Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người nổi tiếng – Ngày ấy… bây giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Hạnh phúc với lựa chọn của mình

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) trao chứng nhận chức danh phó giáo sư cho thầy Bùi Tá Long tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2009 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) lần thứ 21 ở London – Anh (1979), được tuyển thẳng vào trường ĐH nổi tiếng của Nga và có nhiều cơ hội được làm việc ở nước ngoài nhưng khi học xong, chàng trai trẻ Bùi Tá Long đã trở về Việt Nam để theo đuổi đam mê của mình. 36 năm qua, ông vẫn đang miệt mài trên con đường nghiên cứu khoa học, truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ.
“Tôi còn nhớ những ngày thơ ấu, tôi thường xin tiền mẹ để mua sách toán. Với những cuốn sách bằng tiếng Nga thì tôi phải nhờ người biết tiếng Nga dịch giùm các đề, các bài giải. Nhờ người khác hoài rất bất tiện nên tôi quyết tâm học tiếng Nga thật tốt chỉ để đọc được quyển tạp chí đó. Trong đầu óc non nớt của cậu học trò ngày ấy, vì niềm đam mê với môn toán mà tôi có thể làm những việc “tày trời” như “mượn” tiền của mẹ để mua sách”, PGS.TSKH Bùi Tá Long mở đầu câu chuyện với những kỷ niệm mà có lẽ đi hết cuộc đời cũng không thể quên. Chính những năm tháng đó đã truyền cho thầy sự thích thú, đam mê với những con số. Cảm giác căng đầu ra giải một bài toán khó, hò reo sung sướng khi đáp án dần hiện ra trên trang giấy càng làm cậu học trò nhỏ say sưa với môn toán.
Ra đi để “mang về”
Năm 1989, sau khi hoàn thành chương trình ĐH và làm nghiên cứu sinh ở ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga), PGS.TSKH Bùi Tá Long về nước. Tuổi trẻ đầy khát khao, hoài bão được vươn mình ra biển lớn nhưng thầy đã từ chối cơ hội sang Mỹ làm việc để trở về Việt Nam. Một giáo sư người Nga đáng kính đã có lần nói với thầy rằng: “Việt Nam mới là nơi thực sự cần những người như em”. Và thầy trở về, để nối tiếp giấc mơ đẹp cho thế hệ trẻ và cho chính con người yêu nghiên cứu khoa học trong mình…
Bao năm qua, thầy Long vẫn nhớ câu nói của giáo sư giản dị ở tận trời Nga mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. “Cuộc sống đó là do mình lựa chọn và tôi thấy hạnh phúc với quyết định ngày đó của mình. Dẫu có những thăng trầm nhưng nhờ vậy mà tạo nên cuộc đời tôi được thong dong, tự tại như hôm nay, được đắm mình vào thế giới khoa học mà tôi vẫn hằng mơ ước lúc bé”, thầy Long chia sẻ.
PGS.TSKH Bùi Tá Long từng giữ chức Viện trưởng Viện Cơ học ứng dụng khi còn rất trẻ. Sau đó, trải qua một vài biến cố nhưng nhiệt huyết, niềm đam mê đã giúp thầy theo đuổi đến cùng việc xây dựng nền móng cho một lĩnh vực mới mẻ nhưng rất cấp thiết là dùng CNTT để quản lý và bảo vệ môi sinh. Đi qua gian khó, thầy mới thấm thía một điều rằng con đường khoa học thầm lặng nhưng đầy thử thách về cả đam mê lẫn sức bền. Những đóng góp của thầy và cộng sự để xác định vai trò của Vedan trong việc gây ô nhiễm sông Thị Vải đã minh chứng cho những nỗ lực của họ đối với việc bảo vệ môi trường.
Kiên trì bồi đắp đam mê

Bùi Tá Long (bìa phải) chụp cùng các bạn trong đội tuyển IMO năm 1979 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Cuộc đời vốn nhiều ngã rẽ bất ngờ. Là tiến sĩ về toán cơ tại ĐH Lomonosov nhưng thầy Long lại chuyển sang theo đuổi ứng dụng toán và tin học trong bảo vệ môi trường. “Vào năm 1995, đây là lĩnh vực hết sức mới mẻ. Tới năm 2004, phần mềm ENVIM (Environmental Information Management System) mà nhóm nghiên cứu của tôi đề xuất đã ra đời. Đây là hệ thống thông tin được xây dựng để phục vụ cho các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quan trắc và tổ chức thông tin môi trường”, thầy Long cho biết. Ngày quyết định trở về nước, thầy Long biết rằng mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng nhìn lại quãng đường đã qua, thầy hạnh phúc nhận ra rằng mình đã chọn lựa đúng. “Chọn trở về, tôi đã làm được nhiều điều cho nghề nghiệp của mình, đã đóng góp một phần nhỏ cho xã hội, được tiếp thêm niềm tin để theo đuổi đam mê. Tôi làm được tất cả những điều đó nhờ bên cạnh tôi luôn có gia đình động viên, có những người đồng chí hướng và những em học trò thân thương”, thầy Long cho biết.
Ở tuổi 52, ký ức về những ngày tuổi thơ ở Thanh Trì (Hà Nội), kỷ niệm về chiến tranh, thời đạn bom xen kẽ hòa bình vẫn hiện hữu trong thầy Long. Hoài niệm về quá khứ để càng thêm trân trọng con đường nghiên cứu, trân trọng những người đã giúp mình trong lúc nghiệt ngã nhất. Là họ hàng rất gần với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tính cách của cố Thủ tướng đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách của thầy. “Tôi có cái may mắn khi luôn được ông dõi theo trên con đường khoa học. Năm 1999, ông dặn dò tôi hãy làm chuyên môn thật tốt để phục vụ đất nước. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông…”, giọng thầy Long chùng xuống.
Ngày quyết định trở về nước, thầy Long biết rằng mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng nhìn lại quãng đường đã qua, thầy hạnh phúc nhận ra rằng mình đã chọn lựa đúng.
Thầy Long luôn tâm niệm rằng một mệnh đề toán học được học sinh hiểu có giá trị hơn mười công thức được các em thuộc lòng, thậm chí biết cách sử dụng nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng. Nhiệm vụ của nhà trường không phải là dạy cho các em những kinh nghiệm cụ thể mà là truyền đạt cách suy nghĩ mang tính phương pháp và có hệ thống. Niềm vui của một người thầy càng nhân lên khi có nhiều học trò thành đạt. “Tôi dạy học trò của mình tình yêu với khoa học, sự nỗ lực học hỏi và làm việc, tinh thần cầu tiến, sự tôn trọng đồng nghiệp, đừng bao giờ tự kiêu, tự mãn”, thầy Long chia sẻ.
Yên Hà
“Phải lòng” với nghề giáo
Hiện nay, PGS.TSKH Bùi Tá Long là Trưởng phòng Thí nghiệm Mô hình hóa môi trường và phần mềm thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ngoài nghiên cứu, thầy còn tham gia công tác giảng dạy ĐH, sau ĐH và các lớp năng khiếu, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Chính tình cảm của các em học sinh, sinh viên đã tiếp thêm sức mạnh để thầy có thể hoàn thành tốt công việc giảng dạy. “Trở thành một giáo viên không phải là công việc đầu tiên tôi chọn sẽ theo đuổi, nhưng thật sự giờ đây tôi đã “phải lòng” với nghề này. Tôi mong mình sẽ còn được gắn bó với trường lớp, với học sinh, sinh viên để truyền lại cho các em những kiến thức mà tôi đã được học”, thầy Long cho biết, “Tôi không mất gì cả mà trái lại, tôi được rất nhiều. Tôi có niềm hạnh phúc tuyệt vời khi được theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và góp phần đào tạo thế hệ trẻ. Bản thân mình chỉ là hạt cát, những gì tôi làm được so với những người đi trước thật nhỏ nhoi…”. 
 
 

Bình luận (0)