Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Người mẹ của những “mầm non” núi rừng ĐăkLa

Tạp Chí Giáo Dục

Không có gạo để góp cho con ăn bữa trưa ở trường, nhiều phụ huynh đành đem rau cỏ, bầu bí, khoai, sắn đến. Và để có bữa ăn tốt hơn cho học trò, cô giáo Y Thách mang những đồ ấy ra chợ bán, đổi lấy trứng thịt.
Đó chỉ là một trong rất nhiều những việc làm mà cô Y Thách, người dân tộc Bana, giáo viên trường Mầm non Thủy Tiên, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã làm vì những học trò thân yêu của mình.
Cô giáo Y Thách tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ V ngày 21/10/2010.
Cú sốc ngày đầu tiên lên bục giảng
Lớn lên trong cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên từ nhỏ, Y Thách đã ước mơ trở thành giáo viên. Cô theo học lớp sơ cấp sư phạm và được phân công về dạy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã ĐăkLa Gia Lai – Kon Tum (nay là xã Đăk la, huyện ĐăkHà, tỉnh Kom Tum).
Y Thách tâm sự, đến giờ cô vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu tiên đến trường trong vai trò cô giáo với biết bao nhiệt huyết. Bài giảng đầu tiên ấy, cô đã chuẩn bị rất kỹ, vừa đi đến trường, vừa vui sướng khi ước mơ nghề giáo đã trở thành sự thật, vừa hồi hộp chờ mong những ánh mắt học trò.
Nhưng vừa bước chân vào lớp, tất cả những nhiệt huyết, hứng khởi ấy lập tức vụt tắt bởi trước mắt cô là một hình ảnh không ngờ tới: không có một học sinh nào. Không gian trống hoác, chỉ có bàn, ghế và cô đứng trơ trọi một mình.
Những buổi học không học sinh cứ tiếp diễn, hai lần, ba lần, và nhiều hơn nữa.
Thực trạng đáng buồn ấy có lúc đã khiến Y Thách nản lòng. Nhưng rồi với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cô đã lặn lội tới từng nếp nhà để vận động bà con cho trẻ tới trường. Ban ngày đến lớp thấy học sinh nào vắng là tối ấy, Y Thách lụi cụi đạp xe đến nhà em đó để tìm hiểu nguyên nhân, động viên phụ huynh.
Người miền núi thường có thói quen địu con lên nương, Y Thách phải tỉ tê trò chuyện để họ nhận thấy việc cho con đi học vừa đỡ vất vả, con được đảm bảo sức khỏe lại vừa được học chữ.
Những lớp học của cô vì thế đông dần lên.
Có học sinh, nhưng một khó khăn nữa là cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, phải thay đổi địa điểm học liên tục. Đồ dùng phục vụ học tập hầu như là con số không. Vì thế, để trẻ thích đến trường, Y Thách đã tận dụng mọi dụng cụ phế thải để làm đồ chơi cho các bé như xâu chuỗi bằng nắp chai, lấy gỗ vụn làm nhà rông, xe, đàn tơ rưng…
Giấc mơ lớp bán trú
Năm 1992, Y Thách được phân công về dạy ngay tại điểm trường làng Kon Tum Knâm, nơi cô sinh ra và lớn lên. Ở đây, duy trì sĩ số học sinh cũng là một bài toán khó không khác gì ĐăkLa.
Rẫy ở xa, người dân đi nương ở luôn đó từ sáng tới tối hoặc vài ngày mới về. Nếu cho con đi học, trưa họ phải đi đón con về, nấu cơm cho con ăn và chiều đưa con tới trường, nghĩa là phải bỏ luôn nương rẫy. Là người con của mảnh đất này nên Y Thách rất hiểu điều đó. Ý tưởng về một ngôi trường bán trú hình thành trong cô.
Và để có lớp bán trú cho các bé, cô đến gặp trực tiếp già làng, thôn trưởng, họp cha mẹ trẻ, huy động mọi người trong thôn góp sức lao động, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ cho trẻ như chén, bát, xoong nồi, chăn, chiếu…
Cha mẹ trẻ chỉ đóng góp ngày một lon gạo, trong đó nửa lon để nấu cơm, cháo, nửa lon đổi lấy thực phẩm để đảm bảo bữa ăn cho các cháu đủ dinh dưỡng.
Quy định là vậy, nhưng không phải hộ gia đình nào cũng có được ngày một lon gạo để đóng cho con. Để duy trì được lớp, Y Thách đã vận động bà con, nếu không có gạo có thể thay thế bằng những sản phẩm nhà có được. Vậy là lúc trái bí, khi quả bầu, lúc củ mì… Những thứ này không để được lâu nên cô lại lụi cụi đem ra chợ đổi lấy trứng, thịt cho các cháu.
Đã có bếp ăn, nhưng nấu như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng, với số tiền hạn hẹp ấy phải tính làm sao cho hợp lý nhất lại là một bài toán được đặt ra với Y Thách. Cô giải bài toán ấy bằng cách đi học tại chức Trung cấp Sư phạm Mầm non vào buổi tối.
Lên lớp, lo duy trì sĩ số, vận động phụ huynh, lo bếp ăn bán trú, đi học… Với rất nhiều công việc như thế nên hầu như ngày nào cũng phải sau 21 giờ Y Thách mới có mặt ở nhà. “Mệt, vất vả nhưng tôi cảm thấy vui vì các cháu đi học đều đặn, ngoan, khỏe, tăng cân đều đặn.Từ 35 cháu ban đầu, số trẻ học bán trú ở thôn đã tăng lên 70 cháu, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%,” Y Thách chia sẻ.
Điểm trường mầm non Kon Tum Knâm đã trở thành mô hình bán trú tiêu biểu và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những nỗ lực không ngừng của Y Thách không chỉ mang lại hạnh phúc đến trường cho các bé ở ngôi làng nhỏ của cô mà còn ở rất nhiều nơi khác nữa.
Công việc ở trường chồng chất, nhưng Y Thách còn phải lo cuộc sống gia đình, cùng chồng làm nương rẫy, chăm sóc cho 5 người con ăn học. Cô chùng giọng sẻ chia: “Lắm lúc, những khó khăn đời thường của cuộc sống gia đình cũng đã khiến tôi phân tâm. Nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ và mong ước góp phần giúp dân làng bớt khổ đã giúp tôi vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.”
Hiện hai người con của cô đã lập gia đình, hai con học đại học và một người học cao đẳng.
Tháng 11/2008, Y Thách vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Và sáng nay, ngày 21/20/2010, cô là một trong ba cá nhân tiêu biểu nhất được đọc tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ V được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Nhìn người phụ nữ dân tộc Bana ấy với làn da nâu sạm, đôi bàn tay gầy guộc chai sần, những nếp nhăn của tuổi 50 đã hằn rõ trên khuôn mặt mới hiểu cô đã rất vất vả để hoàn thành xuất sắc vai trò người mẹ, người thầy cả trong gia đình và trường học. Người phụ nữ ấy đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục mầm non dân tộc thiểu số.
Theo Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)