Nhận thấy sinh viên quá thiếu không gian để nghiên cứu, trong khi các phòng thí nghiệm tại trường chỉ dành cho học tập hoặc thực hành bộ môn, TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí – Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thành lập một phòng thí nghiệm mang tên Open Lab, phục vụ 24/7 cho các sinh viên ham thích nghiên cứu. Hơn một năm sau ngày thành lập, nhiều nghiên cứu mang thương hiệu “sinh viên” đã được ứng dụng vào cuộc sống. Không ít sinh viên trưởng thành từ Open Lab đã trở thành trụ cột cho nhiều công ty cơ khí.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh hướng dẫn sinh viên Khoa Cơ khí – Chế tạo máy thực hiện công trình nghiên cứu tại Open Lab.
Đau đáu những nỗi lo
Chúng tôi tìm đến Open Lab trong lúc TS Thịnh cùng một nhóm sinh viên đang hối hả hoàn thiện các bài báo cáo khoa học cho Hội nghị Cơ khí-Tự động hóa tại Thái Lan trong những ngày tới.
Nhìn thấy chúng tôi, TS Thịnh vui vẻ nói: “Có đến 6 bài báo cáo của sinh viên được báo cáo trong hội nghị tại Thái Lan. Trong năm nay, chỉ riêng báo cáo khoa học tại các hội nghị lớn trong và ngoài nước, chúng tôi đã có hơn 20 bài. Đây là mục tiêu mà chúng tôi luôn tập trung triển khai đến từng sinh viên khi tham gia vào Open Lab, bên cạnh việc nghiên cứu các sản phẩm rô-bốt phục vụ cuộc sống”.
Nhớ lại những ngày đầu khi về trường, TS Thịnh nhận thấy nhu cầu nghiên cứu của sinh viên là rất lớn, trong khi “sân chơi” gần như không có vì phòng thí nghiệm chỉ đóng và mở cửa theo từng tiết học thực hành. Từ đó, Open Lab ra đời với tiêu chí tạo ra một nơi cho sinh viên có thể nghiên cứu bất kỳ điều gì mà mình thích. Bất cứ lúc nào, từ sáng sớm cho đến nửa đêm, Phòng thí nghiệm luôn sáng đèn, nếu không phải là thầy, cũng là trò hì hục bên những mô hình điện tử, luận án tốt nghiệp…
Khó khăn chung của nhà trường là nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu không nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn, trong khi các nghiên cứu của sinh viên chưa có định hướng rõ ràng, thích cái gì nghiên cứu cái đó. TS Thịnh cho biết: “Định hướng nghiên cứu cho sinh viên là việc làm quan trọng, nghiên cứu phải gắn liền với nhu cầu của xã hội. Khi đó, các nghiên cứu sẽ dễ dàng được xã hội quan tâm và đặt hàng chuyển giao. Bên cạnh đó, nghiên cứu hàn lâm cũng phải được đề cao với các yêu cầu về những bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành”. Ngoài định hướng, bản thân TS Thịnh cũng lặn lội gõ cửa từng doanh nghiệp, đơn vị để giới thiệu các sản phẩm và ký kết hợp đồng thay sinh viên. Những máy biến dạng thép bằng từ trường, rô-bốt thông cống, máy bán hàng từ động… được chuyển giao, mang về những khoảng thu đáng kể, trang trải cho hoạt động của Open Lab.
Tâm huyết cho mái nhà chung
Sau chừng một năm, đã có hơn 50 công trình nghiên cứu được hoàn thành, trong đó có nhiều sản phẩm đạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật như rô-bốt hoa, rô-bốt cá, rô-bốt thông cống, rô-bốt điều khiển giao thông, hệ thống điều khiển xe buýt bằng công nghệ GPS… Gần 10 sản phẩm, rô-bốt với kinh phí nghiên cứu hàng trăm triệu đồng được chuyển giao đến các đơn vị trong cả nước. TS Thịnh cho rằng, chính những thành công này là niềm vui, là động lực để thầy – trò tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo hơn nữa dù khó khăn về kinh phí luôn là nỗi lo thường trực. “Nhiều khi phải bỏ tiền túi mua thiết bị cho sinh viên nghiên cứu mà không biết khi nào có thể lấy lại được, nhưng cảm thấy vui khi hỗ trợ và phát huy hết khả năng có được của lớp kỹ sư tương lai này”, TS Thịnh cười, chia sẻ.
TS Thịnh cũng tổ chức các buổi học thuật cho các thành viên của Open Lab, cùng nhau học hỏi, chia sẻ các phương pháp nghiên cứu, các sản phẩm hay. Điều đặc biệt, không chỉ có sinh viên, các giảng viên đang bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ cũng tham gia làm việc tại phòng thí nghiệm, thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho sinh viên. Các sinh viên năm cuối cũng chỉ bảo những sinh viên năm đầu, cứ thế khi ra trường, bản thân các sinh viên này đã có những kinh nghiệm bổ ích, sát với thực tế tại công ty, doanh nghiệp.
Là một trong những người trưởng thành Open Lab, anh Nguyễn Thanh Long, đang làm việc tại Công ty TNHH Thiên Việt cho biết: “Khi rảnh rỗi, mình quay trở lại Open Lab vừa học hỏi thêm từ TS Thịnh, vừa giúp đỡ các bạn sinh viên mới. Những kiến thức học tại Open Lab đang giúp ích cho công việc của mình rất nhiều”.
Như lời của TS Thịnh, trong thời gian tới, Open Lab sẽ hoạt động như một công ty độc lập, liên kết nhiều hơn với các công ty, doanh nghiệp nhằm phát triển các nghiên cứu của sinh viên.
Tường Hân (SGGP)
Bình luận (0)