Mê nghiên cứu khoa học cùng với quyết tâm tự xây dựng cho mình hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã trở thành một trong 3 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam được trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO năm 2019, đứng top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân
Với lĩnh vực nghiên cứu của mình, PGS.TS Vân kỳ vọng trong thời gian tới các phương tiện giao thông sẽ hoạt động bằng nguồn năng lượng tái tạo thay vì xăng, dầu như hiện nay để giảm ô nhiễm môi trường, tránh cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
Thay xăng, dầu bằng pin nhiên liệu
Công trình nghiên cứu “Tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo” là công trình tâm huyết của PGS.TS Vân trong suốt gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu.
Công trình này không chỉ giúp cô trở thành một trong 3 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam được trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019; giúp cô đứng top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á mà nó mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm khí thải CO2, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình, PGS.TS Vân cho biết, dầu mỏ, than đá, khí đốt… là những loại nhiêu liệu có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên, những loại nhiên liệu này rất có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai. Mặt khác khi sử dụng, những loại này sẽ thải ra khí, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, tác động đến khí hậu toàn cầu, dẫn đến những vấn nạn như: hạn hán, lũ lụt, không có nước ngọt… Vì vậy chúng ta cần phải có một dạng năng lượng để thay thế. Những thứ được thay thế đó chính là các động cơ xe, thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng hằng ngày. “Nếu sử dụng dạng năng lượng tái tạo cho phương tiện giao thông, thiết bị sẽ được đặt trong chiếc xe và có bình khí hidro cung cấp nhiên liệu liên tục giúp xe chạy mà không cần phải đổ xăng, dầu như hiện nay” – PGS.TS Vân cho biết.
PGS.TS Vân bước vào con đường nghiên cứu khoa học từ khi còn là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Cô nhận học hàm phó giáo sư năm 36 tuổi (2016). Qua gần 20 nghiên cứu cô đã thực hiện được 2 bằng sáng chế của Mỹ và Đài Loan, công bố gần 80 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, hơn 10 đề tài về lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài nguyên môi trường. |
Theo PGS.TS Vân, khí hidro này chúng ta có thể lấy từ phương pháp điện phân hoặc sử dụng phương pháp tách hidro từ nước. Lượng nước sau khi tách có thể tái sử dụng cho mục đích khác. Sau này chúng ta cũng có thể thay khí hidro bằng dung dịch lỏng methanol, etanol để dễ lưu trữ. “Tuy nhiên khí hidro vẫn đang hướng đến sử dụng nhiều hơn vì hiệu suất chuyển hóa thành điện năng cao hơn so với những loại khác” – PGS.TS Vân nói.
Cần có quá trình
Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại nóng như hiện nay. Theo PGS.TS Vân, phải có giải pháp thay thế xăng, dầu bằng năng lượng tái tạo dần. Ban đầu lượng người sử dụng có thể đạt từ 20%, 30%, 50%… nhưng đến một lúc nào đó thì sẽ đạt 100% lượng người sử dụng. “So với xăng, dầu thì năng lượng tái tạo có nhiều ưu điểm đối với các phương tiện giao thông như: tái sinh được, không cần sợ hết nhiêu liệu, thân thiện với môi trường, mức ô nhiễm môi trường dường như bằng 0. Tuy nhiên nguồn năng lượng này có chi phí đầu tư ban đầu cao. Nhưng nếu tính bài toán lâu dài, bền vững cho kinh tế, xã hội, môi trường… theo kiểu phát triển bền vững thì về sau năng lượng tái tạo sẽ có lợi cho xã hội” – PGS.TS Vân khẳng định.
Nói về những khó khăn khi nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu, PGS.TS Vân cho biết đó là một hành trình vô cùng gian nan. Bởi hàng chục năm trước, đề tài về năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu vẫn còn hạn chế.
Bật mí về hướng nghiên cứu sắp tới của mình, cô Vân cho biết, đề tài trên đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường đặt hàng. “Nếu đủ kinh phí thực hiện, từ 3-5 năm, sản phẩm sẽ được ứng dụng vào thực tiễn. Để thực hiện mục tiêu đó chúng ta phải đi từ nhỏ đến lớn. Khi đó sản phẩm có thể ứng dụng cho xe điện, thiết bị điện tử có công suất nhỏ, sau đó đi đến những phương tiện, thiết bị có công suất lớn hơn. Nếu nhận được nhiều sự quan tâm, tôi sẽ dành hết kinh nghiệm, tâm huyết của mình để phát triển đề tài, mang lại giá trị cho xã hội, đất nước” – PGS.TS Vân bày tỏ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)