Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người nặng nợ với nhà rường

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hải bên khu nhà rường tại Dĩ An, Bình Dương
Đời ông sơ, ông cố làm quan triều đình Huế, tuổi thơ của nghệ nhân Võ Văn Sĩ Hải êm đềm trôi qua với bao kỷ niệm trong ngôi nhà rường Huế. Lớn lên, tuy phiêu bạt trời Nam nhưng ngôi nhà rường Huế vẫn nguyên vẹn trong ký ức ông.
1. Rời cố đô Huế, theo cha vào Sài Gòn lúc 10 tuổi, nghệ nhân Sĩ Hải được cha truyền nghề mộc “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để mưu sinh nơi đất khách quê người. Sau năm 1975, ông được kết nạp vào Đoàn. Từ năm 1977, ông thực hiện nghĩa vụ quân sự đến năm 1982 xuất ngũ rồi về làm công tác Đoàn ở Q.9, TP.HCM liên tục 15 năm, sau đó mở xưởng mộc. Mặc dù đã “về hưu” nhưng ông vẫn tích cực gắn bó với công tác Đoàn tại địa phương (xây dựng nhà tình thương, góp tiền sửa chữa chùa…). Do yêu cầu của nghề nghiệp, ông thường đi đây đi đó mua những ngôi nhà cổ tháo dỡ lấy vật liệu. Ông nâng niu từng cây cột, cây kèo đã cũ kĩ, mốc meo. Đối với người không am hiểu thì đó là những khúc gỗ cứng vô hồn, còn đối với ông, đó là sự sinh động, là tiếng vọng của nét đặc sắc văn hóa Việt xưa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Từ những cánh cửa, rường cột, rường kèo hư hỏng, mục nát, ông sưu tập được những phiên bản hoa văn phong phú mang nét đặc trưng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Những chi tiết cổ ấy được các thợ bậc thầy ngày trước chạm trổ tinh xảo với đa dạng chủ đề như: sinh hoạt sông nước, cây trái hoặc tam đa – tứ quý, mai – lan – cúc – trúc, phước – lộc – thọ, long – lân – quy – phụng…
2. Trong những lần ngược xuôi trên khắp mọi miền đất nước, nghệ nhân Sĩ Hải có dịp viếng thăm nhiều ngôi nhà cổ nổi tiếng để nghiền ngẫm, nghiên cứu. Miền Nam có ngôi nhà cổ Đại Điền ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ngôi nhà này có 5 gian, 2 mái, chu vi 100m làm bằng gỗ lim, căm xe. Trải qua hàng trăm năm với bao mưa nắng, ngôi nhà cổ này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, mang nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng sông Cửu Long. Hay như ngôi nhà cổ 5 gian 2 mái ở phường Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ được tạo dựng bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Phố cổ Hội An níu chân nhiều du khách với những ngôi nhà cổ mang nét đặc thù của nhà cổ miền Trung. Còn nhà cổ Đường Lâm, nhà cổ Ninh Bình tiêu biểu cho nhà cổ miền Bắc. Nhưng nhà rường Huế vẫn là loại hình kiến trúc được ông đặc biệt quan tâm. Nghệ nhân Sĩ Hải cho biết: “Nhà rường Huế thường 2 gian 3 mái, được chạm trổ rất công phu. Mỗi đòn, kèo, cột trong nhà thật sự là một bức họa nội, bao gồm: tứ linh, bát bửu, mai – điểu – trúc – tước, ngô đồng, phụng, liễu – mã, liên – áp, thỏ – sóc, lựu – thử… Trung bình nhà rường Huế có 56 cột. Số lượng kèo, xà, đòn tay được chạm trổ tinh xảo, khéo léo. Để hoàn thành một nhà rường Huế phải mất hai năm với tốp thợ lành nghề gồm 8 người”.

Một khu nhà rường do ông Hải xây dựng
3. Cơ sở sản xuất đồ mộc Phú Hưng của nghệ nhân Sĩ Hải nằm ở số 18/1 Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương. Với 25 tuổi nghề, cuộc đời của ông có nhiều vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Một lần về thăm Hoàng Thành Huế, ông thích mê mệt ngôi nhà rường mái đơn dùng làm nơi ở của vợ vua Bảo Đại. Đây là kiểu nhà rường có kích thước trung bình, kết cấu cột kèo đơn giản nhưng rất đẹp. Về nhà, ông liền bắt tay chế tác mô hình này và được thị trường đón nhận. Có dịp, một kỹ sư người Pháp mua một căn nhà cổ bị lệch nghiêng về một bên. Nghe tên tuổi nghệ nhân Sĩ Hải, người đó tìm đến ông và giao kết: Nếu ông chỉnh được nhà ngay lại vị trí cũ thì sẽ được trả 75 triệu đồng. Bằng không, ông là người trả số tiền ấy. Nghệ nhân Sĩ Hải ký hợp đồng chấp nhận cuộc chơi. Qua nhiều đêm vắt óc, tính toán, tìm giải pháp tối ưu nhất, cuối cùng ông đã thành công trước sự kinh ngạc của vị kỹ sư người Pháp.
Nghệ nhân Sĩ Hải tâm sự: “Khi mới làm nghề cứ tưởng mọi chuyện đơn giản nhưng hóa ra không phải vậy. Để thiết kế, xây dựng một căn nhà cổ vừa ý khách hàng không dễ chút nào vì xây nhà rường nhà cổ không thuần túy như xây nhà trệt nhà tầng. Phải làm mọi cách để công trình của mình vừa cổ kính vừa nghệ thuật. Người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn là muốn mua một căn nhà cổ vừa ý, đem về dựng trong vườn nhà tìm giây phút vui thú điền viên”.
Nhà rường là một loại công trình kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, dưới triều đại phong kiến Việt Nam. Gọi là nhà rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc Công. Trong 24 chi tiết kết cấu nhà như: cột, kèo, rui, mè, đòn tay, con sẽ thì quan trọng nhất là thanh rường. Tên gọi là nhà rường ra đời từ đó.
Không chỉ “sưu tầm” nhà cổ, nghệ nhân Sĩ Hải còn nổi tiếng bởi sự chịu thương chịu khó trong việc “săn” thợ lành nghề truyền thống. Hiện trong tay ông có khoảng 100 thợ, trong đó đến 90% người gốc Huế, 5 nghệ nhân lớn tuổi. Nghệ nhân Sĩ Hải tâm đắc: “Tôi sẽ giữ và đào tạo thêm thợ nghề truyền thống vì đây là tài sản quý báu mà các nghệ nhân ngày xưa để lại. Sự điêu luyện, khéo léo của những bàn tay “vàng” sẽ làm ra những ngôi nhà rường mang đậm hồn quê”. Ngày xưa thợ Huế phiêu bạt khắp miền đất nước để xây cất nhà rường cho người giàu có, giới địa chủ. Điển hình như tại Cần Giuộc, Long An hiện còn ngôi nhà “trăm cột” được lưu giữ đến ngày nay và trở thành di tích văn hóa thu hút nhiều khách du lịch. Công trình này do một tốp thợ người Huế dựng xây. Thợ Huế còn ra tận đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để chế tác những bộ bàn ghế, giường, tủ thờ, liễn, hoành phi chạm khắc xà cừ tinh xảo còn lưu giữ đến ngày nay.
Không cần đi đâu xa, chỉ cần đến thăm nhà nghệ nhân Sĩ Hải, chúng ta sẽ thấy được sự kết hợp hài hòa, tinh tế của kiểu kiến trúc hiện đại và cổ xưa trong trang trí nội thất. Giường ngủ thì được làm bằng gỗ cẩm thị, một loại gỗ quý hiếm, có tác dụng giúp an thần. Dãy lục bình, mỗi chiếc có chiều cao 1,7m xếp hàng thẳng tắp tạo sự uy nghi, cổ kính. Bộ ghế thời Minh Mạng chạm trổ tinh xảo, đào nạm xà cừ sang trọng tạo cho khách đến chơi nhà cảm giác như đang ở trong khung cảnh cách đây vài trăm năm.
Nhà rường, nhà cổ không chỉ là sân chơi của người hoài cổ mà còn là “quốc hồn”, “quốc túy” của nền văn hóa dân tộc. Những công trình có giá trị này được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của các bậc tiền bối, là triết lý sống của người Việt ngàn năm văn hiến.
Biên – Chức – Khoa

Từ một tổ mộc, và sau hơn 20 năm miệt mài sáng tạo, nghệ nhân Sĩ Hải đã nắm trong tay một cơ ngơi tương đối khang trang. Ông đã chế tác và bán hàng trăm căn nhà rường, trung bình mỗi căn trị giá hai trăm triệu đồng. Nhà cổ sẽ càng cao giá nếu có trọn bộ nội thất như tủ thờ, ván ngựa, hoành phi, câu đối.

 

Bình luận (0)