Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người mẹ góa và những đứa con mồ côi

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Lưu Phụng Nữ (bìa phải)

Trong lúc các con đang tuổi ăn tuổi lớn thì chồng mất, gánh nặng gia đình đặt hết lên vai chị. Đã có lúc chị muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến sáu đứa con sẽ phải bơ vơ giữa sóng gió cuộc đời chị lại gắng gượng. Rồi hạnh phúc đã đến với chị khi các con khôn lớn…
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh  
Năm 1995, chị Lưu Phụng Nữ dành hết vốn liếng mở một cửa hàng vật liệu xây dựng. Việc làm ăn của chị vừa bắt đầu có lãi thì chồng chị được phát hiện mắc bệnh ung thư gan, xuất huyết dạ dày. Bỏ hết công việc, chị khăn gói vào bệnh viện nuôi chồng. Mỗi lần thấy chồng ngất xỉu hay ói ra máu, lòng chị lại quặn thắt. Tiền bạc trong nhà đội nón ra đi theo thời gian chồng chị nằm viện. Nhà hết tiền, chị mượn tiền hàng xóm để chữa chạy cho chồng. Thế nhưng sức khỏe người chồng mỗi ngày một xấu, một năm sau thì anh qua đời. Chị trở thành một quả phụ khi mới 35 tuổi. Nhìn chị vật vã bên xác chồng, lúc đó không ai nghĩ chị sẽ đứng dậy nổi.
Chị Nữ nghẹn ngào kể: “Gia đình tôi lúc ấy lâm vào tình cảnh thật khó khăn. Các cháu còn quá nhỏ, chỉ một mình tôi đứng ra chèo chống con thuyền gia đình, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi”.
Nhìn đàn con thơ dại, chị nghĩ không biết rồi đây chúng sẽ như thế nào nhưng chắc chắn là cực khổ hơn nhiều. Như hiểu được nỗi lòng của người mẹ, sáu đứa con chị càng cố gắng học hành dù thiếu thốn mọi bề. Ngoài việc đến trường, những đứa con lớn giúp mẹ bán hàng, bỏ mối ở các chợ, còn mấy đứa nhỏ lo cơm nước, việc nhà.
Do làm việc quá sức, ăn uống kham khổ nên chị liên tục bị ngất xỉu. Có đợt chị còn phải vào viện. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị bị huyết áp thấp và bướu nội. Tin sét đánh khiến chị ngã quỵ, nếu chị nằm viện nhà cửa, con cái ai lo. Nhưng nếu cứ gắng gượng, bệnh tình sẽ nặng thêm, lỡ chuyện xấu xảy ra… “Các con đã mất cha, giờ mà mất mẹ, làm sao chúng sống”, nghĩ vậy nên chị quyết định lên bàn mổ. Sau lần đó, kinh tế gia đình suy sụp hẳn. 
Hạnh phúc đã mỉm cười 
Và hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình chị, khi Phát thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1997. Một năm sau, đến lượt Huỳnh Kim Dung (đứa con thứ 2) ghi tên vào “bảng vàng” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hai năm sau, Huỳnh Tuấn Hải (đứa con thứ 3) cũng trúng tuyển vào Khoa Tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…
Gặp chị tại ngôi nhà số 141 Âu Cơ (P.14, Q.10), tôi phần nào hiểu được sự vĩ đại của một người mẹ. Tuy học hành không bằng người khác nhưng chị Nữ lại rất quý chữ nghĩa: “Tôi là con trong một gia đình lao động người Hoa chỉ có một mong muốn là các con ăn học thành tài, sống hòa thuận và thương yêu lẫn nhau, có thể tự chăm lo cuộc sống sau này cho mình”.
Từ năm 2006 đến nay, năm nào gia đình chị Nữ cũng được bình chọn là Gia đình hiếu học. Sắp tới chị sẽ đại diện cho quận đi báo cáo điển hình tại Đại hội Gia đình hiếu học cấp TP lần 3 (tổ chức vào ngày 15-4).
Bây giờ cả 6 người con của chị đã có việc làm ổn định, có vị trí nhất định trong xã hội. Chị khoe: “Cháu Dung làm việc ở Công ty Du lịch Chợ Lớn, cháu Nga làm tại Công ty Văn phòng phẩm Đỉnh Cao, cháu Hải là giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Hai cháu Cảnh và Giang sau khi tốt nghiệp cao đẳng cũng đang theo học liên thông đại học ngành du lịch và tin học. Cháu Phát đang theo học tiếng Đài Loan để tìm việc làm tốt hơn”.
Bà con trong phường và khu phố không chỉ cảm phục chị mà còn quý mến những đứa con của chị – bởi chúng biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)