Nhiều lúc, ông Lê Trọng Nghĩa quên ăn, quên ngủ chỉ vì “mê” công nghệ thông tin
|
Nhắc tới ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp Q. Bình Tân, hầu hết giáo viên (GV) trên địa bàn quận ai cũng biết bởi suốt mấy chục năm nay, ông luôn là người tiên phong trong các phong trào đổi mới giáo dục. Không chỉ động viên GV toàn quận đăng ký học tin học, ông còn soạn ra một tài liệu tin học riêng để giảng dạy cho họ. Và giờ đây, khi đã đến độ tuổi “xế chiều”, ông vẫn bôn ba khắp nơi từ miền Tây ra miền Trung… để hướng dẫn các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước dạy học theo phương pháp mới – dạy học theo dự án.
Làm quản lý sẽ giúp được nhiều người
Tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường ĐH Sài Gòn, năm 1978, ông về dạy học tại Trường THCS Bình Hưng Hòa, lúc bấy giờ đang thuộc huyện Bình Chánh. Trong những năm làm công tác giảng dạy, ông gặt hái được nhiều thành tích đáng kể như giải nhất GV giỏi cấp thành phố, giải nhất cấp quốc gia về thiết kế đồ dùng dạy học… Có năng lực trong công tác quản lý, lại đạt những thành tích đáng kể trong giảng dạy nên đến năm 1982, ông được đề bạt lên vị trí Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng của trường.
Ông Nghĩa nhớ lại: “Lúc đó, tuy rất băn khoăn vì tôi thích truyền đạt kiến thức cho học trò hơn. Nhưng khi nghĩ đến lời khuyên chí lý chí tình của nguyên Hiệu trưởng nhà trường “Nếu em làm GV, mỗi năm em chỉ giúp đỡ được một lớp học sinh (HS). Trong khi đó nếu làm công tác quản lý, em sẽ giúp đỡ cho cả trường, cho hàng chục lớp học”, tôi quyết định đảm nhận một cương vị mới với nhiều khó khăn, vất vả phía trước”.
Năm 1985, huyện Bình Chánh mở một trung tâm thực hành thí nghiệm và điều động ông về làm Giám đốc. “Lúc đó, tôi rất vui vì được tiếp cận với những phương tiện hết sức hiện đại như máy vi tính, hệ thống các dụng cụ thí nghiệm… HS toàn huyện mỗi lần đến giờ thực hành là đạp xe tới trung tâm tôi học. Nhìn các em đạp xe hàng chục cây số chỉ để học một giờ thực hành, tôi rất trăn trở nhưng chưa biết phải làm sao vì lúc bấy giờ cả nước vẫn đang rất nghèo về cơ sở vật chất, trang bị, có được một trung tâm là may mắn lắm rồi. Từ đó, chúng tôi bắt đầu tạo mọi điều kiện để các em HS đến học một cách thuận lợi nhất và trung tâm ngày một phát triển”, ông Nghĩa tâm sự. Thế nhưng, không lâu sau, dự định của ông đành phải gác lại vì trường học bắt đầu trang bị các thiết bị riêng và trung tâm bị giải thể (năm 1993). Trong thời gian này, ông về đảm nhiệm vị trí “đầu tàu” cho một mô hình trường bán công đầu tiên của huyện, đó là Trường Bán công An Lạc. Ông Nghĩa chia sẻ: “Tuy lúc bấy giờ, trường bán công đã có ở nhiều quận khác nhưng đa phần chỉ dành cho con nhà giàu giống như các trường quốc tế hiện nay. Còn Trường Bán công An Lạc lại khác. Đây là trường chủ yếu dành cho con em gia đình nhập cư nghèo, và những HS không đủ điểm vào các trường công lập… Nhiệm vụ đặt trên vai tôi và các đồng sự là vô cùng quan trọng vì phải làm sao để ngày một nâng cao chất lượng đầu ra cho HS nhà trường”. Có lẽ chính vì phương châm đó mà ông đã “chèo lái con thuyền” này rất thành công. Mặc dù là trường bán công nhưng chất lượng đầu ra của HS nhà trường luôn bằng các trường công lập khác. Sau đó, năm 1999, ông được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông, và hiện nay là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Q. Bình Tân. Khi nghe hỏi về những thành công đã có, ông Nghĩa chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ tích lũy được trong quá trình làm công tác quản lý: “Trong quá trình làm công tác quản lý, tôi thường xuyên vận động từng bậc phụ huynh giúp đỡ những HS vượt khó như tặng xe đạp, sách vở, học bổng… cho các em. Đặc biệt, nếu xưa nay người ta chỉ trao học bổng cho HS giỏi, tôi lại chú trọng khuyến khích những HS nỗ lực trong chuyện học hành. Nhiều lúc, HS có học lực trung bình ở trường tôi cũng được thưởng. Vì vậy, hầu hết các em đều cố gắng học tập để tiến tới cùng chúng bạn”.
Quên ăn, quên ngủ vì CNTT
Khi ông về làm công tác quản lý tại Trường THCS Bình Trị Đông thì cũng là lúc Việt Nam bắt đầu tiếp cận với nền công nghệ mới – CNTT. Qua sách báo, ông hiểu rõ sự cần thiết của CNTT nên mặc dù ngành giáo dục thời điểm đó chưa yêu cầu GV phải biết tin học nhưng ông vẫn tự mày mò tiếp cận với nó một cách hăng say. Có khi ông thức thâu đêm suốt sáng chỉ để mở đi mở lại cái máy vi tính xem ở trong đó còn có những chức năng gì. Trong quá trình tự học tin học, ông nhận thấy “công nghệ này thực sự là một bước chuyển mới giúp người học dễ dàng tiếp cận với vô số kiến thức của nhân loại”. Thấy được hiệu quả tích cực của việc đưa máy vi tính vào ngành giáo dục, ông bắt đầu tiếp cận, thăm hỏi đến nhiều trường bạn để xem họ có ứng dụng CNTT trong quá trình làm việc hay không. Cuối cùng, ông đã tự mình soạn ra bộ tài liệu hướng dẫn GV học tin học cho trường mình và cả những trường khác trên địa bàn. Không những thế, ông còn vận động GV trong quận tham gia học tin học để đổi mới phương pháp giảng dạy. Giai đoạn này, nhiều trường bạn đã mời ông về dạy tin học cho đội ngũ GV của mình. Có thể nói, ở Q. Bình Tân, ông là người thầy đầu tiên hưởng ứng phong trào đưa tin học vào nhà trường. Để rồi ngày qua ngày, niềm đam mê của ông đã nhen nhóm, lan tỏa thêm cho hàng trăm GV của quận.
Thông qua máy vi tính, ông có thể mang kiến thức của cả nhân loại về nhà của mình. Ngày nào ông cũng dành thời gian xem đi xem lại rất kỹ những trang web dạy học trực tiếp. Thấy nội dung trang nào hay, ông liền bắt đầu mày mò tìm hiểu. Có lúc ông thức trắng đêm chỉ vì tâm đắc một bài giảng trên internet. Gặp phải những trang tài liệu bằng tiếng Anh đọc không hiểu, ông nhờ một công cụ hết sức hiệu nghiệm là Google dịch. Theo ông: “Mặc dù Google dịch không sát nghĩa và nhiều khi còn sai nhưng chịu khó tìm thêm các thuật ngữ ở từ điển, dần dần tôi cũng hiểu được nội dung cơ bản của các trang web bằng tiếng Anh”.
Dạy học theo dự án
Nhờ có niềm đam mê tin học, ông đã tự học hỏi và tiếp cận với cách giảng dạy trên internet. Đặc biệt, ông được tham dự các khóa tập huấn về phương pháp dạy học theo dự án như Partner In Learning, Intel Teach Essentials, Intel Teach Elements Project Based Approaches… Sở GD-ĐT đã tín nhiệm chọn ông làm GV hướng dẫn, tổ chức thử nghiệm dạy học theo dự án tại Trường THCS Bình Trị Đông A (Q. Bình Tân).
Thầy Lê Văn Gia Em, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông A cho biết: “Sau vài năm dạy học theo dự án qua sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Lê Trọng Nghĩa, chúng tôi đã thấy được những hiệu quả tích cực mà phương pháp này mang lại. Thông qua đó, HS nhà trường được trang bị thêm nhiều kỹ năng mới như kỹ năng tự tìm kiếm thông tin, kỹ năng tự định hướng, thuyết trình, làm việc nhóm… Thầy Nghĩa thật sự đã mang đến “luồng gió lạ” cho Trường THCS Bình Trị Đông A trong việc đổi mới phương pháp dạy học”.
Sau quá trình thực nghiệm ở Trường THCS Bình Trị Đông A đạt được những kết quả nhất định, Phòng GD-ĐT Q. Bình Tân bắt đầu giao cho ông tập huấn hơn 100 GV tiểu học và THCS của quận dạy học theo phương pháp này. Ông còn được Sở GD-ĐT và Tập đoàn Intel tín nhiệm giao cho tập huấn về phương pháp dạy học theo dự án ở nhiều trường khác trong thành phố và ở các tỉnh, thành như An Giang, Huế, Đà Nẵng…
Giờ đây, khi đang giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Q. Bình Tân, ông không chỉ đóng góp hết mình cho công tác tư vấn hướng nghiệp mà còn nhiệt tình tham gia hướng dẫn những trường muốn tiếp cận với phương pháp dạy học theo dự án. Ông dự tính, trong năm học này sẽ hướng dẫn cho tất cả GV trên địa bàn quận dạy học theo phương pháp mới này.
Ở cuối con đường của sự nghiệp giáo dục, nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học vẫn luôn thôi thúc ông tiếp tục cố gắng để hoàn thành tốt những kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)