Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người mẹ của trẻ khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Ngô Thị Quyền, cô giáo tận tâm với nghề ở xã đảo Tam Hải (Quảng Nam) và trở thành 'người mẹ thứ hai' của những đứa trẻ khuyết tật, xứng đáng nhận nhiều lời khen ngợi trong Ngày người khuyết tật VN 18.4.
Theo chuyến phà qua sông tìm đến xã đảo Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam), chúng tôi còn phải men theo con đường mòn mới đến được trường mầm non Sao Biển. Ở đó, hình ảnh cô giáo Ngô Thị Quyền (30 tuổi) đã trở nên thân thuộc với những đưa trẻ kém may mắn sau vài năm gắn bó. Lúc chúng tôi đến, chị đang tận tình giúp học trò “nhận biết” những con vật xung quanh…
Cô Quyền đang hướng dẫn học trò kém may mắn /// Ảnh: Mạnh Cường

Cô Quyền đang hướng dẫn học trò kém may mắn – Ảnh: Mạnh Cường

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, chị Quyền xin về xã đảo công tác tại Trường Sao Biển. Những ngày đầu, nhìn đâu cũng thấy thiếu hụt, nhất là trang thiết bị và mô hình dạy học. Để có dụng cụ phục vụ giảng dạy và đô chơi, nhiều giáo viên ở trường đã quyên góp tiền để mua. Lúc ấy giờ, xã đảo Tam Hải chưa có trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, nhiều em không có cơ hội đến trường. Vì vậy, cứ sau giờ lên lớp, cô Quyền đến từng nhà để vận động. Thoạt đầu, nhiều gia đình còn e dè, bảo con mình “thiếu thốn” cả những kỹ năng tối thiểu, tâm sinh lý cũng thất thường và sợ… làm ảnh hưởng đến cô giáo, bạn bè. Họ nghĩ thật đơn giản: Ở nhà, cả cha mẹ và anh chị em tập trung chăm sóc, để mắt trông chừng mà còn không “quản” nổi, thì mỗi một cô giáo làm sao dạy cho được?
Rốt cuộc, cô Quyền vẫn thuyết phục được phụ huynh cho trẻ đi “học thử”. Nhưng để trẻ khuyết tật chịu đi học đã khó một, thì dạy cho trẻ lại khó mười. “Đa phần các em không nhận thức được mọi thứ xung quanh, nên nhiều lúc sơ ý là có em… đập đầu vào tường. Dạy trẻ thiểu năng trí tuệ khó gấp ngàn lần trẻ bình thường. Vì muốn nhận biết được một vật hay mặt chữ nào đó, mình phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần các em mới nhớ”, cô Quyền cười bảo.
Không chỉ giúp trẻ khuyết tật “tiếp cận” con chữ, cô Quyền cùng nhiều giáo viên khác đã góp khoản tiền nhỏ để đóng học phí cho các em. Mỗi dịp lễ tết, các cô còn nghĩ chuyện bán hoa gây quỹ để đỡ đần những trẻ có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo ở xã đảo. Mà ở xã đảo, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên để bán được hoa gây quỹ không dễ dàng. Vì thế, cô Quyền theo phà qua những xã lân cận để bán… Sự năng nổ của cô Quyền khiến đồng nghiệp thêm tin yêu. “Là một giáo viên có tâm với nghề, cô Quyền được nhiều phụ huynh và đồng nghiệp quý mến. Với các em học sinh nơi đây, cô Quyền là người mẹ thứ hai”, cô Ngô Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Biển nhìn nhận.

Mạnh Cường (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)