày có mệnh lệnh vào Nam.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ quá ngắn ngủi, thế nhưng càng nhớ chồng và để anh yên tâm vững bước mà đi chị đành phải gạt hạnh phúc riêng sang một bên, lòng dặn lòng cố gắng nuôi con cho tốt. Mỗi lần nghe câu hát: “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người yêu, việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu em vẫn làm tròn, anh cứ ra đi” chị thấy đó như lời động viên không chỉ cho người ngoài mặt trận mà cho cả chính mình. Là công nhân xây dựng nếu một thân một mình thì muốn đi đâu cũng được, nhưng đằng này 2 mẹ con chị không còn chỗ dựa từ người chồng, nội ngoại đều ở xa nên vất vả trăm bề. Anh đi rồi nên không biết chị mang thai lần thứ 2 và đó cũng là bắt đầu thời kỳ gian truân của 3 mẹ con chị. Không như lần đầu chị sinh cháu Vinh có chồng và ông bà ở bên cạnh, mọi việc không phải lo gì hết nhưng lần sinh cháu Tâm chị còn theo công trình ở Đô Lương qua Thanh Chương, Nghĩa Đàn… nên tự mình phục vụ cho mình. “Sinh được vài ngày tôi phải xuống giường nấu ăn, giặt đồ. Ở vùng núi nên giếng nước rất sâu gần cả chục mét, mỗi lần kéo gàu lên mệt lả người, hai tai ù cả. Nhiều người thấy vậy rất sợ, họ phải ra can ngăn”. Đó là câu chuyện mà chị Long nhớ nhất của những ngày “đi biển mồ côi một mình”.
Niềm tự hào của người mẹ    
Nhưng theo chị kể khổ nhất là những ngày nuôi con ở bệnh viện, thằng anh lớn bị sởi, đứa em sau tiêu chảy, một mình chị chở 2 đứa con lên bệnh viện thui thủi, nhiều người còn tưởng chị không có chồng (?). Đêm về, trên giường bệnh mẹ nằm ở giữa dỗ được đứa lớn xong thì quay qua ru đứa nhỏ, có hôm thức suốt đêm, chợp mắt một chút thì trời đã sáng. Nhưng theo chị vất vả nhất là thời gian 2 cháu đến tuổi đi học, mẹ đi xây ở đâu thì 2 con phải theo tới đó, có năm phải chuyển trường tới 2 lần. May mắn là 2 cậu con trai ít mê chơi, đều chăm học nên chữ nghĩa không hề bị “rơi rụng” khi đổi lớp chuyển trường.
Năm 1975, vợ chồng chị được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc chung của đất nước. Vài năm sau chị lại sinh thêm cho anh 2 cậu con trai nữa. Những vất vả của chị dù được người chồng san sẻ bớt nhưng khi đàn con đã lớn họ lại phải lo chuyện học hành cho con cái. Lúc này “hậu phương” và “tiền tuyến” cùng chung sức nên cả mấy đứa con của họ đều có nhiều chiến công trên “mặt trận” học tập. Nhiều năm liền là học sinh giỏi của 3 cấp học. Năm 1982, cậu con trai lớn Nguyễn Thành Vinh đậu cả 2 trường đại học và sau đó trở thành sinh viên của Trường Sĩ quan hậu cần ở Sơn Tây. “Nối gót” người anh, ba năm sau Nguyễn Thành Tâm cũng đem niềm vui về cho bố mẹ khi trở thành tân sinh viên của Trường Sĩ quan hậu cần. Ra trường cả 2 con chị đều trở về quê hương Nghệ An phục vụ trong quân đội. Hơn mười năm sau hai cậu em Nguyễn Thành Chung và Nguyễn Thành Thủy cũng không hổ thẹn với 2 anh trai của mình khi đậu vào Trường ĐH KHXH-NV và ĐH KH Tự nhiên.
Trong chuyến đi về Nghệ An, tôi được chị Long mời đến nhà chơi và rất may mắn gặp người con trai cả Nguyễn Thành Vinh (Giám đốc khách sạn thương mại Nghệ An) là một doanh nhân năng động và thành đạt. Biết tôi cuối tuần ra Thủ Đô, chị Long còn cho số điện thoại để gặp anh Nguyễn Thành Chung – Trưởng văn phòng đại diện của Sở Thương mại Nghệ An tại Hà Nội và cậu út Nguyễn Thành Thủy đang làm việc tại Công ty Mobifone (Hà Nội).
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)