“Nghe tin con đạt giải nhì môn hóa quốc gia, mấy đêm nay tui không ngủ. Phần mừng con đỗ đạt, phần khác lại lo con đường phía trước còn quá dài, khi hai đứa con gái đang theo học đại học, còn cháu út thì sang năm cũng tốt nghiệp THPT… ước chi có phép mầu nào đó để con an tâm đến trường”, bà Trần Thị Phượng, mẹ của em Nguyễn Đình Sáng (lớp 11, học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn Đông Hà, Quảng Trị) bộc bạch.
Bà Phượng bảo, những tấm giấy khen của con là động lực giúp bà vượt qua mọi khó khăn |
Hoa xương rồng trên cát
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của mẹ con bà Trần Thị Phượng, ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) rộn ràng hẳn lên bởi bà con chòm xóm ghé thăm, chúc mừng cậu út Nguyễn Đình Sáng vừa đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bà Phượng đi vào, đi ra như quên cả cơn đau vì bệnh cột sống và cao huyết áp đang hành hạ. Bà bảo: “Cái tin con đạt giải khiến tui mừng, quên hết cả mệt nhọc. Trước đây vì hoàn cảnh nghèo, suýt chút nữa tui đã cản không cho cháu vào thành phố học…”. Năm Sáng lên lớp 8 thì bố qua đời, hai người chị gái đầu đang theo học đại học nên ngoài giờ học trên lớp, Sáng phải phụ mẹ kiếm sống. Cứ tầm tờ mờ sáng, em lại đạp xe dọc quốc lộ 1A, trên chặng đường dài ngót 5 cây số để nhặt những vỏ lon nước mà các xe khách ném xuống vệ đường để kiếm thêm thu nhập trước khi đến lớp. Rồi những buổi ngoài giờ học, em lại phải phụ mẹ làm việc đồng áng. Năm tốt nghiệp lớp 9, Sáng xin mẹ thi vào Trường chuyên Lê Quý Đôn nhưng lúc đó nhà nghèo, mẹ của em sau nhiều lần khuyên can con nên chọn trường huyện để đỡ chi phí cũng đành gật đầu đồng ý bởi Sáng năn nỉ: “Mẹ chỉ cho con thử sức mình xem có đỗ không thôi!”. Lần thi thử sức đó, Sáng không chỉ đỗ mà còn đỗ thủ khoa chuyên hóa.
Sáng kể, suốt 2 năm theo học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, và cả những năm học THCS trước đó, em không có điều kiện nên chưa hề đi học thêm môn nào. Nhà cũng không có máy tính, không có nhiều tiền mua sách nên việc học chủ yếu nhờ nghe thầy cô giảng trên lớp, luyện tập thêm ở tài liệu thầy cô cho. Thời gian học chủ yếu là ban đêm. Bà Phượng thường xuyên ốm đau, nên mọi việc nặng nhọc dường như phải nhờ đến cậu út. Thương mẹ, dù trường cách nhà gần chục cây số nhưng Sáng không ở trọ kí túc xá mà sau mỗi buổi học lại tất tả về nhà để đỡ đần và chăm sóc mẹ. Sáng cho biết: “Nghe tin đạt giải nhì môn hóa, em rất bất ngờ và vui sướng. Vì sau 3 buổi hoàn thành bài thi, em không nghĩ mình sẽ đạt giải”. Hỏi Sáng bí quyết nào giúp em học giỏi, Sáng cười hiền: “Có lẽ do cuộc sống khó nghèo quá, muốn có công ăn việc làm ổn định để đỡ vất vả thì buộc phải gắng học thôi. Tranh thủ được giờ nào học giờ đó”.
Ước mong cho con
11 năm đến trường, Nguyễn Đình Sáng chưa hề học thêm vẫn đạt thành tích đáng nể |
Bà Phượng quả quyết: “Cuộc sống dù rất khó khăn nhưng thấy các con chăm ngoan học giỏi cũng an ủi được phần nào. Trước mắt ráng được chừng nào hay chừng ấy, thiếu hụt thì vay mượn thêm, chỉ mong sao các con được học hành đến nơi đến chốn để có tương lai tươi sáng hơn đời mẹ”. |
Không khó để tìm đến ngôi nhà của mẹ con bà Phượng ở làng Trúc Lâm – nơi mảnh đất được biết đến với tứ bề là cát trắng và một thuở đầy rẫy đạn bom sau chiến tranh. Bà Phượng buồn buồn kể lại: “Năm cháu Sáng lên lớp 8 thì bố cháu đột ngột qua đời sau một cơn đau nặng. Gánh nặng gia đình với một nách 4 đứa con đang tuổi ăn học dồn lên vai tui. Thời điểm đó đứa con gái thứ 2 vừa nhận giấy báo đỗ đại học. Không thể để con vừa mất cha nay lại thất học, tui đành gượng dậy động viên các con đến trường”. Một mình bà Phượng gượng dậy giữa nỗi đau nuôi con ăn học. Rồi năm trước, đứa con gái thứ 3 là Nguyễn Thị Sương đỗ Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhà càng thêm neo người làm. “Nhà làm được 4 sào ruộng, những công việc nặng tui không làm nổi đều chờ thằng Sáng tan học về phụ. Vườn nhà trồng thêm được mấy luống khoai, đậu lạc và nuôi thêm con heo, con gà… tích cóp lại được đồng nào gửi cho hai cháu học ở TP.HCM cả. Thiếu thì đành vay mượn thêm”, bà Phượng kể. Thương mẹ, các con bà đều chăm ngoan, học giỏi. Đứa con gái thứ 2 tên Nguyễn Thị Châu hiện đã học tới năm thứ 4 Trường ĐH Luật TP.HCM, nhưng Tết vừa qua là cái Tết đầu tiên cháu được về nhà, nhờ chiếc vé của chuyến xe nghĩa tình hỗ trợ sinh viên nghèo. Việc theo học đại học của cả Châu và Sương là một sự nỗ lực lớn. Ngoài đồng tiền mẹ chắt bóp gửi được, hai chị em còn phải ở lại đi làm thêm để kiếm sống. Việc về quê vào dịp hè, Tết đối với các em là ước mơ xa vời.
Hôm tôi đến, bà Phượng đang trở bệnh đau cột sống. Cậu út Nguyễn Đình Sáng vừa tranh thủ giúp mẹ cắt rau khoai vừa trông mẹ đang bệnh. Hỏi cậu dự định sau khi tốt nghiệp THPT, Sáng cười hiền: “Em cũng rất muốn vào ngành y để sau này có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho mẹ”. Ngồi cạnh con, bà Phượng buồn buồn: “Hai cháu Sương và Châu đang học, rồi sang năm cháu Sáng cũng vào đại học. Nợ nần vay mượn để trang trải cho các con cũng đã lên đến mấy chục triệu đồng rồi. Nếu cháu Sáng theo vào đại học nữa, chưa biết lấy gì cho con đi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)