Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Người nước ngoài có thể được tham gia hợp tác xã ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quy định mở rộng đối tượng thành viên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam tại dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 4/10 được đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra tán thành.

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Hợp tác xã năm 2003 có những bất cập khiến cho vực hợp tác xã phát triển chưa lành mạnh, vững chắc. Hiện còn 3.744 hợp tác xã có tên nhưng không hoạt động, nhiều hợp tác xã hoạt động hình thức. Đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã giảm sút liên tục trong 15 năm qua (từ gần 11% năm 1995 xuống còn 5,45% năm 2009).


Các quy định pháp luật về hợp tác xã được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển hợp tác xã ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác. Dự báo trong những năm tới, đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể có thể sẽ tiếp tục giảm và tốc độ tăng trưởng cũng sẽ ở mức rất thấp.
Bên cạnh đó, trên thực tế, tổ chức hợp tác xã có xu hướng phát triển mới vượt ra ngoài sự điều chỉnh của khung pháp luật hiện hành về hợp tác xã. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã được đặt ra với yêu cầu xây dựng khung pháp luật cơ bản phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã hoạt động và phát triển một cách tự chủ, vững chắc.
Bao gồm 9 chương với 85 điều, dự án luật đã quy định rõ hơn về bản chất, phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia, doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã…
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) tán thành với khá nhiều nội dung mới tại dự luật. Như việc quy định số lượng tối thiểu 7 cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia hợp tác xã. Nếu số lượng xã viên quá ít sẽ dẫn đến vốn góp của một số cá nhân vào hợp tác xã sẽ có tính chất chi phối, ảnh hưởng đến tính dân chủ trong tổ chức hợp tác xã, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền lý giải.
Điểm mới khác tại dự luật là đã bổ sung đối tượng tham gia là các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân nước ngoài nhằm mở rộng đối tượng thành viên (theo nguyên tắc hợp tác xã kết nạp rộng rãi), tạo điều kiện cho hợp tác xã thu hút các nguồn vốn khác nhau.
Quy định này cũng nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra với lý do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm dịch vụ hoặc mở văn phòng đại diện tại nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.
Trong quá trình soạn thảo, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ việc có cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc mua cổ phần của công ty khác hay không. Vì dự thảo Luật không quy định cụ thể việc này nhưng vẫn đề cập khái niệm doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã tại các quy định về thủ tục chia tách hợp tác xã.
Quan điểm của Chính phủ là không nên cho phép hợp tác xã thành lập công ty, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác để khuyến khích phát triển hợp tác xã mang bản chất đích thực, phát triển lành mạnh hơn, vững chắc hơn (hợp tác xã để phục vụ nhu cầu của thành viên), tránh rủi ro cho hợp tác xã.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng nếu đã xem hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì không thể không cho phép hợp tác xã thành lập công ty trực thuộc hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Trên thực tế hiện nay đã có các doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã.
Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn để tránh tình trạng những công ty này hoạt động trái với mục đích thành lập và bản chất của hợp tác xã.
Dự luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tám khai mạc cuối tháng này.
Nguồn VNECONOMY


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)