Tôi và họa sĩ Tạ Trí quen nhau kể ra cũng nửa thế kỷ rồi, từ hồi anh cùng gia đình ở Trường ĐH Mỹ thuật (42 Yết Kiêu, Hà Nội) nhưng rồi chúng tôi mất liên lạc. Nửa thế kỷ sau nhờ facebook kết nối tôi mới có cuộc trò chuyện đầu năm với anh.
Họa sĩ Tạ Trí và các họa sĩ đã được đào tạo tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp khóa 12 (1979-1984) |
Họa sĩ Tạ Trí kể: Tôi cũng như bao thanh niên miền Bắc thời đó, đi bộ đội năm 1973, cuối năm vào chiến trường mặt trận Thừa Thiên Huế, đến tháng 10-1977 ra quân, rồi đi học ngành Mỹ thuật công nghiệp, vì hầu như cả nhà từ các chị, anh rể đều học Mỹ thuật, nên tôi sang bên Mỹ thuật công nghiệp học cho khác đi một chút, tôi học dự bị khóa 1978-1979, chính thức 1979-1984.
Anh là con út trong gia đình có 7 chị em, trong đó có 4 họa sĩ, là thành viên đại gia đình có 23 họa sĩ, 15 người là giáo viên mỹ thuật… anh tự “xếp hạng” mình thế nào trong đại gia đình hội họa này?
Họa sĩ Tạ Trí: Xếp hạng ư? Chả biết xếp thế nào vì mỗi người một chuyên ngành riêng, mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu riêng, người lụa, người sơn mài, người đồ họa. Người sáng tác, người đi dạy, khó nói lắm.
Thì anh cứ tự xếp hạng vui đi: Thí dụ về nghề, về độ cưng chiều, về việc uy tín trong gia đình, về thu nhập, về mức độ giao du xã hội, hay về độ dài… râu tóc chẳng hạn?
Cưng chiều thì không đâu, có chăng được ưu ái chút chút vì là con út. Về râu tóc ư? Ha ha chắc chắn là tôi nhất nhà rồi, mà nhất cả họ cũng nên. Khi tụ tập cả nhà, nhìn mình có bộ râu tóc dài và bạc trắng ai cũng tưởng mình già nhất.
Vậy cuối cùng sau khi đi bộ đội anh cũng theo nghề hội họa như gia đình?
Tôi về NXBGDVN, làm sách giáo khoa nên phải minh họa và vẽ bìa nhiều, 32 năm chứ ít gì, chủ yếu là mảng minh họa.
Là họa sĩ của NXBGD thì phải vẽ cho chủ đề giáo dục, cho thiếu nhi, tức là phải vẽ nghiêm ngắn, liệu có ngẫu hứng sáng tạo phong cách riêng của học sinh được không?
Có chứ, tôi vẫn sáng tác và tham gia các triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Một câu hỏi hơi cũ nhưng tôi xin phép vẫn phải hỏi: Anh chịu ảnh hưởng của ai trong nhà nhiều nhất?
Tất nhiên là ảnh hưởng của bố tôi là họa sĩ và giảng viên ĐH Mỹ thuật Tạ Thúc Bình, và anh rể là họa sĩ Hà Quang Phương, vì họ là bậc thầy của những minh họa tranh truyện thiếu nhi, lứa bọn mình hồi ấy ai chẳng biết.
Tôi được biết cháu ruột anh là họa sĩ Hà Tuệ Hương (con gái của họa sĩ Tạ Diệu Tâm và họa sĩ Hà Quang Phương) vào làm họa sĩ NXBGD, hai cậu cháu cùng vẽ cho NXB là do anh định hướng hoặc có do ảnh hưởng nào của anh không?
Khi NXBGD tổ chức thi tuyển họa sĩ, Hà Tuệ Hương mới tốt nghiệp… khoa Văn, chưa làm ở đâu, tôi có nói cháu nộp hồ sơ dự tuyển và phổ biến một số kinh nghiệm khi làm bài thi (vì người đi trước bao giờ cũng có kinh nghiệm hơn, nhất là gu của NXB như thế nào cho chắc ăn) thi phát trúng luôn, giờ là họa sĩ dày dạn của NXBGD tại TP.HCM đấy.
Ở gia đình nhỏ của anh nhé, có ai theo nghề họa sĩ không?
Vợ tôi học khoa Hội họa Trường CĐ Mỹ thuật TW, nay là Trường ĐH Nghệ thuật Trung ương khóa 13 (1981-1985), ra trường về dạy vẽ cho học sinh ở trường phổ thông, sau rồi cũng chuyển về làm cùng NXBGD với tôi, giờ về hưu nhưng vẫn dạy vẽ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Bọn mình có duy nhất một thằng con trai (1990) cháu học khoa Mỹ thuật, Trường Sân khấu – Điện ảnh HN, sau khi ra trường cháu đạt điểm đi học cao học ở Lyon Pháp, cũng học tạo dáng, thiết kế nhân vật hoạt hình 3D.
Tôi thấy anh có những đam mê rất nghệ sĩ và phong trần như: rượu, phượt, vẽ… hòa đồng với bạn bè đầy cá tính, hình như anh có sở thích và tình yêu với cái gì hơi độc lạ như chuyện nuôi râu tóc như tiên ông, như chuyện tắm tiên ở bãi sông Hồng nữa?
Ồ, tắm tiên ngoài bãi sông Hồng là một thú vui không thể bỏ. Chỉ cách trung tâm HN có chừng hơn 1km đường chim bay mà có chỗ thư giãn có sông, có sóng, có gió, có bãi cát để tập, để chạy, có chỗ nuôi gà, nuôi chó, nuôi chim, lại thỏa sức bơi lội mỗi buổi chiều suốt cả 4 mùa thì còn gì bằng. Thiên nhiên ưu đãi lại chẳng mất xu nào. Riêng về cái khoảng trời riêng này tôi cũng viết gần chục truyện ngắn về sinh hoạt đời thường ngoài sông, về những nhân vật cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ yêu thích sông Hồng, về những con chó trung thành và đáng yêu, và tất nhiên đã là họa sĩ thì tôi cũng vẽ những con gà, con chó đáng yêu ấy không phải là ít.
Anh vừa nhắc đến thú vui nuôi chó, tôi lại nhớ những bức ký họa, bức tranh vẽ chó rất đẹp của anh. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất sắp đến anh có thể nói gì về việc vẽ động vật mà cụ thể là những chú chó đáng yêu?
Chó là một động vật đáng yêu, bởi nó là bạn tri kỷ với người, chủ dù giàu hay nghèo đối với nó không phân biệt, nó tình nghĩa trung thành (nếu như bạn đọc không cố chấp) thì có khi còn tình nghĩa hơn cả con người đối với nhau vậy.
Mấy tranh chó vừa rồi là tôi vẽ cho năm Mậu Tuất đấy. Cứ treo trên tường facebook cho vui thế thôi. Còn chất lượng tranh xin để người xem phán xét.
Xin cám ơn họa sĩ Tạ Trí đã có cuộc trò chuyện trước thềm năm mới rất thú vị!
Huỳnh Dũng Nhân
Bình luận (0)