Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người “mê” kể chuyện Bác Hồ

Tạp Chí Giáo Dục

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt bên hình ảnh, tư liệu về Bác

Đó là cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư chi bộ khu phố 4, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Sau lần được gặp Bác, với hình ảnh đời thường giản dị của Bác, bà nung nấu ý nguyện sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác. Ở tuổi 71, bà vẫn ngày đêm âm thầm làm công việc này và dành nhiều thời gian kể chuyện về Bác Hồ cho mọi đối tượng.
Thời oanh liệt
Sinh ra tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, 12 tuổi Nguyệt đã tham gia kháng chiến. Năm 1954, Nguyệt tập kết ra Bắc, học tại Trường Học sinh miền Nam – Hải Phòng. Năm 1959, nghe tin Bác về thăm Trường Học sinh miền Nam. Hôm ấy, Nguyệt đứng đợi ở cổng trường để chờ xe chở Bác tới, khi xe đến nơi, Nguyệt mở cửa xe, ôm lấy Bác và kéo Bác về phía khán đài. Hình ảnh giản dị, đời thường của Bác đã in sâu vào trong tâm trí của Nguyệt cho đến ngày hôm nay. Được sang Liên Xô học hệ sư phạm (khóa 1962-1966), ngành thể dục thể thao với chuyên môn cơ thể học, xoa bóp thể dục thể thao kết hợp với dinh dưỡng. Về nước năm 1966, bà dạy hệ trung cấp văn hóa – thể thao của Trường ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh. Đến năm 1969, bà chuyển công tác sang Trường Huấn luyện kỹ thuật đào tạo vận động viên quốc gia. Sau đó chuyển sang làm công tác đào tạo ở Tổng cục Thể dục thể thao.
Hai tay nâng niu lá thư của Bác mà bà đã gìn giữ gần 50 năm nay, nước mắt chực trào trên khóe mắt. Bà nói: “Tôi ghi nhớ tất cả những gì Bác dặn dò, mỗi câu nói của Bác là một bài học lớn. Nhớ lời dạy ấy, tôi cố gắng học tập tốt, sau khi về nước là tôi bắt tay vào việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác mong rằng “để sau này con cháu có cái hay mà học””. Từ những thành công trong thực hành xoa bóp khi còn học ở Liên Xô, thời gian này (khi đã về nước), bà đã đầu tư cho công trình nghiên cứu “Phòng bệnh bằng phương pháp xoa bóp ở lứa tuổi nhũ nhi”. Cũng trong năm 1966, ngay sau khi cầm được giấy chứng nhận kết hôn về thì nghe còi hụ báo phải xuống hầm ẩn nấp. Sau một đêm, chồng đi đằng chồng vợ đi đằng vợ. Mất một năm sơ tán, hai vợ chồng bà mới được gặp nhau.
Ít ai ngờ rằng, từ một người lính ở chiến trường miền Đông Nam bộ, bị sốt rét rừng kinh niên mà trở thành một vận động viên bóng chuyền quốc gia. Đó cũng chính là cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt. Bà Nguyệt từng là huấn luyện viên đội bóng chuyền nam Quân đoàn 4, có nhiều thế hệ học trò thành danh và hiện là đội ngũ chủ lực trong việc đưa bóng chuyền nước nhà cọ xát với các nước trong khu vực và thế giới. Trở lại Sài Gòn năm 1975, bà là một trong những người thành lập Trường Thể dục thể thao phía Nam.
Chiến sĩ thời bình
Bà Nguyệt nói giọng sang sảng, còn nguyên vẻ khí phách hiên ngang, anh dũng một thời: “Tôi đi họp 395 buổi/ năm, bận rộn với các công việc: Bí thư chi bộ hưu trí đường phố; Trưởng ban vận động khu dân cư; ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ phường, Ban chấp hành Hội Khuyến học phường, Ban chấp hành Mặt trận phường; Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí của Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch… chưa kể những công việc ở khu phố như Chủ nhiệm CLB Văn hóa nghệ thuật, CLB Ông bà cháu…”. Bận rộn là thế nhưng đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần bà dành thời gian để đọc các mẩu chuyện về Bác cho nhiều đối tượng, từ các cháu thiếu nhi, chị em phụ nữ đến cán bộ hưu trí trên địa bàn phường nghe. Bà Nguyệt tâm sự: “Chính nhờ vào những mẩu chuyện đời thường của Bác tôi kể lại mà đã cảm hóa được rất nhiều con người, từ xấu thành tốt, quên đi sân si trong cuộc sống”. Kể từ năm 2001, trong các cuộc họp chi bộ, bà Nguyệt chủ động nêu vấn đề học tập theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã được nhiều đảng viên tán thành. Đến năm 2007, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được bà triển khai sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Đời sống văn hóa trong khu phố cũng như trên địa bàn phường vốn phức tạp, tập trung nhiều tệ nạn đã ngày càng văn minh, tiến bộ nhờ vào sự quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ của bà Nguyệt.
Kinh tế gia đình tương đối khá giả, hai con (một trai, một gái) đã có gia đình và thành đạt. Ngày ngày bà Nguyệt còn đi gom nhặt ve chai bán lấy tiền giúp người nghèo. Nghe ở đâu có gia đình bất hòa, con cái hư hỏng… là bà tất tả đến tìm hiểu, động viên và khuyên bảo. Không chỉ thế, hàng tháng, với số tiền tiết kiệm được, bà xin theo những chuyến xe đến thăm con em trong phường đang cai nghiện ma túy ở Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông… Bà Nguyệt hào hứng nói: “Mỗi chuyến đi, thời gian rất ngắn ngủi nhưng tôi cũng tranh thủ kể chuyện về Bác cho các em, các cháu nghe. Có đứa “nghiện” tôi kể chuyện về Bác mà quên ma túy, trở về với một con người hoàn toàn khác, vui lắm”.
Công trình nghiên cứu “Phòng bệnh bằng phương pháp xoa bóp ở lứa tuổi nhũ nhi” của bà Nguyệt là tài liệu quý trên 40 năm thực hành và nghiên cứu, hiện nay bà đã gửi tặng cho Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Trưng Vương.
Dù chỉ có đôi lần về thăm quê Bác nhưng mỗi chuyến đi, bà thu thập rất nhiều tư liệu, hình ảnh về Bác. Sau hơn 30 năm, bà Nguyệt đã sưu tầm hơn 6.000 mẩu chuyện và lưu giữ trên 1.600 bức ảnh Bác Hồ rồi đóng thành tập rất cẩn thận theo từng chủ đề, sự kiện, hoàn cảnh ra đời… Bà Nguyệt nói: “Tôi đã đọc gần 19 ngàn trang viết của trên 3 ngàn bài của các tác giả viết về Bác nên gặp bất kỳ tình huống nào tôi cũng có thể nói và làm bằng chuyện của Bác”. Có thể nói, đây là một công việc hết sức kỳ công, mất rất nhiều thời gian mà không phải ai cũng làm được. Đó là những tài liệu quý báu để bà dạy lại cho từng đối tượng ở địa phương trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân các ngày lễ lớn như 22-12; 30-4… kết hợp với những chủ đề thực hành tiết kiệm, Trường Mầm non Cô Giang thường mời bà Nguyệt đến kể chuyện Bác Hồ cho các cháu nghe. Qua những mẩu chuyện về tiết kiệm của Bác, các cháu biết tiết kiệm và ngoan hơn. Bà Nguyệt tâm sự: “Được kể chuyện về Bác cho các cháu nghe, tôi hãnh diện lắm. Những câu hỏi ngây thơ của trẻ về Bác càng làm tôi yêu công việc này hơn”.
Qua những câu chuyện, việc làm của Bác không chỉ giúp người ta sống tốt hơn mà bà còn truyền cho mọi người lòng kính yêu vô bờ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Công việc lặng thầm mang nhiều ý nghĩa thanh cao của bà để lại bài học quý cho muôn đời sau.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)