Chiều nay tôi đưa con trai đi tiêm phòng sởi – rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí. Vừa bế con từ phòng tiêm ra tới sân của trạm y tế thị trấn, tôi thấy một cô bé chừng học lớp 4, lớp 5 đang dỗ em trai khóc chắc là vì đau do mới tiêm xong. Nhìn từ xa thấy cảnh đó ai cũng xúc động vì cô bé chỉ mới 10 tuổi mà đã biết thay mẹ chăm em. Nhưng khi lại gần, tôi thật sự bất ngờ khi nghe cô bé nói: “Nín đi em! Ừ, chị biết rồi, mấy bà mất dạy đó tiêm em đau lắm phải không? Để chị đánh mấy bà mất dạy đó đã tiêm làm em đau(?). Mặc dù có người lớn đứng bên cạnh nhưng cô bé vẫn không thôi dỗ dành với câu nói thiếu văn hóa đó. Nghe đến lần thứ 3 chịu không được, tôi đành lên tiếng: “Cháu nói thế không được, em cháu sẽ học theo cách nói của cháu đó. Sao cháu lại nói như vậy?”. Tôi giải thích rằng bác sĩ chích thuốc là vì sức khỏe của em cháu. Sao lại có sự quên ơn nhanh thế? Lúc này cả hai đứa trẻ mới nhìn lên. Điều ngạc nhiên là người mẹ đứng cạnh đấy cứ đứng im như tượng gỗ, không nói câu gì mà thờ ơ cứ để con gái dỗ em bằng “điệp khúc” khó nghe đó. Đáng lý ra là người lớn và với vai trò người mẹ, chị ta cấm không cho con nói điều như thế.
Thực tế cũng đã cho thấy nhiều người có cách dỗ dành trẻ em hơi quái đản. Con không chịu ăn cơm lại dọa mai cho đi nhà trẻ. Họ coi nhà trẻ là “ông ngáo ộp” để hù dọa thì làm sao trẻ yêu trường được. Không uống thuốc thì gọi bác sĩ đến chích cho đau…
Trẻ con là “bản sao” của người lớn. Chẳng trách nhiều đứa trẻ mới bập bẹ học nói lại có những lời lẽ đáng xấu hổ như cô bé kia. Cách giáo dục là tùy thuộc ở chúng ta. Và kết quả thu được là cũng tùy thuộc vào chúng ta.
Phan Quốc Thanh (Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh)
Bình luận (0)