Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Người mẹ thứ hai” của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Hồ Tịnh Văn và cô Trần Thị Như Mai

Xa mảnh đất Hồng Lĩnh thân thương đã hơn 18 năm nhưng trái tim tôi vẫn chưa một lần quên nơi đã cho tôi những kỉ niệm êm đềm cũng như hương vị ngọt ngào nhất của một thời ấu thơ. Bởi nơi ấy, tôi có nhiều kỷ niệm với cô giáo cũ Trần Thị Như Mai. 25 năm rồi, tôi vẫn nhớ hình bóng cô yêu, ánh mắt thân thương trìu mến của cô vẫn mãi theo tôi đến suốt cuộc đời. Có thể nói, cô Như Mai là “người mẹ thứ hai” đã chắp cánh cho tôi thực hiện ước mơ trở thành cô giáo như hiện nay. Ngày đó, cô Như Mai về Trường cấp II Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh đã thổi vào ngôi trường bé nhỏ của tôi một luồng không khí mới, xua tan sự ảm đạm của ngôi trường nghèo nàn bằng tranh tre nhờ đóng góp của phụ huynh. Với dáng người tầm thước, ánh mắt sáng thông minh, dịu êm khi nở nụ cười, cô dạy lớp 6B của tôi môn địa lí kiêm công tác Tổng phụ trách Đội. Tôi là một cô bé năng động nên lúc nào cũng được phụ trách văn nghệ chi đội lớp. Những buổi tập huấn công tác Đội, lúc nào tôi cũng đi sớm để đến nhà chơi với con cô và giúp đỡ cô bởi chồng cô lái xe đường xa nên thường xuyên xa nhà. Cô là Tổng phụ trách mà cứ y như mẹ của chúng tôi vậy. Tôi thích nhất là mỗi lần chúng tôi chuẩn bị nghi thức diễu hành chào mừng Ngày 20-11. Hiệu lệnh của cô tất cả đều bằng còi, cô quy định thổi một tiếng là nghiêm, hai tiếng là quay phải, hai tiếng nữa quay trái, ba tiếng là phía đằng sau quay… Tất cả cứ thế là làm, thế mà đội hình đội ngũ đâu vào đấy, răm rắp, ngay hàng thẳng lối như quân đội. Cô nói rất ít, chủ yếu hiệu lệnh, điều đó tạo cho chúng tôi sự phản xạ có điều kiện, bắt nhịp rất nhanh và nghiêm túc thực hiện giúp nề nếp của trường lúc nào cũng nằm trong vị trí nhất toàn thị xã. Cô Như Mai lúc vào công việc luôn nhẹ nhàng nhưng rất dứt khoát nên chúng tôi rất yêu phong cách của cô. Cô chưa bao giờ nặng lời với học sinh, chỉ hay xoa đầu và dặn: “Đất nước mình còn nghèo lắm, gia đình các con cũng nhiều khó khăn, các con chăm chỉ học sau này thành tài, xây dựng đất nước mình thêm giàu mạnh, quê hương mình thoát nghèo, thoát cảnh lạc hậu các con nhé!”. Ba năm liền làm công tác Đội được tiếp xúc gần gũi với cô, trong lòng tôi dường như đã có một quyết tâm sau này sẽ là một cô giáo tốt như cô Như Mai để bao thế hệ học trò tin yêu và ngưỡng mộ. Cô tôi sau đó lên làm Phó Hiệu trưởng rồi Phó phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh, cô được Chủ tịch nước và Công đoàn ngành giáo dục tặng bằng khen cao quý, cô vẫn ấm áp gần gũi như người mẹ hiền thuở nào… Giờ đây, tôi đã là cô giáo, hơn 15 năm đứng trên bục giảng, tôi luôn hết mình vì các học trò yêu quý của tôi. Tôi thường nói với các em: “Mỗi em là một viên ngọc quý, ngọc càng mài càng sáng, vì vậy cô sẽ luôn mài giũa các em bằng đạo đức nhà giáo, kiến thức, phương pháp vững vàng và luôn khơi gợi cho các em lòng yêu môn ngữ văn ngày một nhiều hơn”. Ngoài dạy kiến thức, tôi còn dạy cho các em kỹ năng sống, kỹ năng phản biện, kỹ năng thuyết trình, đóng kịch… cho các em vốn kiến thức toàn diện mai sau bước vào đời. Mỗi lần nhìn học trò trìu mến, tôi lại nhớ đến ánh mắt cô Như Mai nhìn tôi thuở nào…

M.NGUYÊN

(Ghi theo lời kể của cô giáo Hồ Tịnh Văn – Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người mẹ thứ hai của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

Tình thương của mẹ nuôi còn hơn cả ruột thịt (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: TH.LÊ

Tôi xin viết những dòng này để tặng mẹ nuôi tôi, người tuy không sinh ra tôi nhưng đã nuôi dưỡng tôi trong thời điểm khó khăn nhất. Ngày ấy, bố mẹ ruột của tôi đều là người ngoài Bắc chuyển công tác đến Bệnh viện Quân y trong Pleiku. Khi sinh ra tôi, bố thì đi học trong Đà Nẵng, còn mẹ vừa đi làm vừa chăm sóc tôi. Ngày bé, tôi còi cọc và ốm yếu nên bố mẹ tôi càng lận đận nhiều. Đến năm hai tuổi, bố mẹ quyết định gửi tôi về quê ở với người bác ruột – chính là mẹ nuôi của tôi. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn. Nhà đông người, có những bữa cơm phải độn ngô, độn khoai hay đôi khi là độn củ sắn, miếng bột sắn được hấp trên vung nồi nóng nghi ngút khói. Vậy mà tôi vẫn được nhường phần cơm trắng tinh. Tôi bắt đầu đi học, mẹ nuôi cũng là người chỉ bảo tôi học hành mỗi ngày. Tôi thuận tay trái nên hay cầm bút viết bằng tay trái, mẹ nuôi lại phải kiên trì rèn cho đến khi tôi viết được tay phải mới thôi. Tháng ngày thơ bé của tôi cứ thế lớn lên trong sự nuôi dưỡng, yêu thương của mẹ nuôi và mọi người trong gia đình. Vài năm sau, bố mẹ ruột tôi chuyển ra ngoài Bắc sinh sống và công tác tại Viện Quân y ở một huyện của tỉnh Hà Giang. Tôi sống cùng mẹ nuôi cho đến khi học lớp 6 thì về ở hẳn với bố mẹ ruột, nhưng vẫn thường xuyên về thăm mẹ nuôi. 10 năm trôi qua, tôi trở thành một sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học. Mẹ nuôi cũng chuyển lên đây công tác, tôi lại được ở gần cả hai mẹ. Tuy lớn rồi nhưng về với mẹ nuôi tôi như còn bé lắm, vẫn ôm cổ, bá vai, thậm chí ngồi vào lòng mẹ. Thấy tôi trưởng thành, mẹ nuôi rất vui. Mẹ bảo điều này đã bù đắp cho những khó khăn, vất vả ngày xưa của mẹ.
ANH VÂN