Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người nổi tiếng – ngày ấy… bây giờ: “Huyền thoại Taekwondo” nơi mảnh đất tình người

Tạp Chí Giáo Dục

 Võ sĩ Trần Hiếu Ngân trên sàn tập
40 năm qua từ ngày đất nước thống nhất, thể thao Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều vận động viên nữ xuất sắc nhưng vượt trên tất cả đó chính là nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân – người Việt Nam đầu tiên làm nên huyền thoại: Đoạt chiếc HCB Olympic Sydney 2000.
Nhìn lại chặng đường đưa mình đến thành công vang dội ấy, “cô gái vàng” Taekwondo lừng lẫy một thời tâm sự: “Tuy không xuất thân từ phong trào võ thuật TP.HCM, nhưng nơi đây đã tạo rất nhiều điều kiện tốt giúp tôi nhanh chóng trưởng thành”.
Năm 2000, hàng triệu người hâm mộ nước nhà vui mừng chào đón nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân xuất sắc giành chiếc HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà.
Bước ngoặt nàng võ sinh học trò
15 tuổi, lần đầu tiên Hiếu Ngân mới nghe bạn bè kháo nhau về môn võ Taekwondo vừa có mặt trên quê hương Phú Yên của mình. “Ừ! Học thì học cho khỏe người”, Hiếu Ngân quyết định đăng ký cái rụp. Từ đó, tối tối cô học sinh lớp 8 Trường THCS Phường 1, thị xã Tuy Hòa (nay là TP.Tuy Hòa – PV) cùng 4 anh em của mình và bạn bè trong xóm trở thành những võ sinh đầu tiên của lò võ Taekwondo mở tại thị xã.
Học được một thời gian, người anh và 3 đứa em của Hiếu Ngân lần lượt bỏ cuộc vì… chán, chỉ riêng Hiếu Ngân một mình tiếp tục đến thảm tập…
Trầm ngâm một lúc, chị Hiếu Ngân nhớ lại: “Lúc đó, cơ sở vật chất lò võ thiếu thốn đủ thứ, nhiều giải tụi chị phải xin tiền ba mẹ để có kinh phí đi thi đấu. Không dưới 3 lần, chị dằn vặt trước quyết định nghỉ tập để ở nhà phụ ba mẹ buôn bán, nhưng rồi đam mê cứ níu chân lại”. Cũng chính nhờ sự ủng hộ hết mình của gia đình đã trở thành động lực lớn giúp cô học trò mê võ tự tin theo đuổi đến cùng con đường võ thuật.
Năm 1993, Hiếu Ngân giành chiếc HCV Taekwondo toàn quốc lần đầu tiên và được gọi vào đội tuyển quốc gia. Khăn gói vào TP.HCM, Hiếu Ngân vừa tiếp tục học tại Trường Năng khiếu Nghiệp vụ vừa tập trung cùng đội tuyển. Tuy nhiên, năm 1995, con đường võ thuật mới chớm nở của Hiếu Ngân đứng trước nguy cơ tan thành mây khói khi chị bị chấn thương chân phải. Đây chỉ mới là một trong những khó khăn mà nữ võ sĩ phải gánh chịu. Sau cuộc phẫu thuật và chữa trị rất khó khăn, cái chân thuận đầy uy lực của Hiếu Ngân với các đòn số 2 và số 4 trở nên yếu hẳn.
Các HLV Taekwondo TP.HCM và tuyển quốc gia nhận ra điều này và quyết định “luyện” cái chân trái của Hiếu Ngân trở thành chân thuận. Chỉ một thời gian ngắn, cái chân trái với các đòn lái của chị đã khiến bất kỳ đối thủ nào cũng dè chừng. Cuối năm đó, Hiếu Ngân làm rạng danh làng võ Việt Nam với chiếc HCV SEA Games 18.
Nhớ lại chặng đường gian khó đó, chị Hiếu Ngân chia sẻ: “Nếu không có sự chỉ dạy tận tình của các thầy thì có lẽ sự nghiệp của chị đã không tiến xa được”.
Sau thành công tại SEA Games 18, nữ võ sĩ Hiếu Ngân tiếp tục thành công vang dội trên đấu trường khu vực. 6 năm thi đấu đỉnh cao, Hiếu Ngân đã sở hữu một bộ sưu tập… vàng với đủ loại huy chương khu vực và châu lục.
Những trận đấu “nổ tung” thảm đấu Olympic

Võ sĩ Trần Hiếu Ngân và HLV Trương Ngọc Để tại Olympic Sydney năm 2000
Năm 2000, nữ võ sĩ Hiếu Ngân mang tất cả hi vọng của thể thao Việt Nam trên đường hội nhập đến với Olympic Sydney (Úc). Tuy nhiên, cuộc chinh phục đấu trường Olympic của Hiếu Ngân chẳng dễ dàng gì khi trận mở màn gặp ngay đối thủ Trinidad & Tobago ngang tài ngang sức. Mãi đến nửa hiệp 3 Hiếu Ngân mới ghi được 1 điểm, và rồi 30 giây cuối, cô gái Việt Nam đã kịp tìm cho mình chiến thắng bằng đòn đá xoay phản công ngoạn mục đã hạ gục đối thủ.
Tới trận thứ 2 gặp võ sĩ Strachan Jasmin (Philippines), Hiếu Ngân đã chủ động tấn công ngay từ đầu và giành tỷ số thuyết phục 8-3. Trận bán kết, nữ võ sĩ Việt Nam gặp Lourenc Virginia (Hà Lan) – đương kim vô địch châu Âu – mới xứng danh là đỉnh điểm của một trận đấu đỉnh cao. Khi bị dẫn trước 2-1 và kim đồng hồ chỉ còn 30 giây, như Hiếu Ngân ví von đó là “30 giây định mệnh”, chị đã ra liên tiếp 2 đòn tấn công liên hoàn ghi được 2 điểm để cuối cùng giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 10-6. Chiến thắng này làm ngỡ ngàng làng Taekwondo thế giới.
Sau khi đã tung hết sức trong trận bán kết trước nhà đương kim vô địch châu Âu, trong trận chung kết gặp đối thủ Hàn Quốc quá mạnh, Hiếu Ngân đành chấp nhận chiếc HCB trong nuối tiếc.
Mặc dù giấc mơ vàng không thành công nhưng Hiếu Ngân đã làm được điều mà trong lịch sử chưa từng vận động viên Việt Nam nào làm được trước đó là giành huy chương tại một kỳ Olympic. Và cũng lần đầu tiên trên đấu trường Olympic, cờ đỏ sao vàng Việt Nam được kéo lên. Khoác lên mình lá quốc kỳ đầy tự hào, Hiếu Ngân đã khóc. Các HLV và đồng đội chứng kiến cũng đã khóc.
Bộ sưu tập huy chương của “cô gái vàng” Taekwondo Trần Hiếu Ngân: HCV SEA Games 18 (năm 1995); HCB châu Á, HCV Đông Nam Á (1996); HCĐ SEA Games 19 (1997); HCV châu Á, HCĐ ASIAD (1998); HCB SEA Games 20 (1999); HCB Olympic (2000)…
“Tôi đã không kìm được những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc bởi Việt Nam đã lần đầu tiên ghi danh vào danh sách các nước có huy chương Olympic”, chị Hiếu Ngân chia sẻ.
Khi được hỏi “động lực nào giúp chị làm nên kỳ tích ấy”, không cần suy nghĩ, “cô gái vàng” Taekwondo Việt Nam nói: “Đó chính là câu nói của HLV Trương Ngọc Để. Thầy thường động viên chị trước mỗi trận đấu khó khăn “giành được huy chương lần này, 50 năm sau con vẫn còn sung sướng và tự hào đấy!”. Khi cầm trong tay tấm huy chương quý giá ấy, chị nghĩ ngay đến câu nói của thầy”.
Hiếu Ngân cho biết tập võ phải đam mê và chịu khó thì sẽ gặt hái thành công. Bên cạnh đó, chị cũng cảm ơn cái nôi Taekwondo TP.HCM giúp chị trưởng thành. “Nếu không có các HLV giỏi và nhiều tâm huyết của TP.HCM thì đã không có Trần Hiếu Ngân” chị nói.
Bài, ảnh: Hiếu Ngọc
 
 
Gắn bó với môn võ Taekwondo
Sau thành công tại Olympic Sydney 2000, nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân quyết định từ giã sàn đấu và gắn bó lâu dài với mảnh đất TP.HCM với nhiều công việc như: Thủ quỹ, HLV cho các tuyến năng khiếu tại Trung tâm Đào tạo võ thuật TP.HCM. Và hiện nay chị là Trưởng ban Chuyên môn bộ môn Liên đoàn Taekwondo TP.HCM.
Một ngày của nhà Á quân Olympic khá tất bật từ sáng tới tối, sáng làm việc tại cơ quan, chiều huấn luyện cho đội tuyển thành phố, tối còn dạy cho lớp phong trào và năng khiếu trọng điểm.
Công việc bộn bề, chị phải sắp xếp thật hợp lý để dành thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình với chồng và hai con nhỏ (một gái, một trai) trong căn nhà trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10). “Tuy không sinh ra ở TP.HCM nhưng nơi đây đã cho tôi rất nhiều và mảnh đất này luôn trong trái tim tôi”, Hiếu Ngân cho biết.
 

Bình luận (0)